Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành ủy Hà Nội và Ban Tổ chức Trung ương sơ kết 1 năm thực hiện Chương trình phối hợp công tác

T.Hương - Ảnh: Viết Thành| 09/02/2018 15:32

(HNMO) - Chiều ngày 9-2, Thành ủy Hà Nội và Ban Tổ chức Trung ương đã tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2017-2020.

Tham gia hội nghị về phía Ban Tổ chức Trung ương có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Hà Ban, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương; lãnh đạo các cục, vụ và Văn phòng Ban Tổ chức Trung ương.

Về phía Thành ủy Hà Nội có các đồng chí: Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố; Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy; các ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo Ban Tổ chức Thành ủy, Văn phòng Thành ủy Hà Nội.


Quang cảnh hội nghị.


Có nội dung được triển khai sớm hơn so với kế hoạch của cả giai đoạn

Trình bày báo cáo sơ kết 1 năm thực hiện Chương trình phối hợp công tác giữa Ban Tổ chức Trung ương và Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho biết, căn cứ đặc điểm, tình hình xây dựng, phát triển của thành phố và thực tiễn công tác tổ chức xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong toàn Đảng bộ thành phố Hà Nội, hai bên đã thống nhất triển khai 7 nội dung công việc trong năm 2017. 

“Mặc dù đây là năm đầu tiên triển khai thực hiện Chương trình phối hợp, các đơn vị chức năng của hai cơ quan đã chủ động, tham mưu triển khai các nội dung, trong đó có những nội dung đã hoàn thành, cơ bản hoàn thành, có nội dung được triển khai sớm hơn so với kế hoạch của cả giai đoạn”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nói.

Việc triển khai thực hiện các nội dung đã bám sát theo chương trình phối hợp công tác và kế hoạch thực hiện chương trình phối hợp công tác giữa hai bên. Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội chủ động, tích cực trong việc triển khai các nội dung phối hợp; hình thức phối hợp tương đối linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn (trao đổi trực tiếp, bằng điện thoại, email…).

Báo cáo nêu rõ kết quả thực hiện các nhóm nội dung theo kế hoạch, gồm: Công tác tổ chức, bộ máy, biên chế; công tác cán bộ; tổ chức cơ sở đảng và đảng viên. Trong đó, về công tác cán bộ, thành phố Hà Nội đã đề xuất bổ sung 5 đối tượng tinh giản biên chế; bổ sung cơ chế hỗ trợ tài chính cho đối tượng tự nguyện tinh giản biên chế, tự nguyện ra khỏi biên chế ngoài chế độ của Trung ương, từ nguồn ngân sách của địa phương. Về tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, Ban Thường vụ Thành ủy giao Ban Tổ chức Thành ủy thực hiện đề tài khoa học “Đổi mới mô hình, nội dung, phương thức lãnh đạo của tổ chức đảng tổng công ty trực thuộc Đảng bộ thành phố Hà Nội trong giai đoạn mới”, triển khai chuyên đề “Đánh giá thực trạng đảng bộ bộ phận thuộc đảng ủy xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội”…

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra một số khó khăn, hạn chế như: Một số nội dung về tổ chức bộ máy, biên chế chưa được triển khai trong năm 2017 do trùng với thời điểm triển khai xây dựng Đề án trình Hội nghị Trung ương 6; việc phối hợp giữa Ban Thường vụ Thành ủy và Ban Tổ chức Trung ương nói chung cũng như các cơ quan tham mưu giúp việc của Ban Thường vụ Thành ủy với các vụ, cục, đơn vị chuyên đề của Ban Tổ chức Trung ương chưa thường xuyên, liên tục; vai trò điều phối, đầu mối phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin của Văn phòng Ban Tổ chức Trung ương và Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội chưa phát huy hiệu quả…

Tiếp tục Chương trình phối hợp giữa hai bên trong thời gian tới, Hà Nội đề nghị Ban Tổ chức Trung ương cử những chuyên gia có kinh nghiệm, giới thiệu mô hình mới, cách làm hay của địa phương cả trong và ngoài nước nhằm giúp Hà Nội thực hiện có hiệu quả khi mà thời gian tới Hà Nội sẽ triển khai một số nội dung mới khó về công tác tổ chức bộ máy, công tác cán bộ như xây dựng chính quyền đô thị, thí điểm nhất thể hóa một số chức danh…; bố trí 1 chức danh công chức cấp xã chuyên trách Văn phòng Đảng ủy đối với các đảng bộ xã, phường, thị trấn có trên 2.000 đảng viên; sửa đổi Luật Thủ đô theo hướng tăng thẩm quyền, tự chủ, đẩy mạnh phân cấp, tự chủ; quan tâm, tạo điều kiện, cử cán bộ giúp đỡ để thành phố nghiên cứu xây dựng Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị…

