Theo dõi Báo Hànộimới trên

EU nỗ lực cứu thỏa thuận hạt nhân Iran: Nhiệm vụ khó khăn

Hoàng Linh| 18/10/2017 05:40

(HNM) - Với tuyên bố sẽ cứu thỏa thuận hạt nhân Iran “bằng mọi giá”, Liên minh Châu Âu (EU) đã cử Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini tới Mỹ vào đầu tháng 11 tới để thuyết phục chính phủ nước này về tầm quan trọng “mang ý nghĩa sống còn” của văn kiện đối với an ninh khu vực.

Động thái của EU diễn ra chỉ ít ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump từ chối xác nhận Iran tuân thủ thỏa thuận Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) được ký kết giữa Tehran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức). Sự cứng rắn của ông chủ Nhà Trắng đang khiến một trong những di sản quan trọng của người tiền nhiệm Barack Obama có nguy cơ đổ vỡ hoàn toàn.

EU có những lợi ích quan trọng khi duy trì thỏa thuận hạt nhân với Iran.


Bất kể một số người phản đối cho rằng, thỏa thuận này đã đi quá xa trong việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt trong khi không buộc Iran chấm dứt vĩnh viễn chương trình hạt nhân, Châu Âu có nhiều lý do để lo lắng.

Trước hết, Lục địa già nằm gần Iran hơn nhiều so với Mỹ. Vì thế, EU cần thỏa thuận hạt nhân được ký kết năm 2015 để ngăn chặn Tehran sở hữu vũ khí nguyên tử, đe dọa trực tiếp tới an ninh của châu lục. Sự sụp đổ của văn bản cũng có thể gây ra cuộc chạy đua vũ trang ở Trung Đông, làm trầm trọng thêm căng thẳng ở khu vực vốn dĩ đã không yên ả cũng như quy mô toàn cầu. Thứ hai, các doanh nghiệp EU chỉ mới dè dặt quay lại thị trường Iran sau khi các lệnh trừng phạt quốc tế được dỡ bỏ theo khuôn khổ thỏa thuận. Nếu các cam kết bị phá vỡ, những khoản đầu tư của họ tại đây có nguy cơ mất trắng, chưa nói tới những dự định lâu dài. Mặt khác, nếu Mỹ tái áp đặt các lệnh trừng phạt, điều này có khả năng làm gia tăng mối bất đồng giữa hai bờ Đại Tây Dương, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động thương mại. Thứ ba, các nước Châu Âu cũng lo ngại quyết định của Tổng thống D.Trump có thể tạo ra tiền lệ xấu, chôn vùi mọi cơ hội có thể đưa Bình Nhưỡng quay lại bàn đàm phán về chương trình hạt nhân trong bối cảnh cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên ngày càng nghiêm trọng hơn. Theo Ngoại trưởng Pháp Jean Yves Le Drian, JCPOA đóng vai trò tích cực trong các nỗ lực chống phổ biến vũ khí hạt nhân và bày tỏ mong muốn thỏa thuận được tôn trọng.

Tới nay, tất cả các cường quốc còn lại trong thỏa thuận (gồm Nga, Trung Quốc, Pháp, Đức và Anh) đều thể hiện quyết tâm bảo vệ văn kiện này. Vì thế, trọng trách đặt lên vai người đứng đầu ngành Ngoại giao EU nhằm thuyết phục nhà lãnh đạo nước Mỹ thay đổi lập trường là rất lớn. Tuy nhiên, nhiệm vụ trên được cho là có một số thuận lợi nhất định khi nội bộ Washington cũng có những ý kiến trái chiều. Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis từng nhận định, Mỹ nên cân nhắc đến việc giữ nguyên bản thỏa thuận, trừ khi chứng minh được Tehran không tuân thủ các điều khoản. Ông J.Mattis cũng cho rằng, Iran "về cơ bản" đã nghiêm túc thực hiện các cam kết.

Trong vòng 2 tháng tới, Quốc hội Mỹ sẽ phải ra quyết định cuối cùng về việc có áp đặt trở lại các biện pháp cấm vận vốn đã được dỡ bỏ để đổi lại việc Iran hạn chế các chương trình hạt nhân hay không. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao EU cho biết sẽ tìm mọi cách gia tăng sức ép lên Đồi Capitol để thỏa thuận không bị phá vỡ. Về phần mình, bà Mogherini, thay mặt 28 nước thành viên của khối, cũng tuyên bố JCPOA đã được thực hiện một cách thành công và đây là sự bảo đảm chương trình hạt nhân của Tehran vì mục đích hòa bình.

Được ký kết sau gần 13 năm đàm phán, thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran được đánh giá có vai trò tích cực đối với việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên toàn cầu. Vì vậy, trước nguy cơ văn bản này đổ vỡ, EU phải tích cực hành động, cũng là nhằm tránh để lại “tiếng tăm” không mấy tốt đẹp với EU trên vai trò một nhà đàm phán trung gian có uy tín trong các vấn đề toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
EU nỗ lực cứu thỏa thuận hạt nhân Iran: Nhiệm vụ khó khăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.