Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyết liệt thực hiện các giải pháp phát triển bền vững

Nhóm phóng viên| 25/10/2017 07:21

(HNM) - Hôm qua 24-10, Quốc hội đã nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi); nghe Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải đối với đồng chí Trương Quang Nghĩa và chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ đối với đồng chí Phan Văn Sáu.

Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại buổi thảo luận tại tổ. Ảnh: Nhật Nam


Thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước năm 2018, 2019, 2020, các đại biểu đánh giá cao những “điểm sáng” của nền kinh tế. Tuy nhiên, các ý kiến cũng chỉ rõ bất cập, yếu kém và cho rằng cần thực hiện quyết liệt các giải pháp để nền kinh tế phát triển bền vững.

Ưu tiên chất lượng tăng trưởng

Trước những kết quả nổi bật về kinh tế - xã hội năm 2017 như: Duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế chuyển biến tích cực và trên đà hướng tới hoàn thành mục tiêu tăng GDP 6,7% của cả năm, tại phiên thảo luận ở tổ ngày 24-10, các đại biểu Quốc hội có những nhận định rất khả quan.

Cụ thể, về công tác thu ngân sách, đại biểu Bùi Đặng Dũng (Đoàn Kiên Giang) đánh giá, thu ngân sách từ nay tới cuối năm có nhiều thuận lợi do có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ trong cải thiện môi trường đầu tư và tình hình kinh tế thế giới có nhiều khởi sắc. Do vậy, ước thực hiện tăng 2,3% thu ngân sách năm nay của Chính phủ dự kiến sẽ cao hơn vì hoạt động xuất, nhập khẩu, thương mại hàng hóa tăng mạnh trong những tháng cuối năm.

Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ sự lo ngại về nguồn thu chưa vững chắc, đặc biệt là thu nội địa. “Ba khối thu chủ lực hiện nay gồm doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp ngoài quốc doanh, nhưng doanh nghiệp nhà nước năm nay tăng trưởng âm. Nợ đọng thuế hiện nay là 73,9 nghìn tỷ đồng. Nếu truy thu tốt, có khả năng thu được 50 nghìn tỷ đồng. Đề nghị Chính phủ giải trình rõ với Quốc hội nguyên nhân cả 3 khối doanh nghiệp không đạt chỉ tiêu thu, làm ảnh hưởng đến hụt thu của Trung ương” - đại biểu Bùi Đặng Dũng nói.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Thái Bình) cũng cho rằng, GDP đạt 6,7%, nhưng chất lượng tăng trưởng không được cải thiện sẽ không bảo đảm sự phát triển bền vững. Mục tiêu tăng trưởng 6,5% hay 6,7% đề ra cho năm 2018 là phù hợp. Tăng trưởng phải là mục tiêu kép, ưu tiên chất lượng tăng trưởng hơn số lượng.

Trước băn khoăn của các đại biểu về việc tăng trưởng phụ thuộc vào khai khoáng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, (đại biểu Quốc hội Đoàn Hà Tĩnh) khẳng định, tăng trưởng kinh tế của nước ta hiện không phụ thuộc vào dầu thô và than đá. Năm 2017, sản lượng khai thác dầu thô của nước ta đặt ra là 13,28 triệu tấn, giảm 3 triệu tấn so với năm 2016. Đáng mừng là công nghiệp của chúng ta tiếp tục tăng, quan trọng nhất là công nghiệp chế biến chế tạo tăng rất mạnh. Điều này không chỉ bù đắp cho sự sụt giảm của công nghiệp khai khoáng mà còn là động lực tăng trưởng của 9 tháng năm 2017.

Không chủ quan

Tại phiên thảo luận tổ ngày 24-10, nhiều đại biểu chỉ rõ những bất cập về tình hình kinh tế - xã hội. Liên quan đến những bất cập trong công tác cải cách thủ tục hành chính, đại biểu Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội nêu ý kiến, nhiều đồng chí góp ý Hà Nội phải tăng cường phối hợp chặt chẽ với các bộ, nhưng có những vấn đề thành phố đưa lên nhưng vòng đi vòng lại, từ chỗ này sang chỗ kia, mất thời gian. Đơn cử, một số công trình có tính chất đặc thù, thủ tục quay đi quay lại hơn 7 tháng. Thực tế này cho thấy, cần phải cải cách hành chính ngay trong bộ máy các bộ, ngành. Đại biểu Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, phải nêu rõ trách nhiệm người đứng đầu, phân công rõ nhiệm vụ; đồng thời rà soát lại các văn bản, tránh sự chồng chéo, bất hợp lý.

