Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động đón nhận cuộc "thử lửa"

Thiếu tướng Nguyễn Văn Thọ| 11/12/2017 07:13

(HNM) - Thực hiện lời tiên đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B.52 ra đánh Hà Nội…”, quân đội ta đã chủ động chuẩn bị, sẵn sàng đón nhận cuộc “thử lửa” đỉnh cao với không lực Mỹ.

Lời tiên đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh là định hướng quan trọng để Bộ Thống soái tối cao và các cơ quan tham mưu chiến lược chủ động đề ra những chủ trương, biện pháp tác chiến hiệu quả nhất.

Năm 1965, lực lượng cao xạ được phát triển từ 12 trung đoàn và 14 tiểu đoàn thành 21 trung đoàn, 41 tiểu đoàn, trong đó có 8 trung đoàn cơ động, hình thành một mạng lưới phòng không tầm thấp và tầm trung mạnh ở các yếu địa, đồng thời có khả năng cơ động tạo thành những cụm pháo cao xạ bảo vệ từng khu vực. Ngày 1-5-1965, bộ đội tên lửa phòng không ra đời và chỉ sau một tháng, lực lượng này phát triển thành 2 trung đoàn. Công tác huấn luyện binh chủng kỹ thuật hiện đại của lực lượng phòng không được tiến hành bài bản, khẩn trương với sự hướng dẫn của chuyên gia Liên Xô.


Tên lửa và pháo phòng không của bộ đội ta đánh trả máy bay giặc Mỹ trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không năm 1972.


Từ giữa năm 1966, cấp chiến lược đã trực tiếp chỉ đạo Quân chủng Phòng không - Không quân đưa lực lượng tên lửa vào Quân khu 4 nghiên cứu đánh B.52. Đến cuối năm 1967, theo lời tiên đoán của Bác Hồ: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B.52 ra đánh Hà Nội, có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước tình huống càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ chuẩn bị”, Quân chủng Phòng không - Không quân đã cử nhiều đoàn cán bộ vào chiến trường thu thập các tài liệu về hoạt động của máy bay B.52. Cách đánh máy bay B.52 được hình thành và từng bước hiện thực.

Tháng 7-1972, Bộ Tổng Tham mưu chỉ thị cho Quân chủng Phòng không - Không quân thực hiện gấp việc tiếp tục nghiên cứu và triển khai kế hoạch đánh máy bay ném bom chiến lược B.52. Sau khi nhận nhiệm vụ, Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng đã tập trung nghiên cứu, quán triệt chỉ đạo của cấp trên và quyết tâm thực hiện nhiệm vụ. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tổng tham mưu, từ kinh nghiệm thực tiễn đánh máy bay ném bom chiến lược trên địa bàn miền Trung, tháng 10-1972, Quân chủng đã tổ chức hội nghị bàn về cách đánh, sau đó nghiên cứu biên soạn thành tài liệu “Cách đánh B.52” để huấn luyện bộ đội trước khi bước vào chiến dịch. Trong quá trình tổ chức chuẩn bị và thực hành chiến dịch, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân đã xây dựng quyết tâm bắn rơi tại chỗ nhiều máy bay B.52, bắt sống nhiều giặc lái. Đây là vấn đề trung tâm nhất của hoạt động chỉ huy chiến dịch phòng không tháng 12-1972.

Cùng với việc nghiên cứu nắm chắc hoạt động của địch trên không, xây dựng cách đánh máy bay ném bom chiến lược B.52, Bộ Tư lệnh Quân chủng đã chỉ huy, chỉ đạo các đơn vị xây dựng thế trận của chiến dịch. Trên cơ sở hệ thống trận địa, các sân bay, hệ thống đường cơ động, Quân chủng đã xây dựng, hình thành thế trận gồm nhiều tuyến, nhiều khu vực, có chiều sâu. Các trận địa được xây dựng một cách linh hoạt để bố trí lực lượng tên lửa ở vòng trong; bố trí lực lượng không quân ở các sân bay vòng trong, vòng ngoài để có thể cất cánh đánh địch trên các hướng; lực lượng cao xạ hình thành từng cụm trung đoàn để bảo vệ mục tiêu; lực lượng ra đa bố trí lại đội hình để phát hiện và chỉ thị mục tiêu, đặc biệt là máy bay B.52 cho các đơn vị hỏa lực tiêu diệt địch.

