Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải gặp gỡ, tiếp xúc với nông dân Thủ đô

Bảo Hân - Ảnh: Viết Thành| 27/02/2018 08:13

(HNMO) - Sáng 27-2, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã chủ trì buổi gặp gỡ, tiếp xúc với nông dân Thủ đô về tình hình tổ chức, kết quả hoạt động công tác hội và phong trào nông dân Thủ đô tham gia phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.


Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải tìm hiểu quy trình sản xuất tại HTX rau quả sạch Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ.


Cùng dự buổi gặp gỡ có Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân Việt Nam Lều Vũ Điều; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội: Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Vũ Hồng Khanh; Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu; Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Lan Hương; Thành ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà; cùng đại diện các sở, ban ngành của thành phố.

Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Dương Thị Hằng, năm 2017, với khối lượng công việc nhiều, có những nhiệm vụ mới, khó; điều kiện thực hiện còn nhiều khó khăn, thách thức, các cấp Hội nông dân thành phố đã phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực đạt nhiều kết quả nổi bật:

Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững được các cấp hội tiếp tục triển khai sâu, rộng; vận động hơn 277.000 hộ hội viên đăng ký danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Cuối năm bình xét có trên 175.000 hộ đạt danh hiệu (đạt 63% so với số đăng ký).

Quỹ hỗ trợ nông dân thành phố đã thu hồi 125,495 tỷ đồng vốn đến hạn của trên 11.000 hộ tham gia 292 dự án; chỉ đạo giải ngân giám sát 389 dự án với số tiền 136,367 tỷ đồng cho 8.344 hội viên vay; triển khai mới 30 mô hình điểm vay vốn (trong đó có 18 mô hình kinh tế tập thể).

Hội phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện uỷ thác cho các hộ nghèo và các đối tượng chính sách, tính đến hết tháng 11-2017, tổng dư nợ đạt trên 1.252 tỷ đồng cho 56.487 hộ vay vốn.

Thực hiện phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, các cấp Hội chỉ đạo xây dựng 469 mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn; các chi hội đã nhận 2.174 đoạn đường tự quản bảo vệ môi trường; phối hợp tổ chức hàng chục nghìn lớp truyền thông, tập huấn tới hàng trăm nghìn hội viên, nông dân về công tác bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, xây dựng nông thôn mới.


Quang cảnh buổi gặp gỡ, tiếp xúc với nông dân Thủ đô của Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải.


Những tồn tại, hạn chế cũng được chỉ ra là công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cấp Hội trong việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên nông dân có lúc, có nơi chưa kịp thời. Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động ở một số cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu. Tại một số ít cơ sở, cán bộ Hội chưa chủ động tham mưu với cấp uỷ giải quyết những băn khoăn, bức xúc của nông dân, đề xuất trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn...


Cũng tại buổi gặp gỡ, đại diện Hội Nông dân thành phố đã nêu các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2018 và một số đề xuất, kiến nghị với Thành ủy, UBND thành phố nhằm góp phần giải quyết nhu cầu về vốn để triển khai kế hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh, tham gia xây dựng nông thôn mới; tạo điều kiện và phát huy vai trò của Hội trong xúc tiến thương mại, giới thiệu và tiêu thụ nông sản...

Sản phẩm có nhãn hiệu nhưng sức tiêu thụ còn khó khăn 

Là người đầu tiên nêu các kiến nghị, đề xuất tại buổi gặp gỡ, ông Trần Đình Thành, Chủ tịch Hội chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì mong muốn thành phố có một số chính sách hỗ trợ cụ thể với các mô hình kinh tế, chuỗi liên kết trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Theo ông Thành, hiện nay nhiều sản phẩm có nhãn hiệu dù đã được công nhận nhưng sức tiêu thụ còn khó khăn.


Ông Nguyễn Hữu Hiền, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ.


Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Hữu Hiền, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ nêu thực trạng sản xuất nông nghiệp tại nhiều địa phương vẫn manh mún, nhỏ lẻ, chưa liên kết và chưa tìm được nhiều đầu ra.  Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Hiệp kiến nghị thành phố quan tâm hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm truyền thống, được duy trì nhiều năm cũng như hỗ trợ sản xuất tem mác, nhãn hiệu, tạo niềm tin cho người tiêu dùng; thường xuyên tư vấn, cung cấp cho nông dân các kiến thức để đăng ký nhãn hiệu bảo hộ cho thương hiệu, sản phẩm của mình.

"Từ thực tế tổ chức khu chăn nuôi 70.000-80.000 con lợn từ năm 2010, tôi gặp nhiều khó khăn về thủ tục vay ngân hàng. Khi đó, phòng Tài nguyên Môi trường đã nêu ra tiêu chí vay vốn phải có "sổ đỏ" nhưng tại xã, số hộ có "sổ đỏ" chỉ đếm trên đầu ngón tay. Khi đi làm các thủ tục, tôi cũng gặp nhiều khó khăn về giấy tờ" - ông Nguyễn Văn Luân, Hội viên Hội Nông dân xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây chia sẻ.

Trên cơ sở đó, ông Luân đề nghị phòng Tài nguyên Môi trường thị xã bãi bỏ bớt các giấy phép "con" để ủng hộ người chăn nuôi, bởi nếu không, nhiều hộ sẽ lâm vào cảnh không thể hoạt động, dẫn đến vỡ nợ.

Một số đại biểu khác kiến nghị về tình trạng nước thải gây ô nhiễm ảnh hưởng đến nguồn nước sản xuất, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm sông Đáy, sông Nhuệ, sông Vân Đình... Đại diện Hội Nông dân huyện Ứng Hòa đề nghị thành phố xây dựng trạm kiểm soát nước thải, xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến người dân; khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong giám sát ô nhiễm nguồn nước...

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải trao đổi với các đại biểu nông dân.

"Cứ có sản phẩm tốt là tiêu thụ được!"

Đó là khẳng định của bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội trong phần giải đáp thắc mắc, kiến nghị của đại diện các hợp tác xã và nông dân. 

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương, tại Hà Nội, lượng tiêu thụ sản phẩm rất lớn, trong khi đó sản xuất của nông dân chỉ đáp ứng con số nhỏ so với nhu cầu tiêu thụ của người dân (ví dụ đáp ứng 65% nhu cầu về gạo, 66% nhu cầu trứng gia cầm; 30% nhu cầu trái cây; 15% về thịt bò và  3,8-5% về thuỷ hải sản).

Lý giải những nguyên nhân khiến nông sản của Hà Nội gặp khó khi tiêu thụ tại chính thị trường Thủ đô, bà Trần Thị Phương Lan cho rằng đó là do các vùng trồng cây an toàn, vùng sản xuất còn rất ít. Tỷ lệ sản xuất đáp ứng được tiêu chuẩn an toàn chiếm tỷ trọng nhỏ. Các sản phẩm có thể truy xuất được nguồn gốc chỉ đạt 30%. 

Ngoài ra, công tác tuyên truyền, quảng bá cho sản phẩm còn chưa được bài bản. Nhiều huyện có trang quảng cáo nhưng chưa chính thống, rộng rãi để thông tin đến được người tiêu dùng; nhiều đơn vị chưa quan tâm nhiều đến xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu tập thể... 

Phó Giám đốc Sở Công Thương mong muốn, Hội Nông dân thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp, cung cấp danh sách sản phẩm đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn an toàn để có sự kết nối bài bản, đưa vào kênh phân phối, bán lẻ hiện đại.

Ngoài ra, trong thời gian tới, ngành  Công Thương sẽ tham mưu cho UBND TP Hà Nội tăng cường xúc tiến thương mại để đưa sản phẩm vào các kênh phân phối như siêu thị, chợ đầu mối....

Tiếp thu ý kiến đóng góp của ông Nguyễn Văn Luân, Hội viên Hội Nông dân xã Cổ Đông (thị xã Sơn Tây), Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Nguyễn Minh Mười khẳng định, đó là thiếu sót của cán bộ tài nguyên môi trường cấp cơ sở khi không hướng dẫn cụ thể về thủ tục cho người dân. Sở sẽ cho kiểm tra cụ thể. 

