Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vươn tới đô thị thông minh

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm| 15/02/2018 19:40

(HNM) - Thủ đô Hà Nội đã đi qua năm 2017 với những kết quả khá toàn diện, đáng tự hào. Đặc biệt, công tác quản lý đô thị, văn hóa giao thông, chỉnh trang đường phố, quản lý vỉa hè, lòng đường đã có những đột phá, chuyển mình để không chỉ giải quyết tồn tại, mà còn tạo nền tảng để hướng tới phát triển bền vững, đô thị thông minh.

Ảnh: Viết Thành


Đô thị thông minh - mô hình của tương lai

Thủ đô Hà Nội đã hình thành quỹ di sản đô thị với những yếu tố truyền thống, đặc trưng mà ít đô thị có được. Trước tốc độ đô thị hóa cao, bên cạnh những lợi thế tiềm năng cũng phải đối mặt với những thách thức mà rõ thấy nhất là áp lực về giao thông, về nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Trong những năm gần đây, để khắc phục tình trạng đô thị phát triển tràn lan, để bảo vệ môi trường, tạo lập cuộc sống lành mạnh, an toàn, công bằng, trong xã hội đã hình thành xu thế toàn cầu là xây dựng đô thị thông minh dựa trên các yếu tố: Duy trì, tôn tạo hệ sinh thái tự nhiên, cảnh quan đặc trưng của đô thị. Phát triển không gian đô thị bền vững, chú trọng phát triển mới hài hòa với cải tạo, nâng cấp các khu hiện hữu, gắn kết với nhau cả hạ tầng và cảnh quan. Ứng dụng hạ tầng hiện đại để kết nối đô thị từ sử dụng thiết bị thông minh, công nghệ thông tin hiện đại, quản lý điều hành tổng hợp hiện đại.

Trên thế giới đánh giá đô thị thông minh phải đạt được tổng hòa các tiêu chí: Kinh tế thông minh (phát triển có sức cạnh tranh); vận hành thông minh (giao thông, hạ tầng kỹ thuật); cư dân thông minh (nhân lực, năng lực); môi trường thông minh; quản lý đô thị thông minh; chất lượng cuộc sống tốt. Từ các yêu cầu trên, Mỹ là một trong các nước phát triển đô thị, cải tạo đô thị theo hướng hiện đại, thân thiện, tăng khả năng giao tiếp của người dân với bước đi đầu là từ xây dựng quy hoạch đô thị, xây dựng bộ tiêu chí để quản lý. Nhật Bản đã tạo bước đột phá về xây dựng đô thị thông minh đồng bộ ngay khi tái thiết một số đô thị sau trận động đất ở Đông Nhật Bản. Hàn Quốc đã có kế hoạch xây dựng đô thị thông minh với hai giai đoạn và giai đoạn đầu triển khai mạnh chủ yếu ở các khu đô thị mới...

Mỗi đô thị lựa chọn lĩnh vực ưu tiên để hướng tới đô thị thông minh, song nhìn chung đều chú trọng tới hai hợp phần là không gian đô thị thông minh kết nối với hạ tầng tiên tiến, sử dụng nguồn lực thông minh kết hợp công nghệ thông tin hiện đại, giảm ô nhiễm môi trường, cải thiện đời sống người dân và quản lý đô thị hiệu quả, thông minh.

Những giải pháp tổng hợp mạnh mẽ

Trong bối cảnh như vậy, năm qua Hà Nội đã chú trọng lựa chọn, học tập kinh nghiệm từ nhiều nước để có những giải pháp không chỉ để giải quyết áp lực hiện tại, mà còn là tạo tiền đề để vươn tới là đô thị thông minh xứng tầm là Thủ đô của cả nước. Về quy hoạch thông minh, đã chú trọng hoàn thiện đồng bộ cơ bản hệ thống quy hoạch xây dựng. Từ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đến thiết kế đô thị; chú trọng đến cải tạo các khu chung cư cũ; trật tự, đô thị được chú trọng, quyết liệt xử lý nhà "siêu mỏng, siêu méo", tăng cường không gian xanh, cải tạo vườn hoa, thảm cỏ, thực hiện chương trình "một triệu cây xanh", thi công hạ ngầm hạ tầng kỹ thuật tại các tuyến phố. Trong quản lý đô thị đã ứng dụng công nghệ thông tin, vận hành dịch vụ công trực tuyến... Những giải pháp trên chính là tạo lập không gian thông minh. Hiệu quả trước mắt đã thấy rõ, nhưng để đạt mục tiêu lâu dài rất cần nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý theo quy hoạch.

Áp lực giao thông là vấn đề đã diễn ra ở Hà Nội nhiều năm nay, để giải quyết cần lộ trình đồng bộ và thời gian, song nhìn qua năm 2017 đã thấy có những chuyển biến, xu thế đột phá. Đó là đẩy mạnh giao thông công cộng, vận hành tuyến buýt nhanh, điều chỉnh tuyến vận tải hành khách công cộng, giải quyết một số điểm ùn tắc giao thông, thí điểm dịch vụ iParking trên một số tuyến phố, ban hành một số văn bản, quy chế về văn hóa giao thông nơi công cộng. Riêng về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, lòng đường, hè phố đã quyết liệt để thực hiện Kế hoạch 01 của Ban Chỉ đạo 197 thành phố, tạo được chuyển biến tích cực. Những kết quả tích cực mang tính đột phá bước đầu trong xử lý một vấn đề phức tạp là tín hiệu đáng mừng, cần có lộ trình hợp lý và nhận thức đúng giá trị để góp phần tạo lập xây dựng đô thị thông minh.

Đánh giá về việc này, dư luận đã dùng nhiều cụm từ khác nhau như: Đòi lại vỉa hè, cuộc chiến vỉa hè, dẹp loạn vỉa hè... với nhận thức khác nhau mà chưa xem đây là văn hóa đặc thù của Hà Nội. Thực tế, vỉa hè là không gian công cộng, là không gian chuyển tiếp, tiếp cận với đô thị của các hộ gia đình, của các công trình ven đường, là khung cảnh quan tác động đến nhận thức thẩm mỹ của cư dân ở đô thị, của người dân trong và ngoài nước đến đô thị.

Bởi vậy, lập lại trật tự vỉa hè muốn thành công và ổn định thì phải cân bằng lợi ích. Thành công bước đầu của tổ chức không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận là minh chứng cho kết quả quyết tâm, là lối thoát mà đã bao năm lúng túng. Hy vọng từ sự đột phá này cũng như việc lập lại trật tự vỉa hè không chỉ là phong trào, mà phải là tạo lập không gian thông minh của Thủ đô thông minh...

Năm 2017 đã đi qua, mục tiêu xây dựng đô thị thông minh của Hà Nội là xu thế tất yếu là mong muốn của cả nước, của Hà Nội và cả với một số bạn bè nước ngoài. Đã có những đột phá bước đầu, tuy rằng còn tồn tại cần quan tâm, song hy vọng với sự quyết tâm của cả người dân và chính quyền, hy vọng Hà Nội sẽ sớm là đô thị thông minh.

Dự kiến, trong quý I-2018, liên danh Sumitomo - BRG sẽ khởi công xây dựng giai đoạn 1 dự án Thành phố thông minh tại huyện Đông Anh. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 4,1 tỷ USD, triển khai trên diện tích 272ha, chia thành 5 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 có mức đầu tư hơn 1 tỷ USD sẽ đầu tư hạ tầng đồng bộ, kết nối cho toàn dự án. Đó sẽ là "cú hích" cho đô thị thông minh ở Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vươn tới đô thị thông minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.