Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bế mạc phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Hiền Thu| 12/01/2018 07:07

(HNM) - Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến đối với 3 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết và một số nội dung quan trọng khác.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc phiên họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)


Cụ thể, đối với 3 dự án luật (Luật Quốc phòng (sửa đổi), Luật An ninh mạng, Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt), hiện một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các ủy ban của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp này cũng như tiếp tục xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học để hoàn chỉnh các dự án luật gửi đến các đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức thảo luận, lấy ý kiến ở địa phương; đồng thời sẽ trình hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách vào đầu tháng 4-2018…

* Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Một số ý kiến cho rằng, nên áp dụng phương án tổ chức đồng thời hội đồng đặc khu, ủy ban đặc khu và hội đồng tư vấn. Người đứng đầu ủy ban đặc khu có thể gọi là trưởng đặc khu, còn hội đồng tư vấn như một cơ quan phản biện với trưởng đặc khu. Bên cạnh đó, cần xây dựng quy trình xử lý trưởng đặc khu một cách rõ ràng. Về các chính sách liên quan đến đất đai tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, một số ý kiến cho rằng, để tạo cơ chế thu hút đầu tư, các chính sách đất đai tại đây cần có sự hấp dẫn, vượt trội so với quy định của pháp luật hiện hành và bảo đảm cạnh tranh quốc tế. Tuy nhiên, cần thận trọng, tính toán mức độ ưu đãi hợp lý để tránh sự lạm dụng, thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước.

Góp ý kiến vào nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, tinh thần chung là xây dựng mô hình đặc khu kinh tế có tổ chức gọn nhẹ, nhưng phải bảo đảm nguyên tắc kiểm soát quyền lực, không vi hiến, không trái nghị quyết của trung ương, đồng thời bảo đảm cho sự phát triển.

Phát biểu kết thúc thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, dự án luật này chỉ làm thí điểm đối với ba đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là: Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Những cơ chế, chính sách ở những đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt phải là đặc thù, trên tinh thần không trái với Hiến pháp, không trái với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc cam kết, ký kết, song phải luôn bảo đảm tính hợp lý trong điều kiện kinh tế, chính trị của đất nước. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp thu, hoàn thiện dự án luật để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

* Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo về công tác triển khai, việc phân công chuẩn bị Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện Châu Á - Thái Bình Dương (APPF-26). 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bế mạc phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.