Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bản quyền truyền hình World Cup 2018: Chuyển động trước “giờ G”

Mai Hoa| 09/06/2018 08:33

(HNM) - Ở thời điểm chỉ còn chưa đầy một tuần là World Cup 2018 diễn ra, có thể cảm nhận sức ép nặng nề từ truyền thông và khán giả đối với Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) về bản quyền truyền thông World Cup 2018.

Cuối cùng, VTV cũng đạt được thỏa thuận với Liên đoàn Bóng đá thế giới, song sự trắc trở trên bàn đàm phán và tác động từ “thông tin bên lề” cho thấy bài học kinh nghiệm cần được xem xét để việc mua bản quyền truyền hình thể thao trong thời gian tới thuận lợi hơn.

“Nhiễu” thông tin - đàm phán khó khăn

Rạng sáng ngày 8-6, một số cơ quan truyền thông đăng tải thông tin VTV đã đạt được thỏa thuận với Công ty Infront Sports & Media (ISM) - đơn vị được FIFA giao phân phối bản quyền World Cup 2018 tại khu vực Châu Á. Theo đó, một tập đoàn lớn tại Việt Nam quyết định tài trợ miễn phí 5 triệu USD (tương đương 115 tỷ đồng) để VTV có đủ tiền mua bản quyền World Cup 2018. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn chi thêm 1 triệu USD để mua quảng cáo trong thời gian VTV phát sóng các trận đấu. Mục đích của đơn vị tài trợ là cùng với VTV giúp người hâm mộ Việt Nam có cơ hội xem World Cup 2018 miễn phí.

VTV gặp khó khăn trong thương thảo mua bản quyền World Cup 2018.


Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới vào buổi sáng cùng ngày, Trưởng ban Thư ký biên tập VTV Nguyễn Hà Nam - đại diện phát ngôn của VTV vẫn khẳng định: "Cho đến lúc này, VTV vẫn chưa chính thức có bản quyền" (thông tin này được VTV khẳng định lại trong bản tin phát lúc 12h cùng ngày). Một "người trong cuộc" khác của VTV trong câu chuyện bản quyền World Cup cũng chia sẻ: "Theo đuổi việc mua bản quyền suốt gần 2 năm qua, hơn ai hết, VTV mong muốn là phía cung cấp thông tin đầu tiên đến khán giả về việc sở hữu bản quyền. Đối tác nước ngoài luôn đo lường sức nóng của thị trường từng giờ từng phút, nên thông tin kiểu "sự đã rồi" gây khó khăn cho VTV trong quá trình đàm phán vốn có sự khúc mắc về giá cả và các điều khoản ràng buộc. Đã có lúc quá trình đàm phán tưởng như hoàn tất với mức giá mà VTV có thể chi trả, nhưng sau đó đối tác lại nâng giá. Thông tin nhiễu gây khó khăn rất lớn cho VTV".

Đúng là trong thương thảo hợp đồng kinh tế, chừng nào chưa đặt bút ký thì khó có thể khẳng định được điều gì. Cuối cùng, vào lúc 18h30 ngày 8-6, VTV và Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) đã đạt được thỏa thuận về việc VTV nắm giữ bản quyền truyền thông World Cup 2018 tại Việt Nam. Hai bên đã đạt được thỏa thuận bao gồm mọi quyền truyền thông về World Cup 2018 trong lãnh thổ Việt Nam cũng như việc chia sẻ bản quyền cho bên thứ ba.

Sau khi có hợp đồng chính thức được FIFA chấp thuận, VTV sẽ công bố cụ thể với khán giả về các nội dung liên quan.

Gợi mở bài học kinh nghiệm

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Trưởng ban Sản xuất các chương trình thể thao VTV Phan Ngọc Tiến cho biết: "Kế hoạch truyền thông World Cup 2018 của VTV đã sẵn sàng, dù VTV có mua được bản quyền World Cup 2018 hay không. Ê kíp phóng viên thường trú của VTV tại Nga đã chuẩn bị lực lượng, xây dựng các tuyến đề tài để kịp thời tác nghiệp. Trong trường hợp VTV có bản quyền, một ê kíp 4 người gồm hai phóng viên và hai quay phim sẽ lên đường sang Nga để bổ sung lực lượng".

Dẫu sao thì việc Việt Nam chậm có bản quyền World Cup 2018 đã khiến người hâm mộ thực sự băn khoăn, lo không được thưởng thức các trận đấu đỉnh cao của ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, đồng thời ảnh hưởng rất nhiều đến kế hoạch thông tin cũng như khai thác quảng cáo của các doanh nghiệp và cơ quan truyền thông. Chính vì vậy, việc rút kinh nghiệm là cần thiết để tình trạng này không lặp lại ở các kỳ giải Euro, World Cup cũng như các sự kiện thể thao lớn trong các năm tới.

Trước đó, việc chậm mua bản quyền World Cup 2018 được giải thích do đối tác phân phối bản quyền của FIFA đưa ra mức giá quá cao. Trưởng ban Thư ký biên tập VTV Nguyễn Hà Nam cho biết: "Ở các giải bóng đá lớn như Euro và World Cup, từ trước tới nay VTV đều không bù được chi phí bỏ ra. Thông thường thì mức lỗ khoảng 40-50%. Với World Cup 2018, ước tính với giá do VTV đưa ra - nếu được đối tác chấp nhận, mức lỗ của VTV vào khoảng 90%, nhưng VTV chấp nhận lỗ để phục vụ khán giả. Tuy nhiên, nếu giá tiếp tục tăng thì VTV khó có thể đáp ứng được".

Nghĩa là, với các gói bản quyền sự kiện thể thao quốc tế lớn, "mẫu số chung" là nhà đài thường bị lỗ. Trong khi đó, nhu cầu thưởng thức các trận bóng đá có bản quyền của khán giả là rất lớn. Từ sự việc này, nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc hình thành tư duy muốn xem bóng đá, như World Cup, thì phải trả tiền. Trên các trang mạng xã hội, nhiều khán giả nói rằng họ sẵn sàng trả thêm phí thuê bao xem truyền hình trong tháng có World Cup. Cũng có người nêu ý kiến rằng, một khi VTV chấp nhận coi việc mua bản quyền không phải là cơ hội sinh lợi thì nên công khai chi phí và huy động các doanh nghiệp người Việt cùng vào cuộc. Bài học 9 doanh nghiệp lớn ở Thái Lan "chung chi" mua bản quyền World Cup 2018 là điều đáng để người trong cuộc suy nghĩ. Sự tham gia của một doanh nghiệp hỗ trợ VTV trong những ngày cuối của quá trình đàm phán mua bản quyền World Cup 2018 chính là một minh chứng cho điều này.

Một vấn đề đáng nói là giá chào bán bản quyền các sự kiện thể thao quốc tế lớn ngày càng tăng chóng mặt. Với Việt Nam, bản quyền Wold Cup 2006 có giá 2 triệu USD, năm 2010 là 2,7 triệu USD, đến năm 2014 là 7 triệu USD và năm nay, bản quyền World Cup 2018 được ISM chào bán với mức giá gần gấp đôi so với kỳ giải năm 2014.

Thiết nghĩ, một khi xác định gác lại hiệu quả kinh doanh từ việc mua bản quyền, nếu chủ động chia sẻ thông tin để các bên cùng vào cuộc, các nhà đài có thể “dễ thở” hơn nhiều.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bản quyền truyền hình World Cup 2018: Chuyển động trước “giờ G”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.