Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động sơ tán dân

Nguyễn Thành Trung| 12/12/2017 06:04

(HNM) - Đón trước việc địch sẽ đánh phá ác liệt nên Đảng bộ, quân và dân Thủ đô Hà Nội đã bình tĩnh, chủ động đề ra nhiều biện pháp phòng không nhân dân đạt hiệu quả cao.

Một lớp học tại nơi sơ tán. Ảnh tư liệu


Thủ đô Hà Nội là nơi tập trung nhiều cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, trường học của trung ương và thành phố nên là mục tiêu chủ yếu của không quân Mỹ. Nắm bắt được tình hình nên quan điểm chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội là trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào cũng phải quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quan điểm chỉ đạo của Đảng, tuyệt đối nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, chủ động, tích cực chuẩn bị thật tốt tinh thần, lực lượng, hậu cần để chiến đấu và phục vụ chiến đấu đánh thắng kẻ thù.

Ngày 16-4-1972, Mỹ oanh tạc Hà Nội, Hải Phòng, mở đầu chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai. Lập tức, Hà Nội gấp rút chuyển sang thời đoạn cách mạng mới. Để làm tròn trọng trách được giao, công tác phòng không nhân dân được Thành ủy coi là một trong những nhân tố quan trọng hàng đầu góp phần vào thắng lợi. Việc làm tốt công tác phòng không nhân dân bao gồm sơ tán dân, xây dựng hệ thống hầm hào vững chắc… sẽ góp phần tăng thêm sức chiến đấu cho các lực lượng vũ trang Thủ đô.

Ngày 27-4-1972, Ban Thường vụ Thành ủy ra Nghị quyết về công tác phòng không nhân dân, chuẩn bị sơ tán để sẵn sàng chiến đấu, yêu cầu Ủy ban Hành chính, Hội đồng Phòng không các cấp vận động, đôn đốc, đưa khoảng 30 vạn người ra khỏi nội thành. Trước đó, Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy ngày 20-6-1972 nêu rõ: “Trong cuộc đấu tranh hiện nay, Hà Nội ta có vị trí rất quan trọng, mỗi thắng lợi của Hà Nội có ảnh hưởng chung đến cả miền Bắc, đến cả nước. Vì vậy, Đảng bộ và nhân dân thành phố phải nhận rõ trách nhiệm của mình, quyết cùng cả nước xốc tới, kiên quyết tiến lên làm tròn nhiệm vụ của mình, quyết giành thắng lợi”.

Trên cơ sở đó, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo Hội đồng Phòng không nhân dân phải củng cố và kiện toàn từ thành phố xuống 4 khu phố nội thành và 4 huyện ngoại thành. TP Hà Nội chủ động phối hợp với các cơ quan trung ương nhanh chóng thống nhất chủ trương, triển khai kế hoạch sơ tán người và tài sản của các cơ quan, xí nghiệp, nhà máy, trường học ra khỏi nội thành trong thời gian ngắn. Các khu vực trọng điểm, các khu đông dân cư, kho hàng lớn được ưu tiên sơ tán trước. Thành ủy cũng chỉ đạo sát sao, yêu cầu các ngành thương nghiệp, văn hóa, giáo dục bảo đảm nhu cầu thiết yếu về lương thực, thực phẩm cho nhân dân đi sơ tán và các em học sinh tiếp tục học tập ở các địa phương.

Đến giữa năm 1972, các địa phương thuộc tỉnh Hà Tây (cũ): Ứng Hòa, Thường Tín, Quốc Oai, Thạch Thất, Sơn Tây… đã đón nhận hàng chục vạn người ở 1.200 cơ quan, trường học, nhà máy của trung ương và thành phố về sơ tán. Thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Thành ủy, sơ tán cấp tốc người già, trẻ em, những người dân không trực tiếp chiến đấu và những cơ sở công nghiệp ra khỏi nội thành, từ ngày 2 đến 18-12-1972, các khu phố nội thành sơ tán khoảng 20 vạn người. Trước tình hình cuộc chiến ngày càng ác liệt hơn, ngày 24-12-1972, Ban Thường vụ Thành ủy đã ra quyết định kiên quyết sơ tán hết dân, chỉ để lại 10.000 dân quân, tự vệ trong khu vực nội thành tham gia chiến đấu. Như vậy, từ tháng 4-1972 đến ngày 29-12-1972, tổng số các đợt sơ tán đã có hơn 50 vạn người trong tổng số 65 vạn dân số nội thành di chuyển ra khỏi nội đô.

