Theo dõi Báo Hànộimới trên

TP Hồ Chí Minh: Không để nhập nhèm chung cư “cao cấp”

Bài, ảnh: Nguyên Lê| 09/11/2018 07:17

(HNM) - Trong khi TP Hồ Chí Minh đang thiếu trầm trọng căn hộ giá rẻ thì các doanh nghiệp bất động sản lại ồ ạt tung sản phẩm nhà ở với chiêu bài gắn mác “cao cấp” nhằm đẩy giá lên cao.

Quy định chặt chẽ về phân hạng nhà chung cư sẽ tránh tình trạng “loạn” danh xưng và bảo vệ khách hàng.


Loạn căn hộ tự phong “cao cấp”

Mới đây, chị Nguyễn Thị Thảo (quận 2) cho biết, tháng 4-2018, chị được chủ đầu tư bàn giao căn hộ thuộc dự án Gateway Thảo Điền (phường Thảo Điền, quận 2) sau gần 3 năm ký hợp đồng mua nhà. Tuy nhiên, sau khi dọn vào ở, chị Thảo phát hiện căn hộ có tới hơn 20 lỗi như: Ngăn tủ dưới lò vi sóng bị vênh, cửa chính bị trầy và đắp sơn sần sùi, máy nước nóng rỉ nước, sàn gạch phòng tắm bị vỡ, tủ quần áo tróc sơn, vách tường phòng giặt phơi có nhiều lỗ đinh nham nhở… Điều đáng nói là Gateway Thảo Điền được chủ đầu tư quảng cáo là dự án “cao cấp” và được bán với mức giá không hề rẻ.

Trước đó, cư dân sống tại dự án căn hộ Saigonres Plaza (phường 26, quận Bình Thạnh) bức xúc vì dự án xuống cấp trầm trọng dù chỉ mới nhận nhà vài tháng. Mỗi khi trời mưa, nước dột xuống tận hầm để xe, thấm cả vào hệ thống điện; hệ thống thoát nước tại một số tầng có hiện tượng trào ngược, khiến nước thải tràn vào nhà gây mùi hôi thối. Trong khi đó, mức giá người dân mua căn hộ tương đương với dự án căn hộ cao cấp tại thời điểm ký hợp đồng mua bán và được chủ đầu tư cam kết về chất lượng.

Theo Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA), nhiều năm qua, thị trường bất động sản đã xuất hiện tình trạng loạn danh xưng chung cư “cao cấp”, căn hộ “hạng sang”, “siêu sang”. Các từ, cụm từ gắn mác tiếng nước ngoài như “Luxury”, “Hi-end”, “Premier”, “Royal”... được không ít chủ đầu tư sử dụng tràn lan, coi đây là một thủ thuật đánh bóng dự án, quảng bá sản phẩm. Nhiều dự án bất động sản, chung cư cao tầng, căn hộ được chủ đầu tư tự phong “cao cấp” nhưng chưa hề được Sở Xây dựng hay các đơn vị đánh giá độc lập công nhận.

Cần có quy định chặt chẽ

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, việc chủ đầu tư tự gắn mác dự án “cao cấp” nhưng thực tế chất lượng không đúng như vậy là vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm tại Khoản 13, Điều 6, Luật Nhà ở 2014 vì đã “Báo cáo, cung cấp thông tin về nhà ở không chính xác, không trung thực, không đúng quy định hoặc không đúng yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Đồng thời những hành vi này còn bị cấm tại Khoản 3, Khoản 4, Điều 8, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 vì đã “Không công khai hoặc công khai không đầy đủ, trung thực thông tin về bất động sản” và “Gian lận, lừa dối trong kinh doanh bất động sản”, làm cho người tiêu dùng bị nhầm lẫn, dẫn đến thiệt hại về quyền lợi khi mua nhà.

Theo HoREA, trong 10 năm qua, Bộ Xây dựng đã có hai thông tư về phân hạng nhà chung cư nhưng còn thiếu nhất quán. Đó là Thông tư 14/2008/TT-BXD ngày 2-6-2008 hướng dẫn về phân hạng nhà chung cư, trong đó chia thành 4 hạng: Chung cư hạng 1 (cao cấp), hạng 2, hạng 3 và hạng 4; Thông tư 31/2016/TT-BXD ngày 30-12-2016 (thay thế Thông tư 14/2008/TT-BXD) quy định việc phân hạng và công nhận hạng nhà chung cư, trong đó chia thành 3 hạng: Nhà chung cư hạng A, hạng B và hạng C.

Tuy vậy, người mua nhà, đặc biệt là mua căn hộ hình thành trong tương lai chủ yếu đặt niềm tin vào chủ đầu tư. Chị Bùi Thị Thu Vân (quận 7) chia sẻ, kinh nghiệm để xác định dự án chung cư cao cấp trước tiên căn cứ vào vị trí dự án, gần trung tâm, thuận tiện giao thông hay không, tiếp đến là hồ sơ thiết kế dự án, các dịch vụ đi kèm… “Nếu có nhu cầu mua căn hộ cao cấp, tôi sẽ chọn chủ đầu tư uy tín, đã từng xây dựng chung cư cao cấp trước đó, rồi chọn vị trí dự án cần mua, đồng thời căn cứ vào cam kết chất lượng từ đơn vị bán căn hộ”, chị Vân nói.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu cho biết, HoREA vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng kiến nghị xem xét đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 55, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 theo hướng chủ đầu tư dự án nhà chung cư hình thành trong tương lai chỉ được quảng cáo, tiếp thị để huy động vốn với danh xưng dự án nhà chung cư "cao cấp”, “hạng sang”, “siêu sang”; căn hộ "cao cấp”, “hạng sang”, “siêu sang” sau khi đã được Sở Xây dựng có văn bản công nhận đạt tiêu chí này.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP Hồ Chí Minh, có quá nhiều vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn chất lượng nhà chung cư do chủ đầu tư tự phong. Để bảo vệ quyền lợi cho người mua nhà, Bộ Xây dựng cần xây dựng dự thảo thông tư sửa đổi về phân hạng nhà chung cư, trong đó quy định chi tiết chung cư trung cấp, cao cấp hoặc hạng sang bao gồm những tiêu chuẩn cụ thể để làm căn cứ công nhận xếp hạng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP Hồ Chí Minh: Không để nhập nhèm chung cư “cao cấp”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.