Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hạ cơn “sốt” đất nền: Công khai quy hoạch

Đặng Loan| 11/05/2018 06:52

(HNM) - Sau một thời gian “sốt”, giao dịch đất nền trên địa bàn TP Hồ Chí Minh trong tuần qua đã “giảm nhiệt”.


Thời gian qua, giá đất nền tại các khu vực quận 2, 9, Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi… tăng rất nhanh. Giá đất tại những nơi này tăng đến 50-100% so với cuối năm 2017. Theo nhiều chuyên gia, có nhiều nguyên nhân khiến giá đất tăng như dự báo về phát triển kinh tế Việt Nam và TP Hồ Chí Minh trong năm 2018, hạ tầng các khu vực này được xây dựng mạnh mẽ... Tuy nhiên, các cơn "sốt" đất nối tiếp như thời gian qua không phải là điều tốt cho thị trường, khiến nguy cơ bong bóng bất động sản ngày càng lớn.

Ảnh: Internet


Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, thị trường đang chứng kiến cảnh tượng người người đi mua đất bất chấp cảnh báo của cơ quan chức năng và chuyên gia… Nếu hoạt động đầu cơ, lướt sóng đạt khoảng 70% thì nguy cơ bong bóng sẽ xảy ra, nếu đạt đến ngưỡng hơn 80% bong bóng sẽ vỡ và người thiệt hại sẽ là những nhà đầu tư cuối cùng. Còn theo chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, nếu giá đất cứ tăng mỗi năm 30-50% là hiện tượng đáng lo ngại, thị trường đang ở trong chu kỳ nguy hiểm.

Theo khảo sát, từ đầu tháng 5 đến nay cơn “sốt” đất trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã bắt đầu lắng xuống. Các tuyến đường có rất nhiều văn phòng giao dịch mua bán nhà đất như Nguyễn Xiển, Lò Lu, Gò Cát, Nguyễn Duy Trinh (quận 9) không còn cảnh nhộn nhịp giao dịch mua bán như trước. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoReA) nhận xét đây là tín hiệu tốt cho thị trường; người mua đã có những cân nhắc theo khuyến nghị của UBND TP Hồ Chí Minh, của HoReA, các chuyên gia… Tuy nhiên, dù giao dịch giảm nhưng giá đất khó giảm trong thời gian gần vì người mua đã mua vào với giá cao. “Giá đất chỉ giảm khi người đầu cơ không chịu nổi áp lực trả nợ gốc, lãi vay phải bán cắt lỗ”, ông Châu giải thích.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho hay, thị trường bất động sản chịu ảnh hưởng rất lớn bởi thông tin. Vì vậy, nếu các thông tin liên quan đến bất động sản như quy hoạch, hạ tầng… không rõ ràng thì giới đầu cơ có cơ hội tung tin, thao túng thị trường. Vì vậy, chính quyền cần phải thông tin một cách minh bạch, chính xác và có lộ trình rõ ràng đến người dân về quy hoạch. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cần phải theo dõi chặt chẽ tình hình cho vay của các ngân hàng để điều chỉnh, tránh rủi ro cho toàn thị trường. Các ngân hàng khi cho vay mua bất động sản không nên quá dễ dãi với tài sản bảo đảm bằng chính miếng đất như thời gian qua, mà phải quan tâm đến khả năng trả nợ đến từ một nguồn bảo đảm khác của người vay. Bên cạnh đó, các nhà kinh doanh bất động sản phải có lương tâm trách nhiệm, không thừa cơ hội kích giá tăng trên những thông tin không chính xác. Về phía người mua cần phải tỉnh táo, tìm hiểu kỹ thông tin từ chính quyền địa phương và cần có sự tư vấn của chuyên gia về pháp lý để có hợp đồng mua bán chặt chẽ.

Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh thừa nhận, bên cạnh các chỉ số kinh tế phát triển và việc xây dựng hạ tầng đã tạo “cú hích” để bất động sản tăng giá thì tình trạng “sốt” đất thời gian qua còn do một số đối tượng tung tin đẩy giá gây ra. Vì vậy, Sở Xây dựng đã báo cáo UBND thành phố chỉ đạo cơ quan công an rà soát, xử lý các đối tượng gây ra việc này. Sắp tới, TP Hồ Chí Minh sẽ công khai quy hoạch, tiến độ thực hiện các dự án... để người dân biết, tránh nghe thông tin sai lệch về bất động sản nhằm ổn định và điều chỉnh thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hạ cơn “sốt” đất nền: Công khai quy hoạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.