Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tìm giải pháp căn cơ để phát triển bền vững

Nhóm phóng viên| 22/05/2018 21:38

(HNMO) - Ngày 22-5, Quốc hội đã nghe Tờ trình về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam; thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi) và nghe báo cáo thẩm tra về các dự án luật này.


Trước đó, Quốc hội đã thảo luận ở tổ, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018, thảo luận Báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016. Đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong năm 2017, song các đại biểu cũng chỉ rõ những bất cập, hạn chế còn tồn tại nhằm tìm ra giải pháp căn cơ, đưa đất nước phát triển bền vững.

Tăng trưởng cao nhưng chưa bền vững

Tăng trưởng GDP cả năm 2017 đạt 6,81%; kim ngạch xuất khẩu tăng 21,2%; tốc độ tăng trưởng quý I-2018 đạt mức cao nhất trong 10 năm gần đây... là những kết quả đáng ghi nhận trong năm 2017 và những tháng đầu năm 2018.

Phát biểu tại buổi thảo luận tổ sáng 22-5, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (Đoàn TP Cần Thơ) cho rằng, kết quả năm 2017 và những tháng đầu năm 2018 là những tín hiệu rất tốt. Tuy nhiên, tăng trưởng của quý I-2018 chủ yếu thuộc lĩnh vực chế biến, chế tạo nhưng chỉ tập trung vào những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nếu tăng trưởng chỉ dựa vào một vài doanh nghiệp thì nền kinh tế dễ gặp rủi ro. Vì vậy, cần phải thẳng thắn nhìn nhận để tiếp tục có giải pháp căn cơ nhằm hoàn thành tốt mục tiêu đã đề ra cho những tháng còn lại của năm 2018, tạo tiền đề vững chắc cho những năm tiếp theo.

Chung quan điểm này, đại biểu Lê Minh Chuẩn (Đoàn Quảng Ninh) cho rằng, kinh tế Việt Nam có nhiều triển vọng lớn nhưng chưa phát huy được hết tiềm năng. Vì vậy, cần điều tra làm rõ Việt Nam đang ở đâu trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, từ đó đặt ra chương trình hành động cụ thể. Đặc biệt, Chính phủ cần bổ sung một số chỉ tiêu về khoa học - công nghệ và thực hiện một cách nghiêm túc mới có thể bứt phá và đạt tới mục tiêu cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Dẫn câu chuyện “được mùa rớt giá”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển (Đoàn Lai Châu) phân tích, lĩnh vực nông nghiệp dù đã có những bước tiến bộ đáng mừng, nhưng để tạo ra chuỗi giá trị giữa sản xuất và tiêu dùng vẫn còn khoảng cách. Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tuy đã phát triển mạnh nhưng cũng chưa đáp ứng được yêu cầu về mô hình chuyển đổi kinh tế, nhất là những ngành công nghiệp quan trọng như: Chế biến chế tạo, cơ khí...

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục nỗ lực tạo dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), doanh nghiệp tư nhân phát triển để tạo ra sức mạnh mới cho nền kinh tế. “Nếu giải quyết tốt các vấn đề đó, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng tăng trưởng kinh tế năm 2018 sẽ đạt tới 7% chứ không chỉ là 6,7% như đã đề ra”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phân tích.

Ưu đãi chắp vá, lãng phí tràn lan

Nêu ý kiến tại buổi thảo luận tổ sáng 22-5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng (Đoàn Ninh Bình) cho rằng, cùng với việc ưu đãi cho doanh nghiệp, số thu thuế đang giảm nhanh. Ưu đãi thuế nhiều nhưng đối tượng được ưu đãi phần nhiều là nhà đầu tư nước ngoài, dự án lớn. Những chính sách này tới đây cần phải xem xét, đánh giá lại vì chính sách ưu đãi đang chắp vá, có rào cản, chưa tạo điều kiện thực sự cho doanh nghiệp trong nước. Nhấn mạnh vấn đề tiết kiệm chi ngân sách, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng dẫn câu chuyện về khoán xe công và cho rằng: Nếu khoán toàn bộ chi phí mỗi đầu xe công cho các lãnh đạo với một quyết tâm cao thì sẽ giảm được khoảng 40% đầu xe, tiết kiệm được một lượng lớn chi phí cho ngân sách.

