Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hợp tác vì một Châu Âu thống nhất

Minh Hiếu| 13/10/2017 06:39

(HNM) - Một trong những hội chợ sách hằng năm lớn nhất thế giới vừa khai mạc tại TP Frankfurt (Đức) với sự tham gia của khoảng 7.000 nhà xuất bản tới từ hơn 100 quốc gia.

Lãnh đạo Đức, Pháp đồng thuận về sự cần thiết phải cải cách Châu Âu.


Với sự hội ngộ của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel, sự kiện này được đánh giá là cơ hội để hai nhà lãnh đạo cùng nhau phác thảo tầm nhìn về một Liên minh Châu Âu (EU) gắn bó hơn nữa sau hàng loạt biến cố như Anh rời khỏi EU (Brexit), sự nổi lên của các phong trào ly khai, khủng bố... Tổng Giám đốc Hội chợ sách Frankfurt Juergen Boos cho biết: “Sự có mặt của Thủ tướng Đức A.Merkel và Tổng thống Pháp E.Macron tại lễ khai mạc là biểu tượng cho sự hợp tác chặt chẽ giữa Đức và Pháp, đồng thời thể hiện cam kết vì một Châu Âu thống nhất và đoàn kết”.

Phát biểu tại lễ khai mạc Hội chợ sách Frankfurt năm 2017, Tổng thống Pháp E.Macron một lần nữa cam kết vai trò của mình trong quá trình phục hưng Châu Âu đầy tham vọng, đồng thời kêu gọi Thủ tướng Đức A.Merkel hợp sức cùng nước Pháp tham gia những nỗ lực cải tổ này. Nhà lãnh đạo Pháp nhấn mạnh, hiện Châu Âu đã sẵn sàng cho các chính sách chung về an ninh, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, năng lượng, nhập cư, cuộc chiến chống khủng bố. Vậy không có lý do gì để Lục địa già không thể đạt được sự đồng thuận về ngân sách chung cho Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone). Các nhà lãnh đạo châu lục sẽ có khoảng 1 năm để đưa ra viễn cảnh tương lai của khối và đề ra lộ trình chung, trước cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu năm 2019.

Thực tế, kế hoạch cải tổ Châu Âu đã được vị tổng thống trẻ nhất trong lịch sử nước Pháp ấp ủ từ lâu. Trong một bài phát biểu tại thủ đô Paris (Pháp) cuối tháng 9, ông E.Macron đã đưa ra một loạt đề xuất cải cách được đánh giá là rất táo bạo và tham vọng, với mục tiêu thay đổi toàn diện EU trong 10 năm tới. Sự kỳ vọng của ông chủ Điện Elysee bao trùm nhiều lĩnh vực như giải quyết vấn đề nhập cư, thiết lập ngân sách quốc phòng, tài chính, thể chế... Tổng thống Pháp cho rằng, EU là một khối có đơn vị tiền tệ riêng thì nên có ngân sách riêng và bộ trưởng tài chính của mình. Hoạt động của Châu Âu hiện nay chưa hiệu quả và chưa bắt kịp tiến độ phát triển, nhưng chỉ có Châu Âu thống nhất mới có khả năng đứng trên trường quốc tế với tư cách một chủ thể hùng mạnh và đương đầu với những thách thức lớn hiện nay. Tổng thống E.Macron cũng kêu gọi thiết lập một nhóm hợp tác thuế của EU vào năm 2020, cải cách hệ thống chính sách trợ cấp nông nghiệp gây tranh cãi, xây dựng “lực lượng phản ứng nhanh” trong lĩnh vực quân sự.

Trong khi đó, dù thể hiện quan điểm ủng hộ, Thủ tướng Đức A.Merkel hiện tại lại khá thận trọng khi đề cập kế hoạch đầy tham vọng của nhà lãnh đạo Pháp. “Bà đầm thép” của nước Đức cho biết, Berlin cần thêm thời gian nghiên cứu đề xuất này một cách chi tiết. Nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh nữ chính trị gia đang “bận rộn” giải quyết các vấn đề trong nước, đặc biệt là các cuộc đàm phán với đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh để thành lập Chính phủ liên minh. Các nhà lãnh đạo đảng FDP từng tỏ ra hoài nghi về kế hoạch của Tổng thống Pháp E.Macron. Vấn đề ngân sách chung khu vực cũng đang gây tranh cãi tại Đức do lo ngại sẽ đẩy nước này vào tình trạng nợ nần khi phải san sẻ gánh nặng với các nước thành viên nghèo hơn.

Các chuyên gia nhận định, sau khi Anh rời khỏi EU, Đức và Pháp sẽ được coi là trụ cột của khối. Không có sự hậu thuẫn của nước Đức với tư cách đầu tàu kinh tế của khu vực, Pháp khó lòng thu hút được sự đồng thuận của các nước thành viên khác và thúc đẩy kế hoạch đầy tham vọng mà nhà lãnh đạo trẻ đã đề ra. Sự đồng thuận về mặt nguyên tắc giữa hai cường quốc châu lục sẽ là cơ sở căn bản để Cựu lục địa tiếp tục tiến xa hơn trên con đường cải cách vì sự thống nhất và thịnh vượng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hợp tác vì một Châu Âu thống nhất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.