Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thách thức ở phía trước

Nguyễn Thúc| 26/09/2017 06:28

(HNM) - Cuộc tổng tuyển cử ở Đức đã mở ra nhiệm kỳ thứ tư cho đương kim Thủ tướng Angela Merkel. Với chiến thắng lần này, bà Merkel cũng lập kỷ lục tương đương ông Helmut Kohl...

Chiến thắng của đương kim Thủ tướng Merkel cho thấy người dân Đức vẫn đặt niềm tin vào khả năng duy trì sự ổn định quốc gia của bà.



Chiến thắng lần này của bà Merkel diễn ra sau hàng loạt các kết quả bầu cử gây sốc hồi năm ngoái, từ việc Anh bỏ phiếu rời Liên minh Châu Âu (Brexit), cho tới nước Mỹ chọn tỷ phú Donald Trump làm Tổng thống. Việc đặt niềm tin vào bà Merkel cho thấy, người dân Đức mong muốn 12 năm thịnh vượng và ổn định mà nước này trải qua trong 3 nhiệm kỳ của nữ Thủ tướng này sẽ tiếp tục được duy trì, đặc biệt là trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động. Hiện nay, tỷ lệ thất nghiệp của Đức thấp thứ hai Châu Âu (chỉ 3,9%), trong khi nước này vẫn là nền kinh tế lớn nhất cựu lục địa với tỷ lệ tăng trưởng ổn định, cao hơn cả Anh và Pháp. Mặt khác, nhiều người cũng trông đợi nhà lãnh đạo quyền lực nhất Châu Âu này sẽ khôi phục một trật tự phương Tây tự do vốn bị sứt mẻ và chèo lái cộng đồng Châu Âu giai đoạn hậu Brexit.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng Thủ tướng Angela Merkel
Nhân dịp đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo do bà Angela Merkel lãnh đạo giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc hội Đức nhiệm kỳ 2017- 2021, ngày 25-9-2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có thư chúc mừng tới bà Angela Merkel.

Ở khía cạnh khác, chiến thắng của đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của bà Merkel dù chứng tỏ đảng này vẫn có quyền lực nhất trong Quốc hội, nhưng kết quả thu được cũng hết sức khiêm tốn với 33% tổng số phiếu thu về (cập nhật tới 16h chiều 25-9 theo giờ Việt Nam), thấp hơn so với các dự đoán trước bầu cử (khoảng 36-37%). Đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đối thủ gần nhất, chỉ được 20,5% số phiếu, mức thấp kỷ lục thời hậu chiến. Với tỷ lệ phiếu này, dự kiến liên minh CDU và CSU (của ông Horst Seehofer) sẽ chiếm khoảng 246 ghế trong Quốc hội Liên bang Đức khóa tới, ít hơn khóa trước. Thực tế này là dấu hiệu cho thấy, việc thành lập liên minh cầm quyền mới sẽ phức tạp, là thách thức lớn đối với Thủ tướng Đức. Như thế, quá trình thành lập một chính phủ liên minh mới có thể sẽ kéo dài nhiều tháng, thậm chí lâu hơn nữa.

Chưa dừng ở đó, một thách thức lớn đối với bà Merkel và liên minh CDU khi đảng cực hữu phản đối nhập cư “Con đường khác cho nước Đức” (AfD) đã có sức vươn lịch sử khi giành tới 13,3% số phiếu, tức là sẽ nắm khoảng 94 ghế trong Quốc hội mới. Đây là lần đầu tiên Quốc hội Đức chứng kiến sự trở lại của một đảng cực hữu mang tư tưởng phát xít kể từ sau Thế chiến Thứ hai. Trong bài phát biểu chiến thắng, bà Merkel đã nhận định về việc AfD giành được ghế trong Quốc hội là "một thách thức mới”, đồng thời không giấu giếm mong muốn giành lại số cử tri từ tay AfD. Mặt khác, AfD đạt tỷ lệ phiếu cao hơn so với dự đoán trước đó chứng tỏ xã hội Đức đang có sự chia rẽ mạnh về sắc tộc, tôn giáo. Đây là hệ quả từ việc Đức quyết định mở cửa biên giới cho hơn 1 triệu người di cư Châu Phi trong suốt hai năm qua, cho thấy sự biến động mạnh mẽ trên chính trường Đức và sẽ dẫn tới những tác động khó đoán định.

Theo các nhà phân tích, diễn biến của cuộc tổng tuyển cử năm nay cho thấy, khác với vẻ ngoài bình lặng, chính trường và xã hội Đức đang có những chuyển biến. Điều này đặt ra nhiều thách thức và buộc chính quyền khóa mới của bà Angela Merkel cần có những điều chỉnh phù hợp trong chính sách cả về đối nội lẫn đối ngoại.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thách thức ở phía trước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.