Theo dõi Báo Hànộimới trên

HĐND TP Hà Nội chất vấn hàng loạt vấn đề "nóng" về quản lý trật tự đô thị

Nhóm PV HNMO| 06/12/2017 07:56

(HNMO) - Sáng nay (6-12), bước sang ngày làm việc cuối cùng, HĐND TP Hà Nội dành trọn một ngày để tiến hành tái chất vấn về những vấn đề được cử tri và nhân dân Thủ đô quan tâm.

12:21 06/12/2017

Phiên chất vấn buổi sáng với nhóm vấn đề về quản lý đô thị gồm công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo; công tác bảo đảm trật tự đô thị và việc thu gom xử lý rác thải; công tác bảo đảm an toàn PCCC và quản lý quảng cáo kết thúc lúc 11h30.


14h hôm nay, các đại biểu tiếp tục chất vấn trực tiếp tại hội trường, tập trung vào những vấn đề kinh tế gồm hiệu quả thực hiện các chính sách theo Nghị quyết của HĐND về khuyến khích phát triển nông nghiệp; quản lý chợ gắn với hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm.


11:52 06/12/2017

Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai: Năm 2018 sẽ không để phát sinh trường hợp vi phạm về PCCC

Trả lời chất vấn của đại biểu HĐND thành phố về việc quán karaoke, nhà hàng không đủ điều kiện về PCCC vẫn hoạt động trên địa bàn huyện Quốc Oai, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hồng Lâm cho biết, năm 2017, huyện đã phối hợp chặt chẽ với đội PCCC 14 (phụ trách địa bàn huyện Thạch Thất và Quốc Oai) rà soát việc này. Với trường hợp không tuân thủ quy định về PCCC, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng lập biên bản xử lý, nhưng tình trạng tái hoạt động, hoạt động chui vẫn còn.

Đại biểu Nguyễn Hoài Nam chất vấn Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai.


Đặc biệt, có quán xây dựng trên trục đường không được phép, trên diện tích đất nông nghiệp. “Thực hiện Kế hoạch của UBND huyện về giải tỏa các vi phạm hành lang an toàn giao thông và vi phạm trên đất nông nghiệp, chúng tôi đã yêu cầu những trường hợp này thực hiện theo đúng quyết định đã ban hành”, Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai nói.

Ông Nguyễn Hồng Lâm cũng cho biết, thời gian còn lại của năm 2017 và trong năm 2018, huyện sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với đơn vị PCCC số 14 thiết lập lại trật tự trong hoạt động karaoke trên địa bàn.


Với phần trả lời trên của Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc không hài lòng vì cho rằng, PCCC là vấn đề cấp bách mà Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai lại đặt ra lộ trình thực hiện trong năm 2018 là quá dài. Chủ tịch HĐND thành phố đề nghị Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai phải đưa ra lộ trình cụ thể, dứt khoát phải xử lý xong trong quý 1-2018.

Trước yêu cầu trên, Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai tiếp thu và cho biết tháng 12-2017 và đầu quý 1-2018, huyện sẽ xử lý toàn bộ các trường hợp vi phạm; năm 2018, không để phát sinh trường hợp vi phạm mới.

11:36 06/12/2017

Xử lý đến cùng và quyết liệt nếu còn biển quảng cáo sai phạm

Các đại biểu Trần Thế Cương (Bắc Từ Liêm), Vũ Mạnh Hải, Phạm Thị Thanh Hương (Ứng Hòa) chất vấn Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội về vấn đề quản lý biển quảng cáo tấm lớn trên địa bàn thành phố còn nhiều sai phạm như nhiều biển quảng cáo trái phép, kích thước không đúng quy định, sử dụng nguyên vật liệu dễ gây cháy nổ...


Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Tô Văn Động trả lời chất vấn của các đại biểu.


Trả lời các đại biểu, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Tô Văn Động cho biết, Hà Nội là một trong những tỉnh, thành phố đầu tiên có được hệ thống các văn bản quản lý quảng cáo tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố còn có nhiều biển quảng cáo không đúng quy định về vị trí, kích thước hoặc nội dung không chính xác, gây mất mỹ quan đô thị và dễ chập cháy.

