Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bổ sung quy định tiếp nhận, xử lý tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại

B.Hân| 08/11/2017 17:17

(HNMO) - Ngày 8-11, Quốc hội đã nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi).

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tố cáo (sửa đổi). 


Trước đó, tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã họp phiên toàn thể tại Hội trường cho ý kiến về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi). Qua thảo luận, các vị đại biểu cho rằng, đây là dự án Luật quan trọng, cử tri đặc biệt quan tâm và còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu tiếp thu chỉnh lý nên đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật này theo quy trình. 

Trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tố cáo (sửa đổi), Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, trên cơ sở ý kiến của đại biểu và kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật.

Theo đó, dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 72 điều (tăng thêm 8 điều so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 và tăng thêm 22 điều so với Luật hiện hành).

Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo được chỉnh lý theo hướng không quy định về việc tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đã nghỉ hưu (nguyên là cán bộ, công chức, viên chức).

Hiện nay Luật Tố cáo, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức đều không có quy định về xử lý đối với công chức, viên chức đã nghỉ hưu khi có hành vi vi phạm vào thời điểm đang là cán bộ, công chức, viên chức.  Do vậy, dự thảo không quy định nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo trong trường hợp người bị tố cáo đã nghỉ hưu. Về nguyên tắc, việc  tố cáo người đã nghỉ hưu hoặc người đương nhiệm thì vẫn phải do cơ quan, tổ chức nơi người bị tố cáo đã công tác giải quyết.

Dự thảo Luật cũng đã bổ sung một số quyền và nghĩa vụ của người tố cáo như quyền được thông báo về các biện pháp bảo vệ, quyền bảo vệ bí mật thông tin, vị trí công tác, việc làm và các quyền công dân khác tại nơi cư trú...

Ngoài ra, Tổng Thanh tra Chính phủ cũng báo cáo các nội dung giải trình, tiếp thu cụ thể của dự án Luật liên quan đến đơn tố cáo nặc danh; thời hiệu tố cáo; nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo; thẩm quyền giải quyết tố cáo; trình tự thủ tục giải quyết tố cáo; bảo vệ người tố cáo; trách nhiệm phối hợp của cơ quan, tổ chức trong công tác giải quyết tố cáo; khen thưởng, xử lý vi phạm.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tố cáo (sửa đổi). Ảnh: Văn Bình - Cổng TTĐT Quốc hội


Trong Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tố cáo (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng những nội dung mới đã được chỉnh lý, hoàn thiện thêm một bước nhưng vẫn còn có ý kiến khác nhau cần phải được đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội nước ta hiện nay, bảo đảm tính khả thi để sau khi Luật ban hành việc tổ chức thực hiện đạt kết quả tốt.

Về hình thức tố cáo, đa số ý kiến Ủy ban Pháp luật cho rằng, dù tố cáo dưới hình thức nào thì cũng phải xác định được rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo - đây là điều kiện cần để thụ lý giải quyết; cơ sở quan trọng nhất để quyết định thụ lý, giải quyết tố cáo vẫn là nội dung tố cáo phải có căn cứ, có cơ sở để xác minh, kết luận. Việc tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại thực chất cũng chỉ là các phương thức thể hiện khác nhau của hai hình thức tố cáo mà dự thảo Luật đã quy định là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp.

Về tố cáo mạo danh, nặc danh, Ủy ban Pháp luật tán thành quan điểm của Chính phủ về nguyên tắc không xem xét, giải quyết đối với tố cáo mạo danh, nặc danh vì không có cơ sở để xem xét, ràng buộc trách nhiệm của người tố cáo, tránh tình trạng lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xâm phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị tố cáo.

Đồng thời, nhất trí với việc bổ sung quy định trong trường hợp tố cáo mạo danh, nặc danh nhưng có nội dung cụ thể, có kèm theo thông tin, tài liệu, bằng chứng rõ ràng (như các tài liệu, vật chứng, ảnh, đoạn băng ghi hình, ghi âm…) thì cơ quan, người có thẩm quyền phải xem xét, tổ chức việc xác minh, xử lý theo quy trình thanh tra, kiểm tra, quản lý cán bộ nhằm tránh bỏ lọt hành vi vi phạm pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bổ sung quy định tiếp nhận, xử lý tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.