Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chất vấn nào đang chờ Bộ trưởng Bộ Tài chính trong chiều nay?

Bảo Hân| 16/11/2017 12:18

(HNMO) - Cuối phiên chất vấn đầu tiên tại Kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIV sáng nay (16-11), còn khá nhiều đại biểu đăng ký đặt câu hỏi với vị trưởng ngành Tài chính. Thời gian để Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trả lời trong buổi chiều là 50 phút.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội).


Đề cập đến vấn đề sử dụng xe công để tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nêu, một số bộ, trong đó có Bộ Tài chính đã thực hiện gương mẫu khi các thứ trưởng không sử dụng xe công đi làm việc. Điều đó nhận được sự hoan nghênh của dư luận.

"Trong tình hình đất nước thu ít hơn chi, mức bộ chi NSNN năm 2018 dự kiến còn 3,7%, việc tiết kiệm đó là vô cùng quý. Tuy nhiên, qua thực hiện một thời gian, hiện tình hình như thế nào, có tốt hay không? có nên nhân rộng ra cả nước hay không? Bộ trưởng nếu có thông tin thì cho Quốc hội và cử tri biết" - Đại biểu Nguyễn Anh Trí hỏi.

Cũng liên quan đến vấn đề này, đại biểu đoàn Hà Nội nêu, một số cử tri rất cảm động khi biết các thứ trưởng buổi sáng chờ taxi, hoặc đi nhờ xe của người thân. Một năm, nếu thứ trưởng đi xe công sẽ hết trên 350 triệu đồng. Tuy nhiên, một thứ trưởng có thể làm gấp 10, gấp 100 thậm chí gấp 1.000 lần như vậy. Thử hỏi cách tiết kiệm này có lợi hay không?

Cùng đoàn ĐBQH Hà Nội, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh đến thương mại điện tử, ra đời các hoạt động kinh doanh mới như bán hàng qua mạng, kinh doanh Uber, Grab...

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội).


"Vậy Bộ trưởng có cho rằng việc kiểm soát thuế mang tính truyền thống bằng hoá đơn, xác định mức khoán thuế như hiện nay không còn phù hợp, dẫn đến nảy sinh những tồn tại? Bộ trưởng dự tính sẽ làm gì để thay đổi phương thức kiểm soát thuế trong tương lai?" - Đại biểu Cường hỏi.

Về trách nhiệm trong quản lý nợ công, thất thoát lãng phí trong đầu tư công, dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) quy định đầu mối duy nhất quản lý thuộc về Bộ Tài chính. Điều này được cử tri ủng bộ, đại biểu Quốc hội đồng tình. Tuy vậy,  đại biểu Cường băn khoăn khi Luật được thông qua, nếu xảy ra tình trạng các khoản vay về cho vay lại hoặc bảo lãnh mà không trả được nợ hoặc khoản vay đầu tư công không hiệu quả thì trách nhiệm của Bộ Tài chính sẽ như thế nào?

Là người đặt câu hỏi cuối cùng, đại biểu Đặng Hoàng Tuấn (Long An) quan tâm đến nội dung chống thất thu thuế ở mặt hàng ô tô.

Đại biểu Đặng Hoàng Tuấn (Long An).


Theo lộ trình, từ 2018, thuế nhập khẩu ô tô sẽ giảm, cụ thể đối với ô tô con giảm từ 30% xuống 0%; ô tô tải nhẹ và ô tô bán giảm từ 5% xuống 0%.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, dự kiến trung bình 5 năm tới (từ năm 2018 đến 2022), xe nhập khẩu từ các nước ASEAN tăng trung bình mỗi năm từ 30-40%, như vậy ngân sách nhà nước sẽ thất thu thuế trên 22.000 tỷ đồng, tức mỗi năm bình quân sẽ thất thu trên 4.400 tỷ đồng.

Trong khi đó, người dân đang có tâm lý chờ đợi và chuẩn bị sẵn điều kiện để từ năm 2018 sẽ sở hữu ô tô giá rẻ do thuế xuất nhập khẩu bằng 0. Nếu điều này xảy ra sẽ tạo áp lực lớn với hạ tầng giao thông đường bộ. Đại biểu mong muốn Bộ trưởng Bộ Tài chính đưa ra các giải pháp và chính sách vừa bảo đảm chống thất thu thuế, vừa ổn định thị trường ô tô trong nước, giải toả tâm lý chờ đợi của người dân.

Sau 50 phút trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Quốc hội sẽ chuyển sang nhóm vấn đề thứ hai.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng sẽ "đăng đàn", làm rõ các vấn đề đại biểu nêu về việc điều hành chính sách tiền tệ để đảm bảo hỗ trợ sản xuất kinh doanh và tăng trưởng tín dụng hợp lý.

Một nội dung quan trọng khác cũng sẽ thu hút nhiều câu hỏi là hoạt động của các ngân hàng yếu kém đã được xử lý như thế nào, giải pháp đảm bảo an toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chất vấn nào đang chờ Bộ trưởng Bộ Tài chính trong chiều nay?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.