Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và tổ chức trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (*)

(*) Đầu đề do Báo Hànộimới đặt.| 30/03/2018 07:14

(HNM) - Phát biểu kết luận của đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội tại hội nghị giao ban Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND TP Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý I-2018, sáng 29-3.


Thực hiện chương trình công tác năm 2018 của Thành ủy, hôm nay, Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND thành phố tổ chức Hội nghị giao ban quý I-2018 với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã với 2 nội dung:

(1) Đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 1-9-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trên địa bàn TP Hà Nội”.

(2) Tình hình, kết quả thực hiện công tác giao đất ở, đất dịch vụ cho hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp trên địa bàn thành phố, mục tiêu, giải pháp thực hiện trong năm 2018.

Đây là các nội dung hết sức quan trọng, nhạy cảm, liên quan đến quyền, lợi ích của các tổ chức, cá nhân, có ảnh hưởng rất lớn, trực tiếp đến sự phát triển, ổn định của thành phố chúng ta.

Tại Hội nghị, Ban Cán sự đảng UBND thành phố đã báo cáo khá đầy đủ tình hình thực hiện Chỉ thị số 09 của Thành ủy về lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tình hình thực hiện công tác giao đất ở, đất dịch vụ trên địa bàn thành phố. Với tinh thần trách nhiệm cao, các đồng chí đại biểu dự Hội nghị đã phát biểu rất sôi nổi, thẳng thắn. Đặc biệt, từ thực tiễn công tác, các đồng chí lãnh đạo huyện, quận đã tiếp tục làm rõ thực trạng, bổ sung được nguyên nhân, đề xuất giải pháp thiết thực nhằm đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất ở, đất dịch vụ cho các hộ gia đình, cá nhân trong thời gian tới trên địa bàn thành phố.

Thay mặt các đồng chí chủ trì Hội nghị, tôi ghi nhận những ý kiến phát biểu và đề xuất của các đồng chí. Tôi xin tổng hợp và trao đổi thêm với các đồng chí một số nội dung cụ thể sau:

Thứ nhất, về thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 1-9-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trên địa bàn TP Hà Nội”.

Nhìn lại bối cảnh, tại thời điểm ban hành Chỉ thị số 09 của Thành ủy, công tác quản lý đất đai nói chung và công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn thành phố có nhiều khó khăn, vướng mắc, phức tạp. Kết quả cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đạt thấp, chưa đáp ứng yêu cầu về quản lý đất đai và nguyện vọng chính đáng của các tổ chức, cá nhân; chất lượng phục vụ của cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ cấp giấy chứng nhận còn có mặt hạn chế; việc ứng dụng công nghệ thông tin còn chậm. Một số cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu chưa nhận thức đầy đủ, thiếu quyết liệt, trong chỉ đạo, điều hành; thủ tục hành chính còn phức tạp.

Qua một năm rưỡi thực hiện Chỉ thị số 09 của Thành ủy, chúng ta khẳng định việc ra Chỉ thị của Thành ủy là rất trúng, rất đúng để khắc phục kịp thời những hạn chế, khuyết điểm nêu trên.

Thay mặt lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, tôi biểu dương và đánh giá cao kết quả và sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, từ HĐND, UBND thành phố đến các sở, ngành liên quan, đặc biệt là Sở Tài nguyên và Môi trường, các quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn đã quyết tâm, triển khai Chỉ thị một cách quyết liệt, hiệu quả: Xây dựng kế hoạch cụ thể, thành lập các tổ công tác liên ngành để tháo gỡ khó khăn từ cơ sở; tạo được sự chuyển biến tích cực, rõ nét trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tính đến ngày 16-3-2018, trên địa bàn thành phố đã thực hiện cấp giấy chứng nhận và đăng ký kê khai đất đai lần đầu đạt 98,9% (1.535.543 thửa/1.551.951 thửa); cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà tại dự án phát triển nhà ở đạt 90,32% (161.028 căn/178.278 căn); cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà tái định cư đạt 92,11% (12.920 căn/14.027 căn); cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân sau dồn điền đổi thửa đạt 99,01% (616.704/622.861 GCN), cấp giấy chứng nhận cho các tổ chức đạt 89,54% (17.233/19.247 thửa đất); cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng đạt 7,19% (359/4.995 thửa đất).

