Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những bài học vô giá cho hôm nay

Thiếu tướng Bùi Thanh Sơn| 31/01/2018 06:58

(HNM) - Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 diễn ra trong lúc kẻ thù còn đang rất mạnh. Mặc dù có nhiều khó khăn và thách thức, nhưng quân và dân ta đã phát huy cao nhất chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sáng tạo tìm ra cách đánh để giành thắng lợi.


Sức mạnh của “thế trận lòng dân”

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 diễn ra trong lúc kẻ thù còn hơn một triệu quân, trong đó có hơn 50 vạn quân Mỹ cùng nhiều phương tiện tác chiến rất hiện đại. Để tạo ra sức mạnh đánh thắng quân thù, ta đã xây dựng tinh thần quyết đánh và ý chí quyết thắng, nhằm phát huy cao nhất chủ nghĩa anh hùng cách mạng; sáng tạo tìm ra cách đánh, kết hợp chặt chẽ giữa tiến công quân sự với nổi dậy giành quyền làm chủ của nhân dân. Chính cách đánh sáng tạo này đã hình thành nên nét đặc sắc của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại Sài Gòn - Gia Định.

Trước hết, Đảng ta đã nhạy bén nắm bắt thời cơ, kịp thời đề ra chủ trương chiến lược đúng đắn trong chỉ đạo chiến tranh. Năm 1968 là lúc ta đã hội tụ đủ các điều kiện về chính trị, quân sự, ngoại giao để mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy. Nếu triển khai sớm, ta chưa đánh thắng hai cuộc phản công của địch vào năm 1965-1966 và 1966-1967 thì Mỹ sẽ không chịu thua bởi chúng còn thời gian để triển khai chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Nếu để cuộc tiến công sau khi Mỹ bầu cử tổng thống thì áp lực quân sự khó làm rung chuyển nước Mỹ. Đặc sắc hơn, Đảng ta chọn thời điểm mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy vào dịp Tết Nguyên đán - đúng đêm Giao thừa - thời điểm địch dễ sơ hở chủ quan. Hơn nữa, vào lúc này, lực lượng quân đội chính quyền Sài Gòn chỉ còn khoảng 50% quân số có mặt tại đơn vị nên rất thuận lợi cho ta đánh chiếm các mục tiêu.

Nét đặc trưng nữa là Đảng đã chọn hướng công kích chủ yếu là các thành thị, nhất là các thành phố lớn: Sài Gòn - Gia Định, Đà Nẵng, Huế. Đây là những mục tiêu táo bạo, bất ngờ nhằm đánh hiểm, đánh đau, đánh vào yết hầu, vào “trung ương thần kinh" của địch. Để thực hiện đòn đánh quyết định này, Đảng đã phát huy sức mạnh của “thế trận lòng dân” bằng cách đưa lực lượng vũ trang giải phóng hỗ trợ cho nhân dân các địa phương đồng loạt nổi dậy đánh vào bộ máy kìm kẹp của địch ở khắp các vùng nông thôn, đồng bằng, miền núi; tiêu diệt và phá hủy một lực lượng lớn sinh lực địch, phương tiện chiến tranh, làm đảo lộn chiến lược quân sự của Mỹ, chính quyền Sài Gòn.

Chủ nghĩa anh hùng cách mạng được thể hiện trong chuẩn bị cũng như quá trình đánh địch. Trong chuẩn bị, mặc dù kẻ thù lùng sục và kiểm soát rất gắt gao, các tầng lớp nhân dân đã sáng suốt tận dụng các phương tiện vận chuyển hàng hóa dịp Tết, khéo ngụy trang để che mắt địch, đưa hàng trăm tấn vũ khí vào cất giấu tại các thành phố, thị xã. Được sự giúp đỡ tận tình của nhân dân, lực lượng vũ trang đã bí mật đưa lực lượng vào ém sẵn, sát gần các mục tiêu tiến công. Kế hoạch chỉ huy và hiệp đồng được phổ biến tới từng bộ phận, tạo thuận lợi để quân và dân ta bước vào tác chiến.

