Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: “Nút thắt” là... chủ đầu tư

Việt Nga| 18/03/2018 08:08

(HNM) - Đâu là nguyên nhân khiến nhiều khu đô thị chưa được bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý?

Khu đô thị mới Văn Phú (quận Hà Đông) chưa thể bàn giao cho địa phương quản lý vì hạ tầng vẫn chưa hoàn thiện.


Trông chờ sự... tự nguyện

Quận Hà Đông là địa bàn đang có nhiều dự án khu đô thị mới nhưng chưa có khu nào bàn giao hạ tầng cho chính quyền địa phương quản lý. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Vũ Ngọc Phụng, Chủ tịch UBND quận Hà Đông cho biết: Quận sẵn sàng tiếp nhận quản lý hạ tầng khu đô thị, song thực tế, hầu hết chủ đầu tư chưa bảo đảm các điều kiện bàn giao theo quy định.

Giải thích rõ hơn, ông Tạ Hồng Chung, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hà Đông cho rằng, trên địa bàn có 13 dự án khu đô thị mới, 5 dự án nhà ở tái định cư. Theo kế hoạch, quận đang phối hợp với chủ đầu tư của 4 khu đô thị để làm thủ tục tiếp nhận, gồm: Văn Quán - Yên Phúc (chủ đầu tư là HUD), Văn Phú (Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest), Xa La (Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu) và sông Đà - Simco.

Tại Khu đô thị mới Văn Phú, từ tháng 9-2017, chủ đầu tư và UBND quận đã tiến hành các thủ tục để bàn giao. Cuộc họp gần nhất là vào đầu tháng 1-2018, song đến nay mọi việc vẫn dừng lại ở đó. Nguyên nhân là hạ tầng khu đô thị này có nhiều vị trí sụt, lún, chủ đầu tư phải hoàn thiện mới đủ điều kiện bàn giao, tiếp nhận.

Với khu Xa La, vấn đề bàn giao hạ tầng giữa chủ đầu tư và chính quyền được đặt ra đã lâu. Tuy nhiên, trong các buổi làm việc giữa đại diện chủ đầu tư là Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu với các đơn vị chức năng của quận Hà Đông, chủ đầu tư đã không xuất trình được các thủ tục liên quan đến yêu cầu về hồ sơ hoàn công, quản lý chất lượng và các văn bản khác, nên việc bàn giao cũng tạm dừng ở đó…

Nói về nguyên nhân chậm trễ bàn giao hạ tầng cho chính quyền địa phương quản lý, ông Tạ Hồng Chung cho rằng, quá trình đo đếm, kiểm kê đồng thời yêu cầu chủ đầu tư khắc phục những hạng mục chưa đạt yêu cầu mất nhiều thời gian. Thứ hai, chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc tập hợp hồ sơ pháp lý. Một số chủ đầu tư dù rất muốn bàn giao cho chính quyền quản lý nhưng lại thiếu các thủ tục giấy tờ pháp lý nên phải dừng lại. Thứ ba là việc áp dụng quy định, cho đến nay thành phố chưa có quy định cụ thể về thời gian yêu cầu các chủ đầu tư phải bàn giao quản lý hạ tầng cho UBND địa phương. Do vậy, việc bàn giao vẫn dựa trên sự tự nguyện của các chủ đầu tư.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý hạ tầng, Sở Xây dựng Hà Nội, dự án chậm bàn giao thường do chủ đầu tư vướng ở công đoạn thủ tục, như dự án chưa hoàn thành, hoặc hồ sơ bị thiếu.

"Thực tế có không ít chủ đầu tư kể cả khi chưa triển khai xong dự án đã liên lạc hỏi Sở về các thủ tục để bàn giao hạ tầng, vì nếu càng để lâu, họ càng phải chi phí nhiều cho việc duy trì, bảo dưỡng, làm vệ sinh…" - ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Phải ấn định thời hạn bàn giao

Việc chậm bàn giao hạ tầng các khu đô thị mới cho chính quyền địa phương không chỉ gây mất trật tự đô thị, mà còn dẫn đến tình trạng hệ thống hạ tầng chung của cả khu vực không được quản lý, khai thác đồng bộ, tập trung một đầu mối. Các khu đô thị trở thành "ốc đảo" riêng mà không hỗ trợ, kết nối với cảnh quan, hạ tầng khu vực.

Để khắc phục tình trạng trên, Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, khi phê duyệt dự án đầu tư khu đô thị mới, nên ghi rõ thời điểm hoàn thành và bàn giao hạ tầng cho địa phương quản lý theo phân cấp. Đồng thời, giám sát chặt chẽ quá trình đầu tư theo kế hoạch, việc khai thác, sử dụng hạ tầng và xử lý nghiêm chủ đầu tư cố tình không bàn giao hạ tầng cho địa phương.

Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, trường hợp có phản ánh về việc chủ đầu tư chậm trễ chưa bàn giao hạ tầng, chúng tôi sẽ tham mưu Sở Xây dựng thành lập đoàn kiểm tra, kết luận, xử lý. Ở góc độ địa phương, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hà Đông Tạ Hồng Chung nêu: Căn cứ quy định tại Quyết định số 41/2016/ QĐ-UBND ngày 19-9-2016 quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố, đề nghị các sở quản lý chuyên ngành sớm có hướng dẫn việc bàn giao các hạng mục cụ thể tại từng dự án cho chính quyền địa phương, để các bên liên quan có căn cứ sớm triển khai việc giao - nhận hạ tầng.

Còn theo Chủ tịch UBND phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy) Hoàng Trung Kiên, đối với một số dự án đã có trong quy hoạch, song chưa triển khai, đề nghị thành phố chỉ đạo, đôn đốc chủ đầu tư quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích, sớm triển khai, hoàn thành dự án. Vì nếu không quản lý chặt chẽ, đây sẽ là nơi chứa rác thải. “Chúng tôi luôn mong muốn chủ đầu tư khi triển khai dự án sẽ sớm hoàn thiện đồng bộ, có như vậy chính quyền địa phương mới không gặp khó” - ông Hoàng Trung Kiên chia sẻ.

Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, có tình trạng khu đô thị đã hoàn thành đầu tư nhưng chủ đầu tư chỉ bàn giao cho chính quyền địa phương các tuyến đường chính, còn đường phụ, vườn hoa, bãi đỗ xe... chủ đầu tư giữ để quản lý, khai thác. Ở đây có nguyên nhân là họ muốn giữ sự khác biệt về môi trường sống, song cũng có cả việc chủ đầu tư kinh doanh thu lợi nhuận.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: “Nút thắt” là... chủ đầu tư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.