Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gắn quản lý với phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội

Hà Phong| 15/05/2018 19:23

(HNMO) - Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 15-5, với 100% ý kiến tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thông qua Nghị quyết về thành lập Tòa án nhân dân và Nghị quyết về thành lập Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.


Theo tờ trình của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, tờ trình của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, trước mắt sau khi được thành lập, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ kế thừa toàn bộ số lượng biên chế, tổ chức bộ máy và các điều kiện bảo đảm khác của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân thị xã Phúc Yên hiện nay. Như vậy, sau khi được thành lập, các đơn vị này sẽ đủ điều kiện và bảo đảm hoạt động được ngay.

Cũng trong chiều 15-5, UBTVQH nghe báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng bảo hiểm xã hội năm 2017; tình hình thực hiện Nghị quyết số 1083/2015/UBTVQH13 về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2016-2018 và việc ngân sách nhà nước chuyển kinh phí vào quỹ bảo hiểm xã hội; đề xuất chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2019-2021.


Đại diện cơ quan thẩm tra - Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá, việc bố trí chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2016-2018 bảo đảm đúng, đủ và kịp thời; đầu tư an toàn và bảo toàn tăng trưởng quỹ với thủ tục nhanh gọn. Năm 2017, cơ quan Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã thăng hạng 18 bậc so với năm 2016, vươn lên vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng chung về dịch vụ công của 25 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Tuy nhiên, chi phí quản lý bảo hiểm xã hội các năm 2016, 2017 đều tăng so với dự kiến. Điều này cho thấy, việc dự báo đối tượng tham gia và đối tượng thụ hưởng chưa sát với những thay đổi chính sách đã được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Tình trạng trốn đóng, nợ đọng, lạm dụng, trục lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế còn đang diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương nhưng chưa có giải pháp đột phá.

Bà Nguyễn Thúy Anh đề nghị, giai đoạn tới Chính phủ cần gắn hiệu quả sử dụng chi phí quản lý với kết quả thực hiện chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp hằng năm và việc sắp xếp, tổ chức bộ máy bảo hiểm xã hội tinh gọn, hiệu quả. Trong trường hợp việc thực hiện thu, chi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trong năm không đạt dự toán, thì phải cắt giảm chi tiêu, bảo đảm chi phí quản lý không vượt quá mức trích tính trên số thực thu, chi…

Trước đó, sáng cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ tư của Quốc hội; dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV.

Thông qua 1.383 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ tư của Quốc hội, 63 đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố đã tiếp nhận, tổng hợp được 2.099 kiến nghị của cử tri. Trong đó, 100% kiến nghị của cử tri có nội dung về hoạt động của Quốc hội đã được các cơ quan của Quốc hội tiếp nhận và trả lời. Trong tổng số 1.993 kiến nghị mà cử tri gửi tới Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ; có 1.474 kiến nghị (chiếm 73,96%) được trả lời bằng việc cung cấp thông tin cho cử tri; 162 kiến nghị (chiếm 8,13%) đã được tiếp thu, giải quyết xong; còn 357 kiến nghị (chiếm 17,91%) đang được nghiên cứu để giải quyết.

Mặc dù ghi nhận việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri đã có nhiều chuyển biến, song Trưởng ban Dân nguyện của UBTVQH Nguyễn Thanh Hải và Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến nhận định, còn 249 kiến nghị tồn đọng qua nhiều kỳ họp. Đáng lưu ý hơn, tình trạng cử tri hỏi một đằng, bộ trả lời một nẻo vẫn tái diễn. Đơn cử, phản hồi của Bộ Nội vụ về kiến nghị của cử tri Lạng Sơn liên quan đến áp dụng chính sách ưu đãi cho cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được coi là "lạc đề", không đưa ra thông tin hay giải pháp gì để tháo gỡ một khó khăn rất cụ thể.

Tại phiên họp, nhiều ý kiến đề nghị, Chính phủ cần tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá các bộ, ngành trong việc thực hiện trách nhiệm giải quyết kiến nghị của cử tri; có hình thức đánh giá, xử lý khi cá nhân, đơn vị thiếu trách nhiệm trong giải quyết trả lời kiến nghị cử tri.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gắn quản lý với phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.