Để cuộc sơ tán được nhanh chóng, Hà Nội đã huy động hàng trăm phương tiện từ tàu điện, tàu hỏa, xe ca, xe tải, xe khách. Tiếng loa vận động, kêu gọi mọi người dân tạm thời rời trung tâm thành phố để tránh thương vong vang lên khắp phố phường Hà Nội. Bên cạnh đó, ngành Giao thông luôn đề cao trách nhiệm duy trì, bảo đảm hệ thống giao thông thông suốt. Các nhà ga, cầu cảng đầu mối như: Đông Anh, Yên Viên, Giáp Bát… mặc dù thường xuyên bị địch đánh phá nhưng công nhân vẫn duy trì hoạt động, bảo đảm các hoạt động vận chuyển. Thành ủy Hà Nội, Ủy ban Hành chính thành phố đã chỉ đạo Sở Giao thông phối hợp với các tỉnh lân cận triển khai thêm 6 bến đò dã chiến, 50 bến đò ngang cho người đi bộ. Lực lượng của ngành Giao thông - vận tải phối hợp với Trường Đại học Bách khoa, bộ đội công binh, dân quân, tự vệ đi rà phá bom chưa nổ, thủy lôi do Mỹ thả xuống các sông để bảo đảm an toàn.

Song song với công tác sơ tán, việc phân tán tài sản của các cơ quan, trường đại học, các nhà máy, xí nghiệp, kho hàng… cũng được Thành ủy chỉ đạo Ủy ban Hành chính các cấp gấp rút thực hiện để duy trì mọi hoạt động của guồng máy ở nơi sơ tán, làm hậu phương vững chắc cho quân dân thành phố chiến đấu. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến phân tán các kho lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, các kho chứa hóa chất, chất dễ cháy, bảo đảm an toàn, hợp lý, hạn chế thấp nhất thiệt hại do máy bay địch bắn phá.

Ngoài ra, Hà Nội cũng chuyển hướng sản xuất công nghiệp sang thời chiến với 17 xí nghiệp địa phương, gần 200 hợp tác xã thủ công và 128 tổ sản xuất được đưa ra khỏi thành phố. Cùng với đó, mạng lưới thương nghiệp cũng được mở rộng ra ngoại thành và các tỉnh lân cận với gần 500 điểm bán hàng mới. Tuy có sự xáo trộn lớn, nhưng Hà Nội vẫn duy trì tốt chế độ trực ban, trực chiến, nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu dũng cảm để bảo vệ vững chắc Thủ đô. Kế hoạch phòng tránh máy bay ném bom, đào hầm trú ẩn, bảo đảm sản xuất, cung ứng đủ điện nước và các nhu cầu thiết yếu khi không quân địch đánh phá được thành phố gấp rút triển khai.

Toàn thành phố đã thành “chiến trường” đặc biệt với hàng nghìn kilômét giao thông hào, hơn 40 vạn hố cá nhân bảo đảm đủ chỗ trú ẩn cho 90 vạn người. Hệ thống thông tin liên lạc bằng vô tuyến, hữu tuyến, còi báo động nội thành được thống nhất theo lệnh của Hội đồng Phòng không thành phố truyền đi khắp các ngõ phố đã có tác dụng rất tốt cho mọi người tránh máy bay, dân quân, tự vệ sẵn sàng chiến đấu. Công tác bảo đảm giao thông vận tải được tăng cường, hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường sông được duy tu, nâng cấp, củng cố, mở rộng, các bến xe, nhà ga, cầu phà, bến bãi ở các sông lớn đều có hệ thống báo động, hầm trú ẩn, nhiều cầu phao, bến phà được xây dựng mới bảo đảm giao thông thông suốt…

Sự chuẩn bị chu đáo của Thủ đô Hà Nội là một trong những thành công lớn, góp phần làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Không những thế, chủ trương này còn có ý nghĩa lâu dài trong việc khôi phục lại đời sống nhân dân sau chiến tranh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động sơ tán dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.