Nguyên nhân được Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao chỉ ra là do công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa thường xuyên, quyết liệt; sự phối hợp giữa các ngành chưa tốt, đặc biệt, chưa có sự vào cuộc của các quận, huyện, xã, phường, thị trấn. Một số doanh nghiệp và hộ kinh doanh cố tình vi phạm dù đã được nhắc nhở, hướng dẫn rất kỹ.

"Sở Văn hoá và Thể thao xin nhận khuyết điểm và trách nhiệm khi để xảy ra những tồn tại trên" - ông Tô Văn Động thẳng thắn nói.

Về giải pháp khắc phục trong thời gian tới, Sở Văn hoá và Thể thao sẽ là đầu mối, chủ trì cùng sở, ngành, quận, huyện xử lý đến cùng và quyết liệt. Nếu còn biển quảng cáo sai phạm, Sở sẽ chọn từng việc, từng loại vi phạm để có cách làm cụ thể.

Liên quan đến biển hiệu, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao cho biết, qua kiểm đếm, thành phố hiện có trên 113.000 biển hiệu. Đây là số lượng rất lớn. Các lực lượng chức năng đã tháo dỡ 8.100 biển có kích thước sai phạm và tiếp tục chỉnh sửa nội dung hơn 40.000 biển. Thanh tra liên ngành cũng đã xuống các quận, huyện lập biên bản từng vị trí, từng biển sai và có văn bản đề nghị các quận, huyện xử lý.

Ông Tô Văn Động cũng cho biết, sắp tới Sở sẽ liên hệ và xử phạt những vi phạm về biển quảng cáo với các nhãn hàng như Samsung, Thế giới di động, Điện máy xanh và hệ thống các ngân hàng thương mại.

11:34 06/12/2017

Áp lực về bến bãi đỗ xe ở thành phố đang tăng lên rất nhiều

Trả lời những nội dung chất vấn về bến bãi để xe, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, công tác quy hoạch hệ thống bến bãi đỗ xe được phê duyệt từ năm 2013 đã không còn phù hợp với thực tiễn. Trước đây, phương tiện giao thông cá nhân chưa tạo nhiều áp lực cho thành phố, nhưng nay, áp lực đối với bến bãi đỗ xe đã tăng lên rất nhiều mà thành phố chưa bố trí được quỹ đất ưu tiên cho lĩnh vực này.

Giám đốc Sở KHĐT Nguyễn Mạnh Quyền trả lời chất vấn.


Trong 5 năm gần đây, Thành ủy và UBND thành phố đã có chỉ đạo sát sao về quy hoạch hệ thống bến đỗ xe. Theo đó, các nhà đầu tư xây dựng nhà cao tầng và chung cư phải bảo đảm đủ diện tích tầng hầm cho cư dân sử dụng. Thành phố cũng khuyến khích đầu tư, xây dựng các bãi đỗ xe cao tầng, bãi đỗ xe ngầm, tuy nhiên sức hấp dẫn của lĩnh vực này đối với nhà đầu tư chưa cao.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền cho biết thêm, dưới góc độ trách nhiệm của Sở KHĐT, Sở đang phối hợp với Sở GTVT và các quận, huyện tiến hành rà soát toàn bộ các điểm, bãi trông giữ xe theo quy hoạch cũ trước đây và những địa điểm hợp lý có thể khai thác và kêu gọi đầu tư. Theo đó, thành phố đã kêu gọi được 89 dự án đầu tư theo hình thức xã hội hóa, trong đó có 22 dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động, 54 dự án đang triển khai và 13 dự án đã được UBND thành phố chấp thuận về mặt chủ trương.

Giám đốc Sở KHĐT thừa nhận, tiến độ triển khai quy hoạch bến, bãi đỗ xe còn chậm, qua thanh tra, rà soát có 8 dự án vi phạm hành chính và bị xử phạt 132,5 triệu đồng. Trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục đôn đốc, kiểm tra, giám sát và có những kế hoạch phù hợp để thu hút đầu tư.

11:13 06/12/2017

 Sẽ triển khai IParking tại 4 quận trong quý 1-2018

Trả lời chất vấn của đại biểu về quản lý trật tự hè phố (điểm trông giữ xe), Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Vũ Văn Viện cho biết, theo phân cấp, quản lý vỉa hè thuộc quận, huyện, quản lý lòng đường thuộc Sở GTVT. “Đúng là vỉa hè dành cho người đi bộ, lòng đường dành cho phương tiện giao thông. Tuy nhiên, hiện nay cho phép ở đô thị có thể tận dụng một phần lòng đường để trông giữ phương tiện giao thông khi chưa có điểm giao thông tĩnh tập trung”, Giám đốc Sở GTVT nói.

Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện trả lời chất vấn.


Về quy định cụ thể về việc đường phố, vỉa hè rộng bao nhiêu thì được đỗ xe ô tô một bên hoặc hai bên, Giám đốc Sở cho biết: “Hiện nay chúng ta cấp phép theo đúng quy định nhưng trong quá trình sử dụng, chủ bãi thường xuyên lấn chiếm diện tích, lấn chiếm vỉa hè cho người đi bộ gây cản trở giao thông”, Giám đốc Sở GTVT thừa nhận.

Về việc giá trông giữ xe thường thu cao hơn quy định, ông Vũ Văn Viện cho biết, thành phố đã cho thực hiện thí điểm đỗ xe IParking trên 2 tuyến phố và có kết quả tốt, doanh thu tại các điểm này tăng lên 33%. Chủ tịch UBND thành phố đã chỉ đạo trong quý 1-2018 sẽ triển khai IParking tại 4 quận. Việc triển khai này sẽ khắc phục được các tồn tại như: Lấn chiếm diện tích điểm trông giữ xe, quản lý doanh thu chặt chẽ hơn vì không thu bằng tiền mặt... Đồng thời, UBND thành phố đã giao Sở tổng kiểm tra rà soát các dự án đang triển khai xây dựng bãi xe.

Liên quan đến tiến độ quy hoạch giao thông tĩnh, Giám đốc Sở GTVT cho biết, Hà Nội đang triển khai quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt, trong đó tỷ lệ đất giao thông tĩnh/đất xây dựng đô thị phải đạt 3-4% (hiện chỉ là 0,6%). Sau khi quy hoạch được thực hiện, tổng diện tích là khoảng 2.072 ha, đạt 3,27%. Quy hoạch đã được Hội đồng thẩm định của thành phố thẩm định xong, đang rà soát lại yêu cầu bổ sung 37 nội dung để hoàn chỉnh và trình UBND thành phố duyệt trong tháng 12 này.

11:04 06/12/2017

Các gia đình không thể thỏa thuận hợp khối thì chính quyền địa phương sẽ áp dụng quy định đã có để xử lý

Trả lời hai câu hỏi của đại biểu Nguyễn Hoài Nam về quy hoạch, giải quyết nhà siêu mỏng, siêu méo, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Lê Vinh cho biết, những năm trước đây, tình trạng nhà siêu méo, siêu mỏng xảy ra là do chưa có quy định đầy đủ về việc giải quyết vướng mắc khi thu hồi đất trong quá trình mở đường. Tuy nhiên sau đó, thành phố đã có đầy đủ văn bản pháp quy như Nghị định 39 của Chính phủ, Nghị quyết 15, 16 của thành phố và hướng dẫn 3382 của Sở Xây dựng để hướng dẫn các địa phương xử lý tình trạng nhà siêu méo, siêu mỏng.

Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Lê Vinh trả lời chấn vấn.


Ngoài ra, ông Lê Vinh cho biết, vấn đề này đã được Sở Xây dựng phối hợp với chính quyền địa phương xác định các trường hợp siêu mỏng, siêu méo và làm việc với chủ sở hữu để tiến hành hợp khối. Trong trường hợp các gia đình không thể thỏa thuận hợp khối thì chính quyền địa phương sẽ áp dụng quy định đã có để xử lý. 

10:53 06/12/2017

Đại biểu: Bảo đảm quyền kinh doanh của người dân nhưng vỉa hè phải ngăn nắp

Đại biểu Duy Hoàng Dương (Hoài Đức) đề nghị Giám đốc CATP Hà Nội làm rõ hơn vai trò chỉ đạo của CATP đối với công an các quận, huyện trong xử lý hàng quán lấn chiếm lòng đường, vỉa hè hoặc mở bán xuyên đêm, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn giao thông của thành phố. CATP đã tham mưu như thế nào với Ban Chỉ đạo 197 của thành phố để có giải pháp đột phá khắc phục những tồn tại, hạn chế trong năm 2017?


Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Hà Đông).


Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Hà Đông) đề nghị Giám đốc Sở Giao thông Vận tải chia sẻ thêm trách nhiệm của ngành trong việc thực hiện các quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ về giao thông, trong đó có bến bãi giao thông tĩnh. Theo báo cáo của UBND thành phố, đến thời điểm hiện nay, Hà Nội mới triển khai 20/88 bãi đỗ xe với quy mô không lớn; 16 dự án đang triển khai chưa có kết quả và 52 dự án chưa triển khai.

Đại biểu Mai cũng chất vấn lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải về trách nhiệm của Sở trong tham mưu và tiếp tục triển khai, đôn đốc việc thực hiện các dự án đầu tư cho bến, bãi đỗ xe để hoàn thành đúng tiến độ; công tác cấp phép cho các đơn vị trông giữ phương tiện hiện nay để bảo đảm công khai, minh bạch. 

"Chúng ta có thuật ngữ 'kinh tế vỉa hè' ở Hà Nội. Chủ tịch UBND thành phố đã có chỉ đạo phải quy hoạch hệ thống vỉa hè và việc kinh doanh vỉa hè phải minh bạch, ngăn nắp. Nơi được phép kinh doanh phải có đấu thầu, trả phí cho vỉa hè. Tuy nhiên, nội dung này chưa thực hiện được. Đề nghị HĐND thành phố và các sở, ngành tham mưu cho UBND thành phố thực hiện nội dung này để bảo đảm quyền kinh doanh của người dân nhưng các vỉa hè đều được ngăn nắp" - đại biểu Nguyễn Minh Đức (Thanh Xuân) nêu.

Đại biểu Vũ Ngọc Anh (Nam Từ Liêm) cũng chất vấn về việc thực hiện đầu tư bến bãi đỗ xe còn chậm, quỹ đất dành cho giao thông tĩnh thấp, việc kêu gọi đầu tư, xã hội hoá của thành phố thời gian qua trong lĩnh vực này chưa hiệu quả.

10:51 06/12/2017

Quận Đống Đa: Lắp camera theo dõi để phạt “nguội”

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Minh Đức và Nguyễn Huy Được về việc xử lý tái vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, quản lý vỉa hè, Chủ tịch UBND quận Đống Đa Võ Nguyên Phong cho biết, hiện nay quận có 42 vạn dân, 15.000 doanh nghiệp, 72 tuyến phố với tổng chiều dài 55 km, giao thông tĩnh chiếm 8% diện tích giao thông, đạt 9% nhu cầu thực tế.

Ông Võ Nguyên Phong - Chủ tịch UBND quận Đống Đa trả lời chất vấn. Ảnh: Bùi Việt


Về bãi đỗ xe, ông Võ Nguyên Phong cho biết, quận Đống Đa đã ban hành nhiều Kế hoạch triển khai trên địa bàn, lực lượng chức năng của quận đã xử lý nhiều điểm, bãi trông giữ trái phép, trong đó giải tỏa trên 40 điểm, cẩu đến các bãi xe tạm trên 300 lượt xe các loại… Tình hình vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, hiện nay vẫn phát sinh một số trường hợp tái vi phạm vỉa hè, lòng đường. Để giải quyết vấn đề này, quận Đống Đa thực hiện đồng bộ 4 nhóm giải pháp, thành lập 10 tổ công tác kiểm tra tình hình thực tế trên địa bàn.

Chủ tịch UBND quận Đống Đa đưa ra 4 nhóm giải pháp:

- Phối hợp cùng Sở Giao thông Vận tải, Công an thành phố rà soát các tuyến đường, phố nếu đủ điều kiện có thể cho phép dừng, đỗ trên lòng đường. Hiện quận đã rà soát 30 điểm. Thời gian tới tiếp tục rà soát;

- Tăng cường việc niêm yết giá dừng đỗ, xử lý vi phạm;

- Áp dụng ứng dụng công nghệ IParking (tìm bãi đỗ xe trên điện thoại);

- Cùng Công an thành phố lắp đặt camera theo dõi để xử lý "nguội" những trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, an ninh đô thị.

10:41 06/12/2017

Thành phố Hà Nội có 1.200 điểm trông giữ các phương tiện giao thông

Trả lời chất vấn của đại biểu Bùi Huyền Mai (Ứng Hòa) về tình trạng vi phạm trật tự đô thị vẫn diễn ra; giải pháp khắc phục để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, hè đường, Giám đốc Công an thành phố Đoàn Duy Khương cho biết, trong gần 9 tháng triển khai Kế hoạch 01 của Ban Chỉ đạo 197, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đô thị, lòng đường, hè phố có chuyển biến tích cực nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu đặt ra của kế hoạch và kỳ vọng của người dân Thủ đô cũng như cả nước.

