Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khai thông bế tắc Brexit

Hoàng Linh| 10/12/2017 07:10

(HNM) - Sau nhiều tháng bế tắc, tiến trình đàm phán về việc Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, đã đạt những “tiến bộ đáng kể

Thông cáo từ Ủy ban Châu Âu không nêu rõ chi tiết nội dung thỏa thuận nhưng cho biết hai bên đã đạt được sự nhất trí trong 3 vấn đề quan trọng gồm: Quyền của các công dân Châu Âu sinh sống tại Anh (khoảng 3 triệu người) và quyền của công dân Anh sinh sống tại các nước Châu Âu; vấn đề biên giới giữa Cộng hòa Ireland và lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh; nghĩa vụ tài chính mà phía Anh phải thực thi.


Đàm phán căng thẳng trong hai ngày 7 và 8-12 vừa qua đã đem tới kết quả tích cực.


Trước hết, về “số phận” của hơn 3 triệu công dân Châu Âu đang sinh sống và làm việc tại Anh, London đã có sự nhượng bộ nhất định khi công nhận thẩm quyền của Tòa tư pháp Châu Âu trong một số trường hợp pháp lý có liên quan đến quyền lợi của nhóm này. Xứ Sương mù cũng bảo đảm sẽ không có biên giới cứng ở Bắc Ireland, vốn là trở ngại lớn nhất trong những phiên đàm phán thỏa thuận Brexit những ngày qua. Do Bắc Ireland thuộc lãnh thổ Vương quốc Anh nên sau Brexit thì vùng này sẽ chịu luật lệ thuế quan và quản lý thị trường của Anh.

Điều này khiến Cộng hòa Ireland lo ngại rằng khi đường biên giới cứng được lập ra sẽ ảnh hưởng đến Thỏa thuận hòa bình Belfast ký vào ngày 10-4-1998, đồng thời tác động tiêu cực tới hoạt động giao thương, trao đổi hàng hóa giữa hai bên. Trong thỏa thuận mới nhất, Anh đã khẳng định rằng nếu quốc gia này và EU không thể nhất trí với nhau, thì vẫn sẽ bảo đảm cho Cộng hòa Ireland tiếp cận thị trường Anh, đồng thời duy trì khu vực đi lại chung giữa hai bên. Thêm vào đó, London cũng cho biết sẽ không có thêm rào cản mới giữa xứ sở Sương mù với Cộng hòa Ireland trừ khi chính quyền Bắc Ireland đưa ra những đề xuất khác.

Cuối cùng, đột phá đã đạt được khi Anh chấp thuận chi trả “chi phí dàn xếp ly hôn” cho EU. Chi phí chính xác chưa được đưa ra nhưng dự đoán nằm trong khoảng 45 tỷ euro - 55 tỷ euro. Thủ tướng Theresa May tuyên bố trước báo giới rằng đây chắc chắn sẽ là một con số làm vừa lòng cả hai bên và nước Anh sẽ có thêm tiền để chi cho giáo dục và y tế.

Việc bế tắc trong đàm phán Brexit được khai thông có vai trò rất quan trọng đối với uy tín chính trị của Thủ tướng T.May. Thậm chí theo giới chuyên môn, sự kiện này đã cứu chính phủ của bà thoát khỏi nguy cơ sụp đổ. Mặt khác, nó cũng tạm thời bảo đảm hoạt động thương mại của hai bên vẫn được tiếp tục. Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk bày tỏ hoan nghênh thỏa thuận hai bên đã đạt được. Song, ông D.Tusk cũng cho rằng London cần phải khẳng định rõ ràng về mối quan hệ mới với EU thời kỳ hậu Brexit. Tại cuộc họp thượng đỉnh của các lãnh đạo EU vào ngày 14 và 15-12, hai bên sẽ tiếp tục giai đoạn thứ hai của đàm phán, trong đó chú trọng tới các vấn đề thương mại, ngoại giao và quá trình chuyển giao.

Theo dự thảo, việc chuyển giao sẽ kéo dài khoảng 2 năm, tính từ ngày 30-3-2019. Trong thời gian này, Anh vẫn sẽ là một phần trong khối, vẫn phải tuân thủ luật pháp và tiếp tục tham gia thị trường chung Châu Âu. Song, nước này không còn là một thành viên của Nghị viện Châu Âu và sẽ không có quyền bỏ phiếu quyết định chính sách chung của khu vực.

Thỏa thuận Brexit vừa đạt được phải cần lãnh đạo 27 nước thành viên EU chính thức thông qua, nhưng có thể khẳng định việc đạt được sự đồng thuận, vượt qua những rào cản khó khăn lâu nay thể hiện sự nỗ lực, thiện chí và tinh thần hợp tác rất lớn từ hai bên. Sự kiện này cũng đồng nghĩa với việc mở ra con đường thuận lợi cho những cuộc đàm phán tiếp theo trong quan hệ Anh và EU nhằm hướng tới tương lai chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai thông bế tắc Brexit

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.