Chung mối băn khoăn về tình trạng lãng phí còn tràn lan, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội) phân tích, có nhiều loại lãng phí như lãng phí tiền của, lãng phí thời gian, lãng phí cơ hội... Loại lãng phí nào cũng nghiêm trọng và hậu quả nhiều khi không thể đo đếm được. “Cần phải chống lãng phí mạnh mẽ hơn, phải nhận diện cho được lãng phí và nếu được nên có nghị quyết trung ương về chống lãng phí”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu ý kiến.

Đồng tình với quan điểm nêu trên, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn TP Hà Nội) "điểm danh" 4 lĩnh vực xảy ra nhiều lãng phí hiện nay là quản lý đất đai, sử dụng tài sản nhà nước, đầu tư công và tổ chức lễ hội, lễ khởi công, động thổ... “Có những thời điểm, trên sóng truyền hình trực tiếp phát đi hình ảnh hàng loạt lễ hội. Số tiền chi cho lễ hội từ nguồn ngân sách nhà nước hằng năm không phải nhỏ. Vì vậy, cần bảo đảm tính hợp lý trong bối cảnh nguồn lực chúng ta còn hạn chế", đại biểu Vũ Thị Lưu Mai phân tích.

Tại buổi thảo luận tổ sáng 22-5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (Đoàn TP Hải Phòng) nhấn mạnh việc phải quan tâm đến các vấn đề xã hội, các tầng lớp kinh doanh, nhất là khu vực nông thôn. Dẫn số liệu 42% lao động sống ở nông thôn nhưng giá trị trong nông nghiệp, nông thôn đóng góp cho GDP chỉ 18%, Thủ tướng cho rằng, cần phải đặt câu hỏi vì sao năng suất chúng ta thấp cũng như cần phải quan tâm nhiều hơn nữa tới nông nghiệp, nông thôn. “Làm sao để những bộ phận phục vụ trực tiếp cho người dân, doanh nghiệp phải có chuyển biến mạnh hơn trong việc phục vụ nhân dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Về vấn đề này, khi thảo luận tại tổ, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng, người dân luôn theo dõi rất kỹ những quyết sách chỉ đạo, điều hành và đòi hỏi các cấp lãnh đạo phải vào cuộc. “Tại Hà Nội bên cạnh việc thống kê, rà soát các vụ việc lớn, thành phố đều tổ chức giao ban hằng tháng để nghe báo cáo giải quyết từng vụ việc. Thường trực Thành ủy 2 tuần nghe báo cáo một lần việc xử lý các vụ việc trọng điểm. Đối với những vụ việc nghiêm trọng, thành phố yêu cầu báo cáo hằng tuần. Nỗ lực giải quyết đến cùng các vụ việc phức tạp đã tạo ra sức lan tỏa, khiến “trên nóng, dưới không lạnh”, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân”.


Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc (Đoàn TP Hà Nội) thảo luận tại tổ.


Theo Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc, để đạt được điều này, Hà Nội luôn đề cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên và thực hiện tới từng chi bộ, tổ dân phố. Tuy vậy, để phát huy kết quả đã đạt được cần phải duy trì việc thanh tra, kiểm tra; đã quyết liệt rồi phải quyết liệt hơn, chỉ rõ xem ngành nào, đơn vị nào, lĩnh vực nào chậm thay đổi nhằm tránh tình trạng chỉ nêu việc rồi... để đấy. Bên cạnh việc cần gấp rút hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh cần có những hành động cụ thể nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân, nỗ lực cải cách hành chính để phục vụ người dân và doanh nghiệp...

Tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu Quốc hội cũng nêu nhiều ý kiến về tình trạng vi phạm pháp luật gia tăng, an toàn thực phẩm báo động, lĩnh vực giáo dục, y tế còn xảy ra nhiều bất cập... Tuy nhiên, theo phân tích của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, những kết quả đã đạt được cho thấy, đất nước ta đang chuyển mình, niềm tin của người dân vào vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng được nhân lên rất nhiều. Khi hệ thống của chúng ta trên dưới một lòng, sẽ tạo động lực quan trọng, đưa đất nước phát triển theo hướng bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm giải pháp căn cơ để phát triển bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.