Về vấn đề an ninh nông thôn, đại biểu Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, thời gian qua, Thành ủy Hà Nội đã tập trung chỉ đạo tổng thể, phân công từng đơn vị và thực hiện rà soát toàn bộ. Nhờ vậy, trong thời gian rất ngắn, có những huyện xảy ra vụ việc phức tạp mấy năm không giải quyết được nhưng nay đã ổn định. Từ thực tế này, đại biểu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan trung ương nắm chắc tình hình cơ sở, dự báo và có chỉ đạo sát sao; tăng cường vai trò các cơ quan đoàn thể trong nắm bắt tình hình vận động cơ sở nhằm giữ ổn định an ninh tại khu vực nông thôn.

Nêu ý kiến về công tác phòng, chống tham nhũng, đại biểu Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương (Đoàn Yên Bái) cho rằng, công tác này được đẩy mạnh thời gian qua, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân. Điều này cũng giúp các hoạt động xã hội đi vào nền nếp, có tác dụng cảnh tỉnh, phòng ngừa, răn đe. Đề cập đến câu chuyện nóng bỏng về các dự án BOT, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khẳng định, thực hiện các dự án BOT là chủ trương đúng. Nếu chỉ đề cập những mặt tiêu cực khiến các nhà đầu tư BOT nản thì không ổn bởi đây là kênh huy động nguồn lực xã hội rất quan trọng. Thời gian tới, cần lưu ý cách làm sao cho hiệu quả, ngăn chặn được tình trạng lợi dụng BOT để thực hiện hành vi sai phạm.

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu ý kiến về việc các địa phương nên tập trung phát triển một số sản phẩm chủ lực, không phụ thuộc vào một vài doanh nghiệp, sản phẩm cụ thể, tránh tình trạng doanh nghiệp "hắt hơi sổ mũi", tỉnh sẽ gặp khó khăn. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, sau 9 tháng, dự kiến 13/13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2017 sẽ đạt và vượt kế hoạch.

Tuy nhiên, chúng ta không thể chủ quan, mà cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp để phát triển bền vững, bởi bên cạnh những “điểm sáng” của nền kinh tế, vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là tình trạng phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công quá chậm. Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng ấn tượng nhưng chủ yếu nhờ vào doanh nghiệp FDI. Thực tế này khiến nền kinh tế phát triển thiếu bền vững. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, tổng số nợ thuế hiện rất lớn, lên tới trên 74 nghìn tỷ đồng. Vì vậy, Chính phủ cần rà soát lại, xem khoản nào là nợ không có khả năng thu thì xin chủ trương của Quốc hội để giải quyết dứt điểm.

Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về nhân sự

Thảo luận về công tác nhân sự, chiều 24-10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Bộ Chính trị đã phân công đồng chí Trương Quang Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy, giữ chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020. Đồng thời, Bộ Chính trị cũng đồng ý cho đồng chí Phan Văn Sáu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ thôi giữ chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ để tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, nhiệm kỳ 2015-2020.

Các đại biểu đã nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Tờ trình đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải đối với đồng chí Trương Quang Nghĩa và chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ đối với đồng chí Phan Văn Sáu. Các đại biểu đã thảo luận ở Đoàn về nội dung này. Kết quả thảo luận sẽ được báo cáo vào hôm nay (25-10), trước khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội. Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải đối với đồng chí Trương Quang Nghĩa và chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ đối với đồng chí Phan Văn Sáu bằng hình thức bỏ phiếu kín. Nghị quyết về phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ đối với hai thành viên Chính phủ cũng được biểu quyết, thông qua trong ngày 25-10.

* Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi), hầu hết đại biểu Quốc hội đồng tình với việc lấy tên luật là Luật Lâm nghiệp. Để bảo đảm sau khi luật ban hành đi vào cuộc sống, đại biểu Nguyễn Sơn (Đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, về chính sách phát triển lâm nghiệp, cần cân đối nguồn ngân sách nhà nước để có chính sách gắn với phát triển lâm nghiệp. Về lực lượng kiểm lâm, đã tiếp thu qua nhiều lần lấy ý kiến đóng góp, nhưng đến nay vẫn chưa phân định rõ giữa quản lý nhà nước với lực lượng kiểm lâm mang tính chất chuyên ngành. Đại biểu đề nghị cần có các quy định khẳng định rõ vai trò, trách nhiệm bảo vệ rừng của lực lượng kiểm lâm, đặc biệt là cần có chương riêng về kiểm lâm...

Hiền Thu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyết liệt thực hiện các giải pháp phát triển bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.