Giám đốc Công an thành phố Đoàn Duy Khương trả lời chất vấn.


Qua thống kê, đến nay trên toàn thành phố có 1.200 điểm trông giữ phương tiện giao thông, dưới lòng đường là 349 điểm, trên hè phố 264 điểm, ở khu vực khác (đất trống) là 587 điểm. Qua kiểm tra xử lý đã giảm 211 điểm, tháo dỡ trên 16 nghìn lều quán vi phạm lòng đường, vỉa hè; phối hợp giải tỏa 195 chợ, sắp xếp lại 93 chợ, tổ chức phối hợp kẻ vẽ vạch sơn 739 tuyến phố.

Nguyên nhân của những vi phạm trên có nhiều, trong đó về khách quan là do cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu giao thông, tình trạng người dân ở địa phương khác về Hà Nội bán hàng rong chưa được giải quyết triệt để, lực lượng chức năng phụ trách nhiệm vụ này còn mỏng.

Về chủ quan, một số địa phương thời gian đầu triển khai tích cực nhưng không duy trì thường xuyên, có dấu hiệu trùng xuống; công tác kiểm tra đôn đốc của BCĐ 197 ở một số quận, huyện chưa thường xuyên, một số còn ỷ lại, khoán trắng cho lực lượng chức năng.

Theo Giám đốc Công an thành phố, thời gian tới, thành phố sẽ tổng kết 1 năm thực hiện Kế hoạch 01 và sau đó sẽ làm sâu sắc hơn, có giải pháp tích cực để năm 2018 và những năm tiếp theo, đô thị Thủ đô được chỉnh trang sạch đẹp.

10:23 06/12/2017

Quận Thanh Xuân: Phạt tiền trên 3,6 tỷ đồng với các chủ phương tiện vi phạm

Giải trình về vấn đề ách tắc giao thông trên địa bàn, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu cho biết, quận có 3 tuyến đường dễ xảy ra ách tắc lớn, đặc biệt vào các giờ cao điểm: đường Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi và Khuất Duy Tiến.  Nguyên nhân do lưu lượng phương tiện giao thông quá lớn, đan xen giữa ô tô, xe máy và phương tiện công cộng. 


Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu.


Quận đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, như tuyên truyền trong nhân dân và học sinh; các trường học trên địa bàn cho học sinh nghỉ muộn hơn so với công chức để tránh ùn tắc; phối hợp phân luồng, tổ chức lại một số tuyến thành đường một chiều...

Quận cũng đã tăng cường xử phạt, đến thời điểm này đã kiểm tra, xử lý 4.938 trường hợp, tước trên 2.400 giấy phép lái xe và phạt tiền hơn 3,6 tỷ đồng. Ngoài ra, quận cũng đã thí điểm thành lập tổ tự quản 24/24h tại các tuyến đường Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương, Nguyễn Xiển, Khuất Duy Tiến, không cho phương tiện đi lên vỉa hè.

Về việc đổ phế thải tại phường Khương Đình, ông Nguyễn Xuân Lưu cho biết, năm 2015, khi thực hiện dự án thi công hồ Khương Trung, trong giai đoạn gấp rút để giải ngân nguồn vốn ODA, phần phế thải của dự án đã được tạm lưu giữ tại khu vực của phường.

UBND quận Thanh Xuân đã cùng với chủ đầu tư làm rõ, phần trên 300m3 đất phế thải do nhân dân địa phương đổ ra, quận đã dọn xong trước ngày 23-11-2017. Số còn lại là phế thải do đào hồ Khương Trung, đơn vị thi công là Tổng công ty xây dựng Hà Nội đã vận chuyển được 15.000 m3 đất, tương ứng 40% khối lượng; cam kết trước 10-2-2018, tức trước Tết Âm lịch, sẽ hoàn thành xong. Nếu đơn vị không thực hiện xong, quận sẽ cùng đơn vị tập trung máy móc, trang thiết bị vận chuyển dứt điểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
HĐND TP Hà Nội chất vấn hàng loạt vấn đề "nóng" về quản lý trật tự đô thị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.