Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều vướng mắc cần sớm tháo gỡ

Ánh Dương - Thúy Quỳnh| 16/04/2018 07:00

(HNM) - Được thành lập từ năm 1998, Khu công nghệ cao Hòa Lạc được kỳ vọng trở thành một khu đô thị sinh thái thông minh, là nơi tập trung, liên kết các hoạt động đào tạo nhân lực, nghiên cứu và phát triển, cung ứng dịch vụ công nghệ cao…


Ngổn ngang vướng mắc

Với diện tích ban đầu 1.650ha, Khu công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc đã qua 2 lần điều chỉnh (năm 2008 và 2016) nên hiện có diện tích 1.586ha thuộc địa bàn 2 huyện: Thạch Thất và Quốc Oai. Tính đến hết năm 2017, các địa phương đã giải phóng mặt bằng và bàn giao cho chủ đầu tư 1.345ha, còn lại 241ha.

Tại huyện Thạch Thất, tổng diện tích đất phải thu hồi là 1.432ha, bao gồm cả diện tích 200ha đã được Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc thực hiện và hoàn thành từ năm 2004. Đến nay, huyện đã thực hiện bồi thường và bàn giao mặt bằng 1.200ha (đạt 83,8%), số diện tích chưa bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) là 232ha. Trong năm 2017, huyện đã thống kê, kiểm đếm được 79,58ha. Hội đồng bồi thường GPMB huyện đã lập xong phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB được 30ha với kinh phí 350 tỷ đồng, nhưng chưa phê duyệt do chủ đầu tư chưa bố trí được vốn.

Do diện tích phải thu hồi tương đối lớn, thời gian thực hiện dài (từ năm 2000), nên công tác GPMB Khu CNC Hòa Lạc gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thạch Thất Nguyễn Thành Khôi cho biết: Tại các xã Tân Xã, Hạ Bằng, Bình Yên, do việc xác nhận hồ sơ phân loại đất nông nghiệp trước đây có sự nhầm lẫn về diện tích đất được giao, nay tiếp tục thu hồi thì hết hạn mức, nên phải điều chỉnh giảm để có căn cứ xác nhận và phân loại tiếp diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi… Sau khi kiểm tra, rà soát lại toàn bộ hồ sơ bồi thường, hỗ trợ GPMB của các hộ đã được phê duyệt trước đây, phải điều chỉnh giảm diện tích đất nông nghiệp được giao, diện tích đất dịch vụ đã được phê duyệt, dẫn đến mất nhiều thời gian và phát sinh đơn thư khiếu kiện…

Ngoài ra, người dân có tư tưởng trông chờ về nguồn vốn, đề nghị chi trả trước với phần diện tích đã thống kê, kiểm đếm thì mới đồng ý kê khai, kiểm đếm tiếp phần diện tích còn lại. Hay như việc điều chỉnh ranh giới quy hoạch, ranh giới thu hồi đất, điều chỉnh giá các gói thầu và diện tích còn lại chưa GPMB do phải chờ Ban Quản lý dự án điều chỉnh lại bản đồ với các thửa đất bị thu hồi một phần... cũng khiến tiến độ dự án bị chậm.

Bên cạnh đó, thiếu kinh phí là nguyên nhân làm chậm đến tiến độ GPMB. Ông Nguyễn Văn Thá, Chủ tịch UBND xã Thạch Hòa cho biết: Từ năm 2000 đến nay, xã GPMB hơn 500ha đất phục vụ dự án Khu CNC Hòa Lạc, hiện còn 67,78ha phải kiểm đếm tiếp. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí GPMB nên vẫn chưa thực hiện được khiến người dân bị ảnh hưởng. Đặc biệt, các hộ dân ở các thôn: 1, 2, 8, 9, do nằm trong quy hoạch, cuộc sống gặp nhiều khó khăn vì nhà ở xuống cấp nhưng không được xây dựng lại; không được đầu tư hạ tầng giao thông; ảnh hưởng ô nhiễm môi trường do ở gần các nhà máy… Hiện người dân xã Thạch Hòa mong muốn sớm nhận được tiền bồi thường, được chuyển chỗ ở để ổn định cuộc sống.

Tại huyện Quốc Oai, có 155,76ha đất thuộc địa bàn xã Phú Cát nằm trong dự án, địa phương đã bàn giao hầu hết diện tích cho chủ đầu tư; chỉ còn khoảng 9ha của 32 hộ dân chưa GPMB. Trong đó, có 12 hộ đã được kiểm đếm từ năm 2006, nhưng đến nay chưa được chi trả, trong khi cây cối, hoa màu tăng giá trị theo thời gian nên các hộ đề nghị được kiểm đếm lại…

Tập trung vốn cho dự án

Đến nay, các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách cơ bản đang được các cấp chính quyền tập trung tháo gỡ. Tuy nhiên, vấn đề thiếu vốn bồi thường, hỗ trợ GPMB cũng ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện các dự án khu tái định cư, khu đất dịch vụ phục vụ việc thực hiện dự án.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Kim Loan, để có căn cứ thực hiện GPMB với phần diện tích còn lại thuộc dự án Khu CNC Hòa Lạc và các dự án khác phục vụ dự án này, UBND huyện đã đề nghị Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc xem xét, báo cáo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Quỹ Đầu tư phát triển thành phố trình UBND thành phố bổ sung nguồn vốn cho các dự án với số tiền 3.325,647 tỷ đồng. Trong đó, đề nghị bổ sung trước nguồn vốn đợt I là 920,192 tỷ đồng, số còn lại đề nghị bổ sung theo kế hoạch thực hiện của Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc…

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố về ứng vốn GPMB khu CNC Hòa Lạc, liên Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Quỹ Đầu tư phát triển thành phố đã thống nhất trình UBND thành phố xem xét, ứng vốn đợt đầu hơn 400 tỷ đồng để giải quyết những hồ sơ đã hoàn thiện công tác kiểm đếm, có phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB...

Song song với việc UBND TP Hà Nội ứng vốn cho công tác GPMB và xây dựng khu tái định cư theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc sẽ phối hợp với chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh GPMB. Đại diện lãnh đạo Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc cho biết: Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, bảo đảm nguồn vốn cho GPMB, tháng 3-2018, Ban đã đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện số vốn trái phiếu Chính phủ năm 2015 sang năm 2018 với số tiền 190,004 tỷ đồng, để phục vụ 3 dự án: Bồi thường, hỗ trợ GPMB cho toàn bộ diện tích Khu CNC Hòa Lạc trên địa bàn huyện Thạch Thất; Xây dựng Khu tái định cư Nam tỉnh lộ 420 Khu CNC Hòa Lạc; Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất dịch vụ (đất ở) khu Sau Đình, Đồi Mới xã Tân Xã, huyện Thạch Thất... như đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều vướng mắc cần sớm tháo gỡ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.