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Mười cùng Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Đại cũng đã trực tiếp giải đáp hàng loạt kiến nghị, thắc mắc của các đại biểu về các điều kiện, thủ tục vay vốn ngân hàng, xử lý ô nhiễm nguồn nước, sông hồ; tích tụ ruộng đất; xây dựng thương hiệu, nhãn mác; giết mổ gia súc, gia cầm....


Theo Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà, trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2017, HĐND thành phố đã ban hành 4 Nghị quyết riêng khuyến khích sản xuất phát triển nông nghiệp. Trên cơ sở những ý kiến thắc mắc, kiến nghị được nêu tại buổi gặp gỡ, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà đề nghị UBND thành phố rà soát các cơ chế, chính sách đã ban hành để kịp thời điều chỉnh, bổ sung những điểm chưa phù hợp; Ban Kinh tế Ngân sách HĐND thành phố chủ động rà soát và đánh giá lại toàn bộ hệ thống cơ chế chính sách về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Đây sẽ là kênh đấu nối với UBND thành phố trong quá trình rà soát, cùng thảo luận, tìm ra giải pháp tốt nhất để đưa vào thực hiện.

Về kiến nghị thành phố tiếp tục quan tâm bổ sung Quỹ hỗ trợ nông dân, Phó Chủ tịch HĐND thành phố cho biết, năm nay, HĐND thành phố thống nhất đưa vào dự toán bổ sung cho Quỹ 30 tỷ đồng, bảo đảm nguồn vốn cho Hội tiếp cận...


Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân Việt Nam Lều Vũ Điều biểu dương những thành tích mà Hội Nông dân Hà Nội đạt được thời gian qua. Với những hạn chế, khó khăn còn tồn tại, đồng chí mong muốn Thành ủy Hà Nội tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho nông dân phát triển sản xuất và tiêu thụ nông sản, nâng cao đời sống và thu nhập.

Phải giúp người tiêu dùng thấy được "màu cờ sắc áo" trong từng sản phẩm làm ra

Kết luận và phát biểu chỉ đạo, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đề nghị, ngay sau buổi gặp mặt này, UBND thành phố sẽ tiếp thu đầy đủ và có văn bản trả lời từng ý kiến mà đại biểu Hội Nông dân các cấp, lãnh đạo các doanh nghiệp, HTX tiêu biểu và nông dân đã nêu. 



Thay mặt lãnh đạo thành phố, Bí thư Thành ủy ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao kết quả hoạt động và đóng góp tích cực của các hội viên, hội nông dân các cấp cùng chính quyền các cấp đã đạt được trong thời gian qua. Đặc biệt, trong phát triển nông nghiệp, Hà Nội có sự chuyển dịch cơ cấu đạt tốc độ cao so với cả nước... 

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bí thư Thành ủy cũng chỉ rõ một số hạn chế, vướng mắc hiện nay như sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu nhỏ lẻ, chưa đạt được quy mô kinh tế, mở rộng thị trường hay hạ giá thành. Các sản phẩm nông nghiệp mới chỉ đáp ứng được 69% nhu cầu của thành phố. Nhiều mô hình đã thành công nhưng để mở rộng, phát triển sẽ gặp khó khăn nên nhiều năm qua vẫn "nằm im" ở số diện tích và sản lượng hàng năm...

Theo Bí thư Thành uỷ, đã đến lúc người nông dân phải thay đổi tư duy, học nhau cách làm ăn để tạo ra liên kết; đặc biệt phải dành tình yêu cho sản phẩm và giúp người tiêu dùng, cả trong và ngoài nước thấy được "màu cờ sắc áo" trong từng sản phẩm làm ra. 

Trước những bức xúc từ ông Nguyễn Văn Luân, hội viên Hội Nông dân xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây về những khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính trong vay vốn hoặc cấp các giấy chứng nhận, Bí thư Thành uỷ yêu cầu các cấp ngành liên quan cử đoàn xuống kiểm tra ngay. (Xem thêm phát biểu của Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải tại đây)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải gặp gỡ, tiếp xúc với nông dân Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.