Trong năm 2018, nhiệm vụ theo Chương trình đã được ký kết là: Thí điểm nhất thể hóa một số chức danh lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị ở cấp huyện, cấp xã (tiếp tục nhiệm vụ từ năm 2017); Xây dựng kế hoạch điều động, luân chuyển cán bộ cấp phòng trở lên giữa Ban Tổ chức Trung ương và Thành ủy Hà Nội; Đổi mới mô hình, nội dung, phương thức lãnh đạo của tổ chức đảng tổng công ty trực thuộc Đảng bộ TP Hà Nội trong giai đoạn mới…

Toàn thành phố đã tinh giản được hơn 1.500 biên chế


Về kết quả thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW, 19-NQ/TW của hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo cho biết, Thành phố đã cơ bản hoàn thành công tác rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy. Sau rà soát, sắp xếp toàn thành phố giảm 59 phòng, ban; giảm 39 trưởng phòng, ban, 143 phó phòng, ban; giảm 130 đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở; giảm 27 Ban Quản lý dự án, 2 Quỹ, giảm 30 cấp trưởng, 69 cấp phó tại các Ban Quản lý dự án và Quỹ.

Tại các quận, huyện, thị xã, đã hoàn thành phương án tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, huyện, thị xã và sắp xếp các đơn vị sự nghiệp trực thuộc; sau sắp xếp dự kiến giảm được 128 đầu mối đơn vị. Toàn thành phố đã tinh giản được 1.549 biên chế, gồm 564 biên chế công chức, 668 biên chế viên chức do sắp xếp tổ chức bộ máy, 317 biên chế theo phương án chuyển đơn vị sự nghiệp sang công ty cổ phần…

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo cho rằng, việc thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW còn một số hạn chế như việc sắp xếp và cơ cấu lại chức năng, tổ chức bộ máy của một số đơn vị sự nghiệp khối đoàn thể chưa hoàn thành; chưa có phương án sắp xếp, đào tạo hoặc giải quyết tinh giản biên chế đối với một số trường hợp lao động dôi dư sau khi thực hiện đề án vị trí việc làm tại các cơ quan, đơn vị…Tiếp đến, hội nghị đã thảo luận để đưa ra các giải pháp thực hiện phối hợp giữa hai bên hiệu quả. 

Ban Tổ chức Trung ương sẽ hỗ trợ Hà Nội xây dựng Đề án thí điểm chính quyền đô thị


Phát biểu tại hội nghị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính chúc mừng Hà Nội có một năm thành công về mọi mặt, góp phần vào thành công chung của đất nước. Theo Trưởng ban Tổ chức Trung ương, công tác xây dựng đảng của Hà Nội luôn được quan tâm chú trọng và đồng chí rất có ấn tượng với kết quả xây dựng đảng của Hà Nội.

Về việc phối hợp công tác giữa hai bên, cơ bản sau 1 năm thực hiện, việc phối hợp là tương đối tốt và có kết quả. Ban Tổ chức Trung ương sẽ có tổ phối hợp với Thành ủy Hà Nội, với cơ cấu đầy đủ các thành viên đầu mối của Ban Tổ chức Trung ương, sẽ hỗ trợ Hà Nội xây dựng Đề án thí điểm chính quyền đô thị. Trưởng ban Tổ chức Trung ương cũng giải đáp các đề xuất, kiến nghị của Hà Nội, trong đó đồng chí khuyến khích Hà Nội phân cấp đối ta cho cấp dưới.

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cảm ơn sự chủ động, trách nhiệm của Ban Tổ chức Trung ương với phương châm hướng đến cơ sở, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho cơ sở. Đồng chí Hoàng Trung Hải tiếp thu các ý kiến, đề xuất của các vụ, cục Ban Tổ chức Trung ương về việc phối hợp với Hà Nội để thực hiện Chương trình phối hợp công tác; đồng thời rất đồng tình về việc đưa ra đầu việc cụ thể với người phụ trách cụ thể.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, nhiệm vụ trong năm 2018 của Hà Nội rất nặng nề, Hà Nội đã làm xong công tác quy hoạch cán bộ. Vì vậy, Hà Nội rất mong sự hỗ trợ của Ban Tổ chức Trung ương trong thời gian tới.

Về Đề án thí điểm chính quyền độ thị, đồng chí Hoàng Trung Hải cho rằng, việc này được hiểu khác nhau nhưng chính quyền đô thị không phải chỉ là cơ chế đặc thù mà là mô hình hoạt động bền vững, từ đó áp dụng ở những địa phương khác. Vì vậy, Hà Nội rất cần sự tham gia hỗ trợ của Ban Tổ chức Trung ương về vấn đề này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành ủy Hà Nội và Ban Tổ chức Trung ương sơ kết 1 năm thực hiện Chương trình phối hợp công tác

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.