Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chính phủ sơ kết tình hình sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động các công ty nông–lâm nghiệp

Tuyết Minh| 28/10/2017 08:25

(HNMO) - Sáng 28-10, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết tình hình sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông – lâm nghiệp (giai đoạn 2015 – 2017).


Cuộc họp có sự tham gia của các điểm cầu ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, lãnh đạo các bộ, ban, ngành liên quan. Tại điểm cầu Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản và lãnh đạo các sở, ngành liên quan dự.

Trực tuyến sơ kết tình hình sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông – lâm nghiệp điểm cầu Hà Nội.



Hội nghị nhằm sơ kết tình hình hoạt động của các công ty nông-lâm nghiệp, liên quan đến vấn đề thoái vốn, cổ phần hoá của các công ty tại địa phương đó. Qua đó, Hội nghị nhìn lại kết quả tổng thể của 3 năm thực hiện, đánh giá những kết quả đạt được, cũng như những tồn tại, yếu kém, nguyên nhân khách quan và chủ quan, trên cơ sở đó xây dựng phương án tổng thể phát huy hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp này. Kết quả cuộc họp sẽ được tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Sắp xếp đổi mới bước đầu phát huy hiệu quả 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, về cơ bản, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành thể chế hóa, hướng dẫn, chỉ đạo triển khai kịp thời, toàn diện, bảo đảm tổ chức thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông-lâm nghiệp.

Trong thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ 41/41 phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới công ty nông-lâm nghiệp. Trong đó, năm 2015, Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ 36 phương án tổng thể của các tỉnh, thành phố và tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty Cà phê Việt Nam và năm 2016, trình Thủ tướng Chính phủ 5 phương án tổng thể. 


Trong năm 2017, Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ 2 phương án bổ sung sắp xếp, đổi mới công ty nông nghiệp thành phố Cần Thơ và Nghệ An. Ngoài ra, có 8 tỉnh, thành phố và một số doanh nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án tái cơ cấu doanh nghiệp không phải lập phương án tổng thể gồm: Bộ Quốc phòng (3 đơn vị), Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam, Tổng công ty Chè Việt Nam, các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, Vĩnh Phúc. 

Có 40/41 phương án tổng thể được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chỉ còn phương án tổng thể của thành phố Hà Nội chưa được phê duyệt do phía Hà Nội đang xem xét đề án để hoàn thiện phương án theo ý kiến của Hội đồng thẩm định. 

Về mô hình sắp xếp, đổi mới 252/254 công ty nông-lâm nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như sau: 19 Công ty TNHH MTV nông-lâm nghiệp tái cơ cấu, duy trì mô hình Công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh (16 công ty nông nghiệp, 3 công ty lâm nghiệp). 60 Công ty TNHH MTV lâm nghiệp tái cơ cấu, duy trì mô hình Công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước thực hiện nhiệm vụ sản xuất cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích. 102 Công ty TNHH MTV nông-lâm nghiệp chuyển thành công ty cổ phần (71 công ty nông nghiệp, 31 công ty lâm nghiệp). 38 Công ty TNHH MTV nông-lâm nghiệp chuyển thành Công ty TNHH hai thành viên trở lên. 28 Công ty TNHH MTV nông-lâm nghiệp thực hiện giải thể. 5 Công ty TNHH MTV lâm nghiệp chuyển thành Ban quản lý rừng hoạt động theo cơ chế đơn vị sự nghiệp có thu.

Tại Hội nghị, lãnh đạo UBND các tỉnh Lào Cai, Khánh Hòa, Bình Định… cho biết, sau khi triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nhiều công ty đã xây dựng phương án kinh doanh, hợp tác kinh doanh đạt những kết quả khả quan, tinh gọn được bộ máy.

Đặc biệt với mô hình cổ phần hóa, các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận đều tăng như: Công ty cổ phần Cao su Bình Dương (doanh thu trước sắp xếp 49 tỷ đồng, sau sắp xếp 133 tỷ đồng), Công ty cổ phần Nông lâm nghiệp Bình Dương (doanh thu trước sắp xếp 26 tỷ đồng, sau sắp xếp 34 tỷ đồng), Công ty cổ phần Chè Bàu Cạn (lợi nhuận trước sắp xếp 277 triệu đồng, sau sắp xếp 4 tỷ đồng)...

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ, việc chậm thực hiện sắp xếp đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty lâm nghiệp chủ yếu do nguyên nhân chủ quan. Ảnh: VGP



Khó khăn lớn nhất là vướng mắc về đất đai


Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay khi tiến hành sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động các công ty nông – lâm nghiệp đó là: Đo đạc và quản lý đất đai; thống kê vốn và thu hồi công nợ; giải quyết lao động sau khi sắp xếp, đổi mới lại doanh nghiệp.