HĐND thành phố đã tổ chức Đoàn giám sát tình hình, kết quả cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng và 8 quận, huyện; HĐND các cấp hằng năm đều đã giao chỉ tiêu cấp giấy chứng nhận, phân bổ kinh phí cho các ngành, các cấp để tổ chức thực hiện và giám sát việc thực hiện. UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 191/KH-UBND, ngày 11-10-2016 về các nhiệm vụ và giải pháp đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thường xuyên tổ chức nhiều hội nghị giao ban với các quận, huyện, thị xã để đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; thành lập các tổ liên ngành, nòng cốt là Sở Tài nguyên và Môi trường để hướng dẫn tất cả 30 quận, huyện, thị xã; ban hành nhiều văn bản, quy định, quyết định để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tăng cường cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, giảm thành phần hồ sơ và thời gian giải quyết; quy định rõ trách nhiệm của các sở, ngành trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Sự phiền người dân đã giảm đáng kể; Thành ủy đã nhận được nhiều bức thư, tin nhắn cảm ơn của người dân, các tổ chức với tình cảm, sự tin tưởng và biết ơn. Đây là những minh chứng, kết quả để chúng ta cần nỗ lực làm tốt hơn nữa công tác, nhiệm vụ có ý nghĩa này.

Tuy nhiên, việc cấp giấy chứng nhận cho một số loại đất trên địa bàn thành phố còn chưa đạt kế hoạch; công tác đăng ký, kê khai đất đai, cấp giấy xác nhận đăng ký đất đai chưa đạt mục tiêu; công tác bán nhà cho người mua nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước còn chậm; công tác quản lý, thống kê, theo dõi đối với quỹ nhà ở thuộc sở hữu nhà nước hạn chế, đến nay một số cơ quan tự quản của Trung ương và Hà Nội chưa bàn giao cho Sở Xây dựng quản lý; việc cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân sau dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp chưa dứt điểm; công tác cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở tôn giáo kết quả đạt thấp; vẫn còn tình trạng tồn đọng hồ sơ chưa được giải quyết kịp thời.

Ngoài những nguyên nhân khách quan, việc cấp giấy chứng nhận cho một số loại đất trên địa bàn thành phố còn chưa đạt kế hoạch còn do một số nguyên nhân chủ quan: Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về đất đai, vận động người dân thực hiện việc đăng ký, kê khai đất đai, cấp giấy chứng nhận chưa cao; ý thức của một bộ phận người dân, chủ sử dụng đất chưa tốt, không tự giác thực hiện trách nhiệm, cố tình chậm trễ trong thực hiện đăng ký, kê khai đất đai theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, chính quyền một số xã, phường, thị trấn, quận, huyện chỉ đạo chưa quyết liệt, chưa tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, chưa kiên quyết xử phạt hành chính đối với những trường hợp cá nhân, hộ gia đình đã được thông báo nhiều lần nhưng không thực hiện trách nhiệm đăng ký, kê khai đất đai theo quy định. Công tác phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn của thành phố với chính quyền quận, huyện, thị xã trong quản lý, kê khai, xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền trên đất chưa thật tốt.

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tôi đề nghị các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội thành phố thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm sau:

1. Về trách nhiệm của cấp ủy các cấp: Chỉ đạo đổi mới và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc vận động người dân thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ đăng ký, kê khai đất đai, cấp giấy chứng nhận theo quy định. Chỉ đạo chính quyền công khai, minh bạch hóa các thông tin quy định, quy trình, thủ tục hồ sơ đăng ký, kê khai đến mọi tổ chức, cá nhân, hộ gia đình để thực hiện. Chỉ đạo tăng cường giám sát việc giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước của thành phố.

2. Về trách nhiệm của chính quyền các cấp: Chỉ đạo các cấp, các ngành, quận, huyện, thị xã có giải pháp khắc phục hạn chế, khuyết điểm; tiếp tục thực hiện hiệu quả 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong Chỉ thị số 09-CT/TU, Kế hoạch số 191/KH-UBND về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền trên đất cho các tổ chức, cá nhân; sớm số hóa hệ thống dữ liệu về đất đai.

- Các sở, ban, ngành của thành phố cần tăng cường phối hợp chặt chẽ với UBND các quận, huyện, thị xã để chủ động tháo gỡ, kịp thời giải quyết các vấn đề khó khăn vướng mắc tại các địa phương trong quá trình xét cấp giấy chứng nhận. Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, tổng hợp báo cáo đề xuất với UBND, HĐND thành phố, cơ quan Trung ương xem xét giải quyết theo thẩm quyền.

