Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần tháo gỡ bất cập tại khu đất đấu giá Tứ Hiệp - Ngũ Hiệp

Trung Hiếu| 20/09/2018 07:26

(HNM) - Đưa vào sử dụng đã hơn 10 năm, nhưng khu đất đấu giá Tứ Hiệp - Ngũ Hiệp vẫn tồn tại nhiều bất cập, từ quy hoạch, hạ tầng đến hệ thống vườn hoa, cây xanh, khu vui chơi... đòi hỏi phải có phương án xử lý.

Ô đất cây xanh đã được triển khai theo hình thức xã hội hóa.


Còn nhiều tồn tại

Khu đất đấu giá Tứ Hiệp - Ngũ Hiệp nằm trên địa bàn 2 xã Tứ Hiệp và Ngũ Hiệp (huyện Thanh Trì). Theo Quyết định 19/2005/QĐ-UBND (ngày 7-2-2005) phê duyệt quy hoạch của thành phố tỷ lệ 1/500, khu đấu giá quyền sử dụng đất này có tổng diện tích hơn 177.000m2. Đến nay, dự án đã đầu tư xong hạ tầng kỹ thuật, trong đó chia thành 333 ô nhà ở thấp tầng (43 nhà biệt thự, 252 nhà liền kề và 38 ô tái định cư).

Tuy nhiên, dù đã hơn 10 năm kể từ khi có quyết định và đi vào sử dụng, nhiều hạng mục khu đất đấu giá vẫn còn dang dở. Nhiều công trình nhà ở liền kề, biệt thự xây dựng cao hơn so với quy hoạch, một số khu vực diện tích đất cây xanh đang bị hoang hóa. Một số nhà xưởng, nhà hàng xuất hiện trong khu dân cư...

Ông Tạ Đăng Doanh, Chủ tịch UBND xã Tứ Hiệp cho biết, ngay từ khi đưa vào sử dụng, nhất là khi Hà Nội điều chỉnh địa giới hành chính, việc lập quy hoạch tổng mặt bằng khu đấu giá này từ năm 2002-2004 nên một số quan điểm, chỉ tiêu quy hoạch đến nay không còn phù hợp. Bởi theo quy hoạch, tại khu vực này chỉ được xây dựng công trình với mật độ 76,1%, công trình cấp phép hạn chế chỉ được xây dựng 3 tầng và 1 tum.

Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa trên địa bàn huyện Thanh Trì phát triển mạnh, xung quanh khu đấu giá đều có quy hoạch ở độ cao từ 5-7 tầng. Bởi vậy, ngay từ năm 2015, trước những kiến nghị của người dân về nhu cầu xây dựng công trình, nhà ở tại khu vực này, UBND xã đã gửi văn bản lên huyện đề nghị xin điều chỉnh quy hoạch xây dựng tại khu đấu giá quyền sử dụng đất Tứ Hiệp - Ngũ Hiệp. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.

Cần sớm có giải pháp

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì cho biết, đây cũng là những trăn trở của huyện. Do việc lập quy hoạch tổng mặt bằng khu đấu giá từ trước khi Hà Nội điều chỉnh địa giới hành chính nên một số quan điểm, chỉ tiêu quy hoạch đến nay không còn phù hợp, gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước.

Cụ thể, sau năm 2008, theo Quy hoạch chung Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thanh Trì thuộc đô thị trung tâm của thành phố, trên địa bàn huyện đã được thành phố cho lập và phê duyệt các quy hoạch phân khu đô thị, nên tốc độ đô thị hóa ngày càng cao, quy hoạch về chiều cao theo đồ án quy hoạch là 3 tầng không còn phù hợp, không đáp ứng được nhu cầu phát triển đô thị.

“Trong khi quy hoạch phân khu đô thị S5 và quy hoạch chi tiết các khu đấu giá, tái định cư cùng trên địa bàn xã Tứ Hiệp, Ngũ Hiệp, thậm chí chỉ nằm đối diện nhau qua một con đường đều đã được phê duyệt quy hoạch là 5 tầng” - ông Cường nhấn mạnh.

Để giải quyết những bất cập này, từ năm 2015, huyện đã có Văn bản 2972/UBND-QLĐT, báo cáo thành phố, Sở Xây dựng Hà Nội, Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội những bất cập, đồng thời xin điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch chiều cao tầng từ 3 tầng 1 tum thành tối đa 5 tầng.

Ngày 4-1-2016, Văn phòng UBND thành phố đã có Văn bản 08/VP-QHKT đề nghị Sở Xây dựng phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội nghiên cứu đề xuất của huyện để có cơ sở báo cáo thành phố. Ngày 1-7-2016, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội có Văn bản 3607/QHKT-P10, trong đó nêu rõ, xét về quy hoạch kiến trúc, đề xuất của huyện điều chỉnh tầng cao tại dự án này là chấp thuận được, phù hợp với quy chuẩn xây dựng Việt Nam. “Hiện tại, chúng tôi vẫn đang chờ ý kiến chính thức của Sở Xây dựng Hà Nội” - Ông Cường nói.

Cũng theo ông Cường, liên quan tới ô đất cây xanh trong khu đấu giá, thực hiện chủ trương xã hội hóa, đồng thời chống lấn chiếm, đổ trộm phế thải và hoàn chỉnh hạ tầng phục vụ người dân, thời gian qua, huyện đã thí điểm kêu gọi một doanh nghiệp tự bỏ vốn để cải tạo cảnh quan, trồng mới cây xanh, lắp đặt các thiết bị phục vụ thể dục thể thao ngoài trời, đồng thời doanh nghiệp được lắp dựng 1 nhà cấp 4 lắp ghép (có thể di chuyển) với diện tích 135m2/8.386m2 đất cây xanh để làm chỗ cất dụng cụ, kết hợp bán hàng lưu niệm, phục vụ giải khát trong thời gian 1 năm (kể từ 19-1-2018) để thu hồi vốn và duy trì.

Hết một năm thí điểm, huyện sẽ đánh giá lại mô hình và nếu có hiệu quả sẽ báo cáo, xin chủ trương của thành phố cho lập đề án xã hội hóa để áp dụng nhân rộng trên toàn địa bàn huyện hoặc sẽ chấm dứt, yêu cầu doanh nghiệp bàn giao mặt bằng cho huyện quản lý mà không phải hoàn lại bất kỳ khoản kinh phí nào.

Những bất cập ở khu đấu giá Tứ Hiệp - Ngũ Hiệp hiện vẫn còn tồn tại. Để giải quyết dứt điểm vấn đề này và tạo điều kiện thuận lợi cho UBND huyện có phương án xử lý, rất cần hướng dẫn cụ thể từ Sở Xây dựng Hà Nội. Qua đó góp phần xóa bỏ những bất cập không đáng có trong việc chỉ đạo, điều hành và quản lý tại địa phương.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần tháo gỡ bất cập tại khu đất đấu giá Tứ Hiệp - Ngũ Hiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.