Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiếu kiểm soát, tài sản tham nhũng vẫn còn nơi trú ẩn

Bảo Hân| 21/11/2017 18:27

(HNMO) - Thảo luận về dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), ĐBQH cho rằng vấn đề



ĐB Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn).


Tiếp tục để ngỏ cơ chế xử lý

"Khơi mào" cho nội dung thảo luận này, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nêu thực tiễn vừa qua có một số trường hợp kê khai không đúng nhưng chỉ áp dụng kỷ luật đối với người kê khai, có thể là khiển trách, cảnh cáo, thậm chí là cách chức, chứ không thể đụng được vào khối tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp. 

Theo đại biểu Thủy, muốn xử lý tịch thu khối tài sản này thì phải thông qua một vụ án hình sự, từ khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử... Và đến khi đó sẽ rất khó khăn, nhiều vụ án sẽ không còn tài sản để thi hành án.

"Một trong những kỳ vọng của cử tri đặt ra đối với việc sửa luật lần này là phải giải quyết được vấn đề nêu trên. Tuy nhiên, Điều 122 và 123 vẫn chỉ xử lý đối với người kê khai không đúng. Cụ thể, nếu như người đó đang được dự kiến bổ nhiệm thì sẽ không được bổ nhiệm nữa và nếu như người đó đã được bổ nhiệm thì tuỳ theo mức độ mà có thể bị cách chức hoặc giáng chức. Đối với khối tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp thì dự thảo vẫn tiếp tục để ngỏ, không có cơ chế xử lý giống như hiện nay" - Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ nói.

Đại biểu Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam) cho rằng, điều quan trọng nhất trong thực hiện chủ trương kê khai tài sản là việc xử lý tài sản bất minh.

ĐB Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam).


"Cần quy định trong Luật này việc tịch thu tài sản bất hợp pháp, tức là những tài sản không rõ nguồn gốc, và giao cho cơ quan Chính phủ, Thanh tra Chính phủ là cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng thực hiện thẩm quyền này. Trường hợp vụ án tham nhũng phải đình chỉ điều tra thì cơ quan điều tra hoặc Viện Kiểm sát thực hiện thẩm quyền này" - Đại biểu đề xuất.

Ngoài ra, theo đại biểu, với những vụ tham nhũng đã khởi tố điều tra mà không chứng minh được hành vi tham nhũng nhưng bị can không chứng minh được nguồn gốc tài sản thì cũng có thể áp dụng quy định của Luật để tịch thu. Cơ quan điều tra hoặc Viện Kiểm sát sẽ ra quyết định tịch thu.


Quy định công khai, minh bạch còn chung chung


ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng).


Tham gia  tranh luận, ĐBQH Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) nêu vấn đề "cốt tử" mà dự thảo Luật cần phải làm cho bằng được là trao thẩm quyền cho cơ quan chức năng kiểm soát có quyền truy lùng đến cùng nguồn gốc của các loại tài sản.

Đại biểu phân tích, việc chuyển dịch quyền sở hữu, xác lập quyền sở hữu tài sản ban đầu cho những khối tài sản lớn, rất lớn, đặc biệt lớn nhưng lại không vấp phải bất cứ một hành động kiểm soát nào từ phía cơ quan nhà nước đã tạo nơi trú ẩn để cất giấu tài sản tham nhũng. Đây chính là trở ngại cho công tác phòng, chống tham nhũng trong nhiều năm qua.

Về trách nhiệm giải trình tài sản, đại biểu cho rằng, việc chứng minh tài sản do phạm tội mà có là trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong lĩnh vực hình sự. Còn trong phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống tham nhũng thì trách nhiệm chứng minh nguồn gốc hợp pháp phải là của chủ sở hữu tài sản. Nếu không chứng minh được thì Nhà nước sẽ thu hồi tài sản đó.

Tán thành với quan điểm của đại biểu thành phố Đà Nẵng, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, tài sản của mọi công dân đều phải minh bạch, chứ không phải chỉ có quan chức. Ở các quốc gia khác, người dân bình thường phải chứng minh tài sản của mình là hợp pháp, nếu không sẽ bị cơ quan thuế xử lý. Hiến pháp nước ta bảo vệ tài sản công dân hợp pháp chứ không bảo vệ tài sản công dân bất minh.

ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình).


Đưa ra quan điểm thẳng thắn và mạnh mẽ, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) nhận định, các quy định về công khai, minh bạch tài sản trong dự thảo Luật lần này là một bước... thụt lùi so với Luật cũ.

"Cơ chế công khai, minh bạch mới giúp chúng ta đấu tranh chống tham nhũng. Để người dân được biết, cán bộ, đảng viên được biết và được tham gia vào quá trình giám sát. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước phải giải trình được, khi dư luận hoặc cơ quan báo chí yêu cầu, đề xuất. Từ việc giải trình này, buộc các cơ quan làm việc đảm bảo phải chặt chẽ" - Đại biểu nêu.

Đại biểu đề nghị yêu cầu công khai, minh bạch cần phải được thiết kế lại trên tinh thần của Luật cũ với quy định cụ thể, tránh nêu chung chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiếu kiểm soát, tài sản tham nhũng vẫn còn nơi trú ẩn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.