Trong quá trình đánh địch, ta đã kết hợp chặt chẽ giữa tiến công quân sự với nổi dậy giành quyền làm chủ của nhân dân. Đúng giờ Giao thừa Tết Mậu Thân, ta đã đồng loạt đánh thẳng vào các mục tiêu hiểm yếu nhất của địch, như: Dinh Độc Lập, tòa Đại sứ Mỹ, Bộ Tổng tham mưu Ngụy… Cùng phối hợp, lực lượng chính trị đã phát động quần chúng nổi dậy đấu tranh giành chính quyền. Nhiều trận đánh đã diễn ra rất quyết liệt. Không khuất phục trước bom đạn kẻ thù, quân và dân ta vừa kiên cường chiến đấu, vừa anh dũng vùng lên đấu tranh, đánh lui nhiều đợt phản kích của địch, bảo vệ hệ thống chính quyền, giữ vững các thành phố và thị xã trong nhiều ngày đêm.

Choáng váng trước sức mạnh tiến công dũng mãnh và táo bạo của ta, Tổng thống Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc, chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán ở Paris, từng bước rút quân Mỹ về nước. Chiến thắng đó chứng minh rõ sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nhân tố quan trọng để ta tìm ra cách đánh, làm tăng sức mạnh của chiến tranh nhân dân đánh thắng kẻ thù giành thắng lợi.

Phát huy cao nhất chủ nghĩa anh hùng cách mạng

Ngày nay, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tình hình trong nước và thế giới đang có cả thuận lợi, thời cơ, khó khăn và thách thức. Các nguy cơ và tình huống chiến lược mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn đang tồn tại, diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường. Vì vậy, quân và dân cả nước cần phát huy cao nhất chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sáng suốt tìm ra nhiều giải pháp để tổ chức thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Trong xây dựng, ta phải coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Nhân tố quyết định để ta phát huy sức mạnh toàn dân, kết hợp với mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế; tiến hành thành công sự nghiệp đổi mới, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Từ đó tạo ra cơ sở vững chắc để xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; có đủ sức mạnh làm nòng cốt cùng toàn dân xây dựng và củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân trong thời kỳ mới. Đây là nhân tố vô cùng quan trọng, làm tăng sức mạnh để đấu tranh thúc đẩy các yếu tố thuận lợi, giảm khó khăn, thách thức; ngăn ngừa, đẩy lùi các nguy cơ và tình huống không có lợi.

Trong bảo vệ Tổ quốc, quân và dân ta cần vận dụng linh hoạt, sáng tạo nhiều giải pháp, lấy đấu tranh bằng biện pháp hòa bình là chính. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng để ta giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, Tổ quốc, Đảng, Nhà nước và nhân dân. Qua đó góp phần giữ vững môi trường hòa bình và ổn định, nâng cao vị thế nước ta trong khu vực cũng như trên thế giới.

Cùng bạn đọc!

Ngày này 50 năm trước, Đảng ta đã có quyết định chiến lược đúng đắn là mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 trên toàn chiến trường miền Nam. Nhằm khắc họa đậm nét, trung thực, khách quan, góp phần giúp bạn đọc hiểu rõ về một trang hào hùng của lịch sử dân tộc, từ ngày 18-1-2018 đến nay, Báo Hànộimới mở chuyên mục “Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968: Bước ngoặt của chiến tranh Việt Nam”. Từ ngày 1-2-2018, Báo sẽ khép lại chuyên mục nêu trên và duy trì các chuyên mục như thường lệ.

Chuyên mục khép lại nhưng tin tưởng rằng, tinh thần bất diệt của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 sẽ mãi ngân vang trong mỗi người dân, từ đó phát huy truyền thống anh hùng, tích cực đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước hôm nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những bài học vô giá cho hôm nay

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.