Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Nóng” chuyện quy hoạch xây dựng tỉnh

Tuấn Lương| 12/11/2018 06:25

(HNM) - Trong phiên thảo luận vòng 2 tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch diễn ra tuần qua, thêm một lần nữa, vấn đề giữ hay bỏ nội dung quy hoạch xây dựng tỉnh lại làm “nóng” nghị trường Quốc hội.


Có thể gây tác động phức tạp


Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong 37 ý kiến phát biểu tại tổ và hội trường đề cập đến thì có 24 ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị không lập quy hoạch xây dựng tỉnh vì nội dung, mức độ chi tiết của quy hoạch xây dựng tỉnh trùng với quy hoạch tỉnh tại Luật Quy hoạch.

Bên cạnh đó có 6/37 ý kiến đề nghị cần có quy hoạch xây dựng tỉnh như là một quy hoạch kỹ thuật, chuyên ngành riêng trong Luật Xây dựng để chi tiết hóa những nội dung phát triển không gian của quy hoạch tỉnh và có 7/37 ý kiến đề nghị: Nếu có quy hoạch xây dựng tỉnh phải quy định ngay trong luật nội dung cụ thể và không được trùng với quy hoạch tỉnh.

Theo Luật Quy hoạch, Nhà nước chỉ quy hoạch các lĩnh vực hạ tầng thiết yếu để kiến tạo sự phát triển theo cơ chế thị trường. Ảnh: Đinh Quang Tuấn


Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, nội dung quy hoạch xây dựng tỉnh không trùng với nội dung quy hoạch tỉnh; quy hoạch xây dựng tỉnh chỉ cụ thể hóa nội dung quy hoạch tỉnh với mức độ cụ thể, chi tiết hơn để đáp ứng yêu cầu quản lý và đầu tư xây dựng... Hơn nữa, quy hoạch xây dựng vùng tỉnh (nay là quy hoạch xây dựng tỉnh theo dự thảo luật sửa đổi) đã được triển khai thực hiện rộng rãi.

Hiện đã có 58 quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, 5 quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hiện nay có 15 địa phương đang tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, trong đó có 6 nhiệm vụ quy hoạch và 2 đồ án quy hoạch đã được phê duyệt.

Việc bãi bỏ quy hoạch xây dựng tỉnh khi chưa có thời gian và căn cứ để tích hợp vào quy hoạch tỉnh sẽ có thể gây ra các tác động phức tạp về kinh tế - xã hội. Từ những lý do này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo và đề nghị Quốc hội cho giữ như quy định tại dự thảo luật.

Ủng hộ phương án giữ quy hoạch xây dựng tỉnh, đại biểu Triệu Thế Hùng (Đoàn Lâm Đồng) nhận định, đây là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành sâu và được thực hiện theo luật chuyên ngành giúp cụ thể hóa các định hướng sử dụng về không gian, đất đai, môi trường trên địa bàn. Quy hoạch xây dựng tỉnh là một căn cứ để địa phương có thể triển khai các chương trình đầu tư công vào hệ thống hạ tầng kỹ thuật và nâng cấp để mở rộng hệ thống đô thị cần thiết phải quy định luôn trong luật này.

Đại biểu Bùi Thanh Tùng (Đoàn Hải Phòng) lo ngại, việc bỏ nội dung quy hoạch xây dựng tỉnh đồng nghĩa với việc phải thay đổi lại toàn bộ hệ thống đồ án quy hoạch xây dựng tỉnh của Việt Nam được xây dựng từ trước đến nay. Việc này chưa được tính toán một cách kỹ lưỡng đánh giá tác động, có thể gây ra những lãng phí lớn cũng như khó khăn trong việc tích hợp những nội dung quy hoạch mang tính định hướng khung phi vật thể với các nội dung quy hoạch mang tính vật thể như quy hoạch xây dựng và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành khác...

Cần làm rõ hơn cơ sở một số nội dung

Bày tỏ quan điểm cần bỏ nội dung quy hoạch xây dựng tỉnh ra khỏi dự án luật, đại biểu Lê Công Đỉnh (Đoàn Long An) cho rằng, các lý do đề nghị giữ lại được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu trong báo cáo có tính thuyết phục chưa cao. Thứ nhất, về bảo đảm nguyên tắc trong Luật Quy hoạch năm 2017, đó là tính thống nhất và tích hợp. Ban soạn thảo và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng quy hoạch xây dựng tỉnh có nội dung thực hiện cụ thể hóa và không ngang cấp với quy hoạch tỉnh.

Tuy nhiên, khi lập quy hoạch tỉnh phải xem quy hoạch xây dựng vùng tỉnh. Mặt khác, quy hoạch tỉnh sẽ được cụ thể hóa bằng quy hoạch vùng, liên huyện và quy hoạch vùng huyện cũng như quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. Do đó, vấn đề đặt ra là chúng ta phải tránh sự trùng lặp, lãng phí, gây khó khăn trong triển khai, thực hiện; có tính tích hợp cao, tính khả thi.

Đại biểu Phùng Văn Hùng (Đoàn Cao Bằng) thắc mắc, mục đích của Luật Quy hoạch là để xác định được các loại quy hoạch thuộc ngành nào, bộ nào thì trao trả cho bộ, ngành đó. Khác nhau ở bản chất của quy hoạch xây dựng vùng tỉnh và quy hoạch tỉnh là chỉ có thay đổi tên từ quy hoạch xây dựng vùng tỉnh sang quy hoạch tỉnh. Còn toàn bộ nội dung kế thừa và cụ thể hóa. Vậy tại sao chúng ta lại thêm một loại quy hoạch nữa? Tất cả diễn giải pháp luật mà không đầy đủ dễ làm cho đại biểu Quốc hội hiểu không chuẩn, dẫn đến có quan điểm không sát.

Còn đại biểu Đỗ Văn Sinh (Đoàn Quảng Trị) bày tỏ sự phân vân khi cho rằng đến thời điểm này cơ quan soạn thảo và các văn bản giải trình của Chính phủ, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn chưa chứng minh, làm rõ được sự khác nhau về nội dung giữa hai loại quy hoạch này.

Kết luận phiên thảo luận vòng 2 tại hội trường, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá, hiện còn nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề quy hoạch xây dựng tỉnh. Quốc hội sẽ có phiếu xin ý kiến để các đại biểu thể hiện chính kiến của mình. Đồng thời, đề nghị Chính phủ cung cấp đủ các tài liệu cho đại biểu trước khi quyết định phương án.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Nóng” chuyện quy hoạch xây dựng tỉnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.