Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Vẫn còn điểm “nghẽn”

Huyền - Mai| 22/05/2018 07:55

(HNM) - Mặc dù việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đã có nhiều chuyển biến, song với một số loại đất khác kết quả vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra.

Việc người dân chưa nộp tiền hạ tầng, không kê khai hồ sơ... đã gây trở ngại đến tiến độ giao đất dịch vụ ở quận Hà Đông. Ảnh: Linh Ngọc


Từ chậm giao đất dịch vụ...

Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho thấy, việc giao đất ở, đất dịch vụ cho các hộ dân bị thu hồi đất nông nghiệp còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu người dân và chỉ đạo của thành phố. Toàn thành phố hiện mới xét duyệt, giao đất dịch vụ cho 38.194 trường hợp, đạt 44,51% về diện tích và 57,85% số hộ. Bên cạnh đó, tiến độ triển khai các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại các khu đất dịch vụ còn rất chậm. Trong khi đó, nhiều khu đất đã xong hạ tầng kỹ thuật, đủ điều kiện giao cho hộ dân, nhưng UBND các quận, huyện, thị xã lại chậm trễ trong việc thực hiện.

Là một trong những địa phương gặp nhiều khó khăn trong giao đất dịch vụ, Chủ tịch UBND quận Hà Đông Vũ Ngọc Phụng cho biết, toàn quận có 13/17 phường với 1.695ha đất bị thu hồi được tính là đất dịch vụ. Trong đó, tổng nhu cầu giao đất là 27.139 trường hợp, tương đương với 19.865 thửa. Từ năm 2017 đến nay, UBND quận Hà Đông đã giao đất cho 18.673 trường hợp, tương ứng 13.583 thửa đất, với diện tích 70,03ha, đạt 68,81%. Số còn lại chưa đạt kế hoạch đề ra do nhiều nguyên nhân, như người dân chưa nộp tiền hạ tầng, không kê khai hồ sơ... Đơn cử như tại phường Dương Nội nhu cầu đất dịch vụ là 5.780 trường hợp, đến nay đã duyệt 5.307 trường hợp; số hộ không phối hợp xét duyệt là 113 trường hợp. Tại phường Yên Nghĩa, nhu cầu đất dịch vụ là 3.423 trường hợp, đến nay đã duyệt 3.413 trường hợp; 10 trường hợp còn lại không phối hợp làm hồ sơ xét duyệt và nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, toàn quận Hà Đông có 1.442 trường hợp nhận đất dịch vụ phải ghép lô nhưng các hộ chưa thống nhất được hộ ghép cùng...

Tương tự quận Hà Đông, huyện Mê Linh cũng là địa phương có tỷ lệ giao đất dịch vụ thấp và đang gặp rất nhiều khó khăn. Toàn huyện có 5.134 hộ gia đình, cá nhân chưa được giải quyết đất dịch vụ, tương ứng với diện tích 14,2ha. Theo Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường UBND huyện Mê Linh Phạm Minh Giáp, nguyên nhân là Mê Linh chuyển từ tỉnh Vĩnh Phúc về Hà Nội, chính sách và đối tượng giao đất dịch vụ của hai địa phương khác nhau nên còn khó khăn trong quá trình xét duyệt, triển khai...

Lý giải thêm về tỷ lệ giao đất dịch vụ cho các dự án thu hồi đất nông nghiệp thấp, Trưởng phòng Đăng ký Thống kê đất đai (Chi cục Quản lý đất đai Hà Nội) Ngô Khánh Tùng cho rằng, sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, nhiều dự án đã phải tạm dừng, chờ rà soát theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và quy hoạch phân khu; không ít dự án không còn phù hợp với quy hoạch; một số khu đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật nay bị chồng lấn với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu… cũng là những nguyên nhân dẫn đến chậm, muộn trong công tác giao đất dịch vụ...

... đến các loại đất khác

Bên cạnh kết quả đạt được, báo cáo của Ban Cán sự đảng UBND thành phố về kết quả thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU mới đây cũng chỉ rõ những hạn chế. Đó là công tác đăng ký, kê khai đất đai, cấp giấy xác nhận đăng ký đất đai chưa đạt mục tiêu; việc bán nhà cho người mua nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước còn chậm; công tác quản lý, thống kê, theo dõi đối với quỹ nhà ở thuộc sở hữu nhà nước hạn chế, đến nay một số cơ quan tự quản của trung ương và Hà Nội chưa bàn giao cho Sở Xây dựng quản lý; việc cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân sau dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp chưa dứt điểm...

Thực tế, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) ở chậm muộn, song theo Trưởng phòng Đăng ký Thống kê đất đai Ngô Khánh Tùng, vướng mắc lớn nhất là do nhiều trường hợp người sử dụng đất chưa có điều kiện nộp nghĩa vụ tài chính, lại không muốn ghi nợ tiền sử dụng đất trên giấy chứng nhận, nên cơ quan quản lý đã hoàn chỉnh hồ sơ nhưng chưa trao được giấy chứng nhận cho hộ dân. Hơn nữa, cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính của thành phố chưa hoàn thiện, nhiều nơi chưa có bản đồ chính quy. Nhiều trường hợp, chủ sử dụng đất ổn định nhưng nằm trong phạm vi dự án đã có thông báo thu hồi đất, quyết định thu hồi đất, song nhiều năm chưa thực hiện giải phóng mặt bằng (đơn cử, tại khu dân cư Tân Mỹ, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm). Luật Đất đai năm 2013 quy định người sử dụng đất phải kê khai, đăng ký đất đai bắt buộc, nếu không thực hiện thì bị xử phạt vi phạm hành chính, tuy nhiên, đến nay chưa có quy định thời điểm kết thúc kê khai, đăng ký đất đai…

Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường UBND huyện Đông Anh Nguyễn Lê Hiến cho biết, toàn huyện còn khoảng 800 thửa đất do các công ty, cơ quan tự quản. Các đơn vị này đã “thanh lý” nhà cho cán bộ, công nhân viên. Về nguyên tắc, phải bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý nhưng đến nay các đơn vị này chưa bàn giao, dẫn đến việc kê khai, cấp giấy CNQSDĐ chưa được thực hiện...

Theo Phó Chi cục trưởng, Chi cục Quản lý đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) Nguyễn Tân Cương, ngoài 90,3% số hộ mua nhà tại các dự án đã được cấp giấy CNQSDĐ, số còn lại chưa cấp được do chủ đầu tư có vi phạm về Luật Đất đai; vi phạm trong quá trình đầu tư, xây dựng; vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy, quy hoạch, tài chính… đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư không chủ động đăng ký, kê khai cấp giấy CNQSDĐ cho người mua nhà… Đối với cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà tái định cư mới đạt 92,11%, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội lý giải, một số chủ hộ chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, chưa ký hợp đồng mua - bán nhà, chưa nộp hồ sơ kê khai…, là nguyên nhân khiến tỷ lệ cấp giấy CNQSDĐ một số loại đất chưa đạt được mục tiêu đề ra.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Vẫn còn điểm “nghẽn”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.