Khó khăn chính nổi lên chủ yếu là vấn đề giao đất. Các doanh nghiệp kinh doanh lâm nghiệp đều liên quan đến đất trồng rừng. Đất rừng từ xưa đến nay phần lớn là giao lại cho các hộ cá thể quản lý, trồng rừng khoảng 50 năm, nên khi sắp xếp lại, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đo đạc lại diện tích rừng sản xuất, thống kê thiệt hại của các hộ cá thể, kinh phí đo đạc tốn kém. Trong khi đó, rừng phòng hộ lại không cho sản xuất, nghĩa là doanh nghiệp rất khó khăn về vốn.

Cá biệt một số địa phương có đất rừng liên quan đến khoáng sản, di tích, du lịch..., vì vậy khi tiến hành giao đất phải rất thận trọng. Khi đất rừng giao cho Công ty kinh doanh, họ sẽ có quyền can thiệp vào đất rừng, nếu không cẩn thận sẽ phá vỡ cảnh quan, di tích cần bảo tồn. Đơn cử như tại Quảng Ninh, tài nguyên khoáng sản do tỉnh quản lý, nếu giao đất cho Công ty TNHH MTV thì sẽ không quản lý được cảnh quan, môi trường, hoặc Cà Mau có rừng nguyên sinh cần bảo tồn cũng rất khó cho doanh nghiệp sản xuất lâm nghiệp...

Về vấn đề này, đại diện tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, thời gian đầu, tỉnh Quảng Ninh hoạt động rất tích cực, nhưng khi bắt tay làm mới thấy không sát với thực tiễn. Địa hình của tỉnh có tính đặc thù, liên quan đến biên giới, phần lớn là người dân tộc, nên phải có phương án tiến hành cổ phần hoá thế nào cho phù hợp. Ví dụ, khu Vân Đồn được quy hoạch thành Đặc khu kinh tế, nếu cổ phần hoá thì cảnh quan khu Vân Đồn sẽ thay đổi, khó kiểm soát. Ngoài rừng ra, tỉnh còn có đất liên quan đến khoáng sản là than, nếu cổ phần hoá thì rất khó quản lý... Vì vậy, ở một số nơi, tỉnh Quảng Ninh thực hiện phương án Công ty TNHH hai thành viên trở lên và chọn đại diện có năng lực, sản xuất, khai thác... Lộ trình là năm 2018, tỉnh sẽ hoàn thành xong đề án này.

Hoàn thành việc sắp xếp, đổi mới trong năm 2018


Sau khi nghe ý kiến của các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp và đại diện các Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, LĐ,TB&XH, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, sau 3 năm thực hiện, có thể khẳng định, việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nông-lâm nghiệp là rất quan trọng, đem lại sự thay đổi trong phương thức kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Dĩ nhiên, khi làm sẽ phát sinh khó khăn, nhưng chủ yếu là do một số người đứng đầu ngại đổi mới, ngại chuyển đổi mô hình, phụ thuộc vào bao cấp nhà nước, dẫn đến có sai phạm... Phó Thủ tướng nhận định, thời gian tới, mô hình Công ty TNHH hai thành viên sẽ phát huy hiệu quả kinh tế, gắn bó với ngành nghề kinh doanh.



Phó Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian tới, Bộ NN&PTNT cần điều chỉnh phương án tổng thể của các địa phương và phải hoàn thành, đưa vào thực hiện trong năm 2018. Năm 2019, Chính phủ sẽ đề nghị Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán toàn diện các công ty.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng chỉ đạo Bộ NN&PTNT sớm tham mưu, đề xuất với Chính phủ phương án chỉnh sửa của các địa phương, phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn thiện báo cáo đánh giá năm 2017,  tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh kịp thời phương án tổng thể sắp xếp công ty nông, lâm nghiệp của các địa phương theo đúng quy định pháp luật, phù hợp với thực tiễn trong tháng 11-2017.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên – Môi trường nêu rõ vấn đề vướng mắc trong việc đo đạc đất đai, giao đất, phương án đề xuất giải quyết các vướng mắc; hướng dẫn, cập nhật dữ liệu quản lý đất đai, đặc biệt là đất nông nghiệp và đất rừng để các địa phương. Bộ Tài chính lên phương án đề xuất kinh phí đo đạc rà soát cắm mốc đất đai, kể cả phần đất các công ty nông, lâm nghiệp giao về địa phương quản lý... Bộ LĐ,TB&XH có văn bản hướng dẫn áp dụng việc hỗ trợ kinh phí cho lao động khi các công ty nông, lâm nghiệp thực hiện sắp xếp, đổi mới.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi cơ chế chính sách cho vay phù hợp với đặc thù của ngành nông, lâm nghiệp. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, các đơn vị có công ty nông, lâm nghiệp phối hợp chặt chẽ đề án sử dụng đất để tiến hành đo đạc lại; rà soát việc giao đất cho doanh nghiệp, kể cả hộ cá thể; lập kế hoạch để thường xuyên kiểm tra, đánh giá, định kỳ hàng quý báo cáo việc thực hiện với chủ sở hữu về việc chậm trễ thực hiện tiến độ sắp xếp. 

Chính phủ kiên quyết hoàn thành việc sắp xếp, đổi mới trong năm 2018.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính phủ sơ kết tình hình sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động các công ty nông–lâm nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.