- Đảng đoàn HĐND, Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng thành phố rà soát, kiểm tra các dự án phát triển nhà ở vi phạm pháp luật về đất đai, trật tự xây dựng, quy hoạch; công khai các dự án có vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng, kiên quyết không xem xét cho các chủ đầu tư có dự án vi phạm được tham gia đầu tư các dự án mới trên địa bàn thành phố. Đảng đoàn HĐND thành phố chỉ đạo tăng cường giám sát, đôn đốc UBND thành phố báo cáo việc thực hiện 9 nội dung đề xuất, kiến nghị tại Báo cáo số 13/BC-HĐND, ngày 30-3-2017 của HĐND thành phố.

- Tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm đối với người đứng đầu, thủ trưởng các cơ quan đơn vị; thanh tra công vụ đối với các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ cấp giấy chứng nhận.

Thứ hai, về tình hình, kết quả thực hiện công tác giao đất ở, đất dịch vụ cho hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp trên địa bàn thành phố, mục tiêu, giải pháp thực hiện trong năm 2018.

Ngay sau khi hợp nhất địa giới hành chính Thủ đô, xác định công tác giao đất dịch vụ là một nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân bị thu hồi đất nông nghiệp, trong đó xây dựng cơ sở hạ tầng đất dịch vụ là nội dung vô cùng quan trọng để đảm bảo ổn định cuộc sống, an sinh xã hội cho người dân khi thực hiện giải phóng mặt bằng các dự án; Thành phố đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, giải quyết được cơ bản những khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách, nguồn lực đầu tư.

Trong ba năm từ 2015-2017, công tác bàn giao đất dịch vụ trên địa bàn một số quận, huyện đã đạt được một số kết quả tích cực: Tính đến hết ngày 31-12-2017, toàn thành phố đã tổ chức xét duyệt và giao đất dịch vụ đạt 57,85% (38.194/66.028 hộ) với diện tích đất đạt 44,51% (327,34/735,524 ha). Một số quận, huyện đã thực hiện việc giao đất dịch vụ đạt trên 80% (về số hộ) như: Sóc Sơn, Đan Phượng, Hoàng Mai, Thường Tín, Phúc Thọ. Tuy nhiên một số quận, huyện đạt tỷ lệ rất thấp dưới 50% như: Ứng Hòa, Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Mỹ Đức, Thanh Oai, Thanh Trì, Thạch Thất, Chương Mỹ. Đáng lưu ý, còn một số quận, huyện còn nhiều vướng mắc như: Hoài Đức, Mê Linh, quận Hà Đông.

Công tác giao đất dịch vụ đã được thành phố chỉ đạo quyết liệt từ ngay sau khi mở rộng địa giới hành chính, nhưng đến nay kết quả vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, gây nhiều bức xúc trong nhân dân. Việc triển khai thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại các khu đất ở, đất dịch vụ tiến độ còn rất chậm. Nhiều khu đất đã xong hạ tầng kỹ thuật, đủ điều kiện giao đất dịch vụ nhưng UBND các quận, huyện, thị xã chưa giao cho các hộ gia đình, cá nhân (như huyện Mê Linh, quận Hà Đông...); một số địa phương có chủ trương giao đất dịch vụ từ trước khi Chính phủ ban hành Nghị định dẫn đến phát sinh một số tồn tại, kiến nghị phức tạp.

Với mục tiêu hoàn thành việc giao đất ở, đất dịch vụ trước ngày 30-9-2018 (khoảng 6 tháng nữa) và không làm phát sinh khiếu nại, khiếu kiện của các hộ dân, tôi đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố tập trung giải quyết dứt điểm vấn đề đất dịch vụ cho dân, coi đây là nhiệm vụ cấp bách phải thực hiện; có trách nhiệm cùng phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức phổ biến, tuyên truyền đến các hộ dân về chủ trương chính sách giao đất ở, đất dịch vụ của thành phố đảm bảo không phát sinh khiếu nại, khiếu kiện đông người, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự tại địa phương và lưu ý làm tốt một số nội dung sau:

1. Đối với thành phố: Đảng đoàn HĐND, Ban Cán sự UBND thành phố tăng cường công tác chỉ đạo kiểm tra, giám sát việc thực hiện theo kế hoạch đã đề ra; duy trì chế độ thông tin, báo cáo, giao ban tháo gỡ khó khăn cho cơ sở. Giám đốc các sở, ngành thành phố liên quan, các tổ công tác liên ngành tăng cường rà soát các quy hoạch, chính sách và đối tượng thuộc tiêu chuẩn được giao đất dịch vụ trên địa bàn thành phố để bảo đảm việc giao đất dịch vụ thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật; báo cáo, đề xuất UBND thành phố những nội dung vượt thẩm quyền.

