Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thể hiện mạnh mẽ tình yêu biển đảo

Quỳnh Dương| 06/05/2018 07:15

(HNM) - Từ ngày 19 đến 28-4, Đoàn công tác số 10, trong đó có gần 70 kiều bào đến từ 24 quốc gia trên thế giới đã đi thăm, động viên quân và dân tại huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Nhân dịp này, phóng viên Báo Hànộimới có cuộc phỏng vấn ông Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước Về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao, Trưởng Đoàn công tác.

Các kiều bào ủng hộ tiền để xây dựng nhà văn hóa đa năng ở quần đảo Trường Sa.


- Thưa ông, đây là lần thứ 7 Ủy ban Nhà nước Về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức đưa kiều bào thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của chương trình này?

- Việc tổ chức cho kiều bào đi thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1 đã đáp ứng tình cảm và nguyện vọng của kiều bào khắp nơi trên thế giới với mong muốn được đến thăm tuyến đầu của Tổ quốc. Điều này khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trong việc thông tin về chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Chuyến đi của kiều bào và của các đoàn công tác hằng năm ra thăm Trường Sa góp phần khẳng định chủ quyền của chúng ta đối với quần đảo máu thịt này.

- Ông nhìn nhận sức ảnh hưởng của chương trình từ trước cho đến nay như thế nào đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài?

- Sau 7 năm tổ chức cho người Việt Nam ở nước ngoài đi thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1, sự thay đổi nhanh chóng trong cộng đồng kiều bào là thành quả rõ ràng nhất. Trước hết, đó là tình yêu biển đảo được lan tỏa rộng rãi hơn, thể hiện mạnh mẽ hơn. Thứ hai, số lượng kiều bào ta đăng ký ra thăm Trường Sa tăng dần sau từng năm. Nếu như năm đầu tiên chỉ khoảng 20-30 đại biểu đăng ký, thì những năm gần đây số lượng kiều bào mỗi chuyến đi đã tăng lên 60, 70 người. Có những thời điểm, số lượng đăng ký chính thức lên tới 100 người.

Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết và nhiều yếu tố khác, Ủy ban Nhà nước Về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với Quân chủng Hải quân chỉ tổ chức được 1 đoàn kiều bào ra thăm Trường Sa mỗi năm. Đây cũng là một khó khăn đối với chúng tôi trong việc lựa chọn những kiều bào tiêu biểu ở các địa bàn khác nhau tham gia hành trình. Thứ ba là, qua nhiều chuyến đi, sự chung tay góp sức của kiều bào ủng hộ cho cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nơi tiền tuyến hải đảo của Tổ quốc ngày càng tăng lên. Năm nay cũng vậy, kết quả chuyến đi đạt được ngoài sự mong đợi. Các kiều bào đã đóng góp, ủng hộ quân và dân quần đảo Trường Sa khoảng 600 triệu đồng tiền mặt và 1 tỷ đồng bằng hiện vật gồm máy phát điện mini, hệ thống pin năng lượng mặt trời, bộ thể thao đa năng...

- Từng là Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao, ông đã trả lời nhiều câu hỏi liên quan tới chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên ông tham gia hải trình này, ông có thể chia sẻ cảm xúc của mình?

- Đối với bản thân tôi, đây là một vinh dự và niềm tự hào lớn lao. Ở vị trí công tác trước đây, ngày nào tôi cũng nhắc tới những từ thân thương như Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng ước mơ đi thăm Trường Sa của tôi bây giờ mới thành hiện thực. Tôi rất xúc động khi đặt chân lên những hòn đảo với những cái tên thân quen như Song Tử Tây, Sơn Ca, Phan Vinh, Sinh Tồn, Trường Sa... Tôi cũng đồng cảm và chia sẻ với những khó khăn vất vả của các cán bộ, chiến sĩ nơi đây và trong vị trí công tác của mình từ nay trở đi, tôi sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy những công việc liên quan đến Trường Sa với những tình cảm từ đáy lòng.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thể hiện mạnh mẽ tình yêu biển đảo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.