Từ tháng 4-1972, Quân ủy Trung ương đã chỉ thị cho Quân chủng Phòng không - Không quân và các quân khu phải sẵn sàng đối phó với khả năng Mỹ cho không quân, kể cả không quân chiến lược, đánh phá miền Bắc. Trên cơ sở những nhận định, chỉ đạo sáng suốt, kịp thời của Bộ Chính trị, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh và Bộ Tổng tham mưu, công tác chuẩn bị mọi mặt được Quân chủng Phòng không - Không quân tiến hành hết sức khẩn trương. Việc điều chỉnh đội hình chiến đấu, triển khai sở chỉ huy dự bị các cấp, huấn luyện các kíp chiến đấu, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng quyết tâm, công tác bảo đảm vũ khí, khí tài, bảo đảm cơ sở vật chất… cơ bản bảo đảm đúng thời gian quy định.

Sau khi thông qua kế hoạch tác chiến, Bộ Tổng tham mưu khẩn trương điều chỉnh lực lượng, xây dựng thế trận của lực lượng phòng không ba thứ quân, chuẩn bị kế hoạch phòng không nhân dân, sẵn sàng đối phó với âm mưu, thủ đoạn mới của địch. Theo chỉ thị của Bộ Tổng tư lệnh, Đảng ủy Quân chủng Phòng không - Không quân tiến hành một đợt sinh hoạt chính trị trong toàn lực lượng, làm cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc hơn về âm mưu thâm độc của kẻ thù, nhất là thủ đoạn sử dụng máy bay B.52 đánh phá quy mô lớn ở miền Bắc, trọng tâm là Hà Nội, Hải Phòng. Từ đó, động viên tinh thần của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị quân, binh chủng xây dựng quyết tâm, kế hoạch đánh B.52.

Trong quá trình xây dựng và hoàn chỉnh kế hoạch đánh B.52, Bộ Tổng tham mưu và Quân chủng Phòng không - Không quân thống nhất nhận định việc Mỹ sử dụng B.52 đánh vào một số mục tiêu ở Hà Nội; đầu tiên sẽ là các sân bay, sở chỉ huy phòng không các cấp, các trận địa tên lửa, pháo phòng không, sau đó sẽ là các chân hàng, kho tàng, đầu mối giao thông, nhà máy điện, khu công nghiệp. Địch còn có thể đánh thẳng vào trung tâm đầu não chỉ đạo, chỉ huy của Trung ương Đảng, Bộ Quốc phòng. Bộ Tổng tham mưu và Quân chủng Phòng không - Không quân xác định bộ đội tên lửa và không quân là lực lượng chủ yếu đánh B.52. Pháo cao xạ và súng máy phòng không chủ yếu đánh máy bay chiến thuật các loại.

Song song với công tác tổ chức và bảo đảm lực lượng chiến đấu, quân đội còn phối hợp với nhân dân làm tốt công tác phòng không, sơ tán, bảo đảm an toàn về người và vật chất. Nhiều trường học, nhà trẻ, bệnh viện, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp được di dời khỏi trọng điểm đánh phá, được bố trí dưới hầm sâu, địa đạo. Đặc biệt, trên cơ sở đường lối chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân, một thế trận phòng không nhân dân với lực lượng phòng không - không quân là nòng cốt đã được hình thành và từng bước hoàn chỉnh.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, quân và dân miền Bắc đã cùng cả nước bước vào cuộc trường chinh chống Mỹ, đương đầu với sự đánh phá ác liệt của không quân, hải quân Mỹ trên tư thế hiên ngang, ngẩng cao đầu. Với tầm nhìn chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự chủ động của quân và dân miền Bắc trong mọi tình huống, không bị bất ngờ trước quy mô và thủ đoạn đánh phá của địch đã tạo nên kỳ tích Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động đón nhận cuộc "thử lửa"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.