Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thuế tài sản: Nên đánh lũy tiến

Hương Thủy| 26/06/2018 19:07

(HNMO) - Đề xuất này được một số chuyên gia đưa ra tại hội thảo “Thuế tài sản và một số gợi ý chính sách cho Việt Nam”, do Viện Nghiên cứu Truyền thông Phát triển phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Tài chính tổ chức vào chiều 26-6.


Kinh nghiệm quốc tế

Tại hội thảo, ông Nicolas Drouin, chuyên gia phát triển Đại sứ quán Canada tại Việt Nam đã chia sẻ một số kinh nghiệm về thuế tài sản tại nước này.

Thuế tài sản ở Canada được tính dựa trên hai nguyên tắc là lợi ích mà chủ tài sản nhận được và khả năng đóng thuế của chủ tài sản. 

Tài sản bị đánh thuế được định giá 4 năm 1 lần do một tập đoàn định giá đảm nhiệm nhằm đảm bảo theo giá thị trường. 5 tiêu chí chiếm đến 85% nội dung định giá tài sản nhà ở là vị trí, kích thước lô đất, khu dân cư, tuổi đời của tài sản và chất lượng xây dựng.

Tiền thu từ thuế tài sản được dùng cho các dịch vụ như: Giáo dục (các trường tiểu học và trung  học), văn hóa và giải trí (công viên, bể bơi, thư viện), y tế và phúc lợi (các dịch vụ công cộng, cấp cứu, chi phí hành chính đảm bảo phúc lợi công cộng), nhà ở (giấy phép xây dựng, tiêu chuẩn xây dựng, nhà ở cho người cao tuổi, nhà cho thuê giá thấp), sử dụng đất (quy hoạch, phân vùng), tiện ích (nước sạch, xử lý rác thải, hệ thống thoát nước), bảo vệ an toàn công cộng, giao thông vận tải.

Quang cảnh hội thảo


Cũng tại hội thảo, bà Lê Thi Mai Liên, Trưởng Ban Chính sách Tài chính công, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về thuế tài sản.

Bà Liên cho biết, theo Ngân hàng Thế giới, 174/193 nước áp dụng thuế tài sản/thuế bất động sản/thuế nhà, đất. Đối tượng chịu thuế tài sản thường là nhà và đất. Nguồn thu từ thuế này là nguồn thu quan trọng trong tổng thu ngân sách ở nhiều nước và có xu hướng ngày càng tăng.

Bà Lê Thị Mai Liên, Trưởng Ban Chính sách Tài chính công, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho biết, tại dự thảo mới về Luật Thuế tài sản mà Bộ Tài chính đang xây dựng, đề xuất nhà trên 700 triệu đồng bị đánh thuế tài sản như trước đây không được đưa vào dự thảo.

Phương pháp tính thuế dựa trên giá trị thị trường của tài sản. Phương pháp này được sử dụng tại nhiều nước trên thế giới như Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Đan Mạch, Nam Phi.

Chu kỳ định giá, giá trị tính thuế thường ổn định trong một thời gian nhất định (3-5 năm) nhằm giảm chi phí hành chính và đơn giản hóa trong quản lý.

Hầu hết các quốc gia áp dụng thuế suất tương đối, rất ít nước áp dụng theo thuế suất tuyệt đối hoặc kết hợp cả hai hình thức.

Về mức thuế, có nước ban hành một mức thuế suất thống nhất cho cả nhà và đất; có nước ban hành biểu thuế suất với nhiều mức, có sự phân biệt giữa các khu vực/vùng với các hệ số định giá khác nhau phụ thuộc vào loại tài sản (đất, nhà ở, máy móc) và mục đích sử dụng thực tế (như Philippines, Thái Lan) hoặc có nơi ban hành biểu thuế suất lũy tiến theo giá trị tài sản và áp dụng các mức thuế suất khác nhau đối với các loại đất và nhà khác nhau, thường điều tiết cao hơn đối với đất (Hàn Quốc).

Nên đánh thuế lũy tiến

Từ kinh nghiệm quốc tế, theo bà Lê Thị Mai Liên, Luật Thuế tài sản ở Việt Nam nên áp dụng đối với nhà, đất (thay thế thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, bổ sung thuế đối với nhà), có miễn, giảm đối với nhà, đất là tài sản công; nhà, đất sử dụng cho mục đích tôn giáo, phúc lợi công cộng…


Các khoản thu khác đối với tài sản (lệ phí trước bạ, thuế chuyển quyền sử dụng đất) giữ nguyên theo quy định hiện hành.

Về đối tượng chịu thuế, nên quy định ngưỡng diện tích chịu thuế đối với nhà, đất (vượt một ngưỡng nhất định mới phải nộp thuế).

Về giá nhà, đất để tính thuế, trong ngắn hạn, căn cứ theo khung giá nhà, đất do UBND cấp tỉnh quy định. Về trung và dài hạn, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về nhà, đất, trong đó bao gồm cả giá nhà, đất trên thị trường.

Về thuế suất, bà Mai Liên đề xuất, Luật thuế Tài sản nên quy định khung thuế suất, trên cơ sở đó phân cấp cho các địa phương tự quy định mức thuế suất phù hợp với trình độ phát triển của địa phương. Đồng thời, nên có các mức thuế suất phân biệt theo mục đích sử dụng đất nhằm đảm bảo sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo tính ưu tiên đối với từng lĩnh vực trong từng thời kỳ. 

“Nên đánh thuế lũy tiến nhằm mục đích phân phối lại và đảm bảo công bằng theo chiều dọc”, bà Liên đề xuất.

Đồng quan điểm trên, dưới góc nhìn của chuyên gia, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, cần đánh thuế tài sản theo lũy tiến với mức khởi điểm rất thấp. Có như vậy mới bảo đảm người càng sở hữu nhiều nhà càng bị đánh thuế cao, cũng giống như thuế thu nhập cá nhân, người có thu nhập cao chịu mức thuế cao hơn.

Ngoài ra, ông Đức đề xuất, khi đánh thuế tài sản với nhà thì nhà đó cần được định giá theo thị trường chứ không phải theo giá quy định của cơ quan Nhà nước, và chỉ dựa vào giá để đánh thuế chứ không cần dựa vào vị trí hay diện tích nhà.

Ông Trương Thanh Đức cũng cho rằng, chỉ nên đánh thuế với tài sản có giá trị lớn. Chẳng hạn, với nhà, chỉ nhà có giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên mới đánh thuế.

Cùng quan điểm với luật sư Đức, chuyên gia bất động sản Trần Như Trung nhìn nhận, nhà bị đánh thuế phải được định giá theo giá thị trường.

“Không phải do việc định giá theo thị trường hay hơn mà bởi khi nói đến giá cả thì chỉ có thị trường mới sinh ra giá. Thị trường là căn cứ, là cơ sở để xác định giá của ngôi nhà”, chuyên gia này lý giải.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thuế tài sản: Nên đánh lũy tiến

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.