2. Các quận, huyện, thị xã rà soát, xây dựng kế hoạch, xác định rõ nhiệm vụ của đơn vị chủ trì và nhiệm vụ phối hợp, phân công lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo thực hiện, chủ động làm việc với các sở, ngành để có phương án tháo gỡ khó khăn cho cơ sở, báo cáo UBND thành phố theo quy định.

Ưu tiên bố trí nguồn vốn, không để thiếu kinh phí để tập trung hoàn thành công tác xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tổ chức lập và phê duyệt phương án bồi thường để phục vụ kịp thời nhiệm vụ giao đất dịch vụ. Đặc biệt, các quận, huyện, thị xã cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn thành phố cấp để xây dựng hạ tầng các khu đất dịch vụ, cùng với đó phải lấy nguồn từ đấu giá đất để làm hạ tầng các khu đất dịch vụ.

Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành để giải quyết dứt điểm từng phần việc, nhóm việc khi thực hiện giao đất dịch vụ. Việc bàn giao đất dịch vụ cho người dân phải diễn ra càng sớm càng tốt. Chỉ với sự vào cuộc quyết liệt cùng những giải pháp đồng bộ, những tồn tại, vướng mắc trong công tác giao đất dịch vụ tại Thủ đô mới được giải quyết dứt điểm, đảm bảo công bằng và tránh thiệt thòi cho người dân bị mất đất. Tập trung hoàn thành giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu đất dịch vụ; rà soát các trường hợp được giao đất dịch vụ đảm bảo công khai, chính xác, đúng quy định, tránh gây khiếu kiện phức tạp trong nhân dân. Đồng thời, tổ chức giao đất ngay đối với các khu đã cơ bản hoàn thành hạ tầng kỹ thuật cho các trường hợp đủ điều kiện.

3. Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cần công khai minh bạch các chủ trương, chính sách, quy định của thành phố về thực hiện giao đất dịch vụ, tạo sự đồng thuận của nhân dân trong quá trình tổ chức thực hiện giao đất dịch vụ; khuyến khích và tạo cơ chế để người dân tự nguyện nhận tiền thay bằng giao đất dịch vụ đối với các địa phương thiếu quỹ đất.

Từ kết quả thực hiện Chỉ thị số 09 của Ban Thường vụ Thành ủy, chúng ta cũng rút ra được một số kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý đất đai nói chung, cũng như công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giao đất dịch vụ cho các tổ chức, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp trên địa bàn thành phố, đó là:

- Phát huy trách nhiệm người đứng đầu và sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc vận động, hướng dẫn, kê khai cấp giấy chứng nhận.

- Theo chức năng, nhiệm vụ, HĐND các cấp thường xuyên tổ chức giám sát; UBND các cấp định kỳ tổ chức giao ban; các cơ quan chuyên môn (nòng cốt là Sở Tài nguyên và Môi trường) thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc và kịp thời đề xuất giải quyết những khó khăn, vướng mắc.

- Xác định việc cấp giấy chứng nhận, giao đất ở, đất dịch vụ là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, do đó phải thực hiện một cách nghiêm túc, đúng quy trình cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi và không gây phiền hà, sách nhiễu cho người dân và các tổ chức.

- Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ; bố trí đủ nhân lực và kinh phí để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận và giao đất ở, đất dịch vụ cho các hộ, các tổ chức.

Phát huy kết quả đạt được và những kinh nghiệm trên đây, chúng ta tin tưởng rằng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố sẽ chung sức, đồng lòng, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ năm 2018 - năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; năm bản lề thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng các cấp đề ra; tạo chuyển biến tiến bộ, rõ nét hơn trong thực hiện Chỉ thị 09-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy và công tác giao đất dịch vụ trên địa bàn thành phố; góp phần ổn định tình hình, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và tổ chức trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (*)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.