Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TƯ và Chỉ thị số 24-CT/TƯ

Yên Nga - Ảnh: Bá Hoạt| 25/05/2018 10:07

(HNMO) - Ngày 25-5, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TƯ ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị (khóa X) và Chỉ thị số 24-CT/TƯ ngày 4-7-2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng...


Các đại biểu dự hội nghị.


Tham dự hội nghị, về phía trung ương có Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam Trần Văn Bản; Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương Bùi Thục Anh; Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam Tùng Điển.

Về phía thành phố Hà Nội, tới dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà; Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý.

Mở đầu hội nghị, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học đã báo cáo tóm tắt tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TƯ và Chỉ thị số 24-CT/TƯ trên địa bàn thành phố, nêu rõ thành tựu, hạn chế, bài học kinh nghiệm và phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.

Các đại biểu tham dự đã thảo luận về kinh nghiệm 10 năm thực hiện Nghị quyết và Chỉ thị nói trên tại cơ quan, cơ sở…

Phát triển văn học, nghệ thuật Thủ đô mạnh mẽ hơn

Về Nghị quyết 23-NQ/TƯ, đến nay, có 59 đảng bộ và các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố triển khai thực hiện và tổng kết việc thực hiện Nghị quyết và các văn bản, chỉ đạo của thành phố liên quan đến phát triển văn học, nghệ thuật Thủ đô. 

10 năm qua, các cấp ủy, chính quyền ngày càng ý thức trách nhiệm, xây dựng, triển khai các chương trình hành động thiết thực tại địa phương. Đội ngũ cán bộ, đảng viên, văn nghệ sĩ Thủ đô đã có nhận thức đúng đắn, rõ nét về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của văn học, nghệ thuật đối với sự hình thành tư tưởng, đạo đức, lối sống, xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch; nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn để phát triển văn học, nghệ thuật ở cơ sở. 

Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội quy tụ gần 3.400 hội viên là những tài năng, tinh hoa từ mọi miền Tổ quốc, hằng năm sáng tạo gần 3.000 tác phẩm chất lượng. Qua 8 đợt xét duyệt, Hà Nội có 17 NSND, 127 NSƯT, góp phần cùng hàng nghìn nghệ sĩ uy tín đổi mới các hoạt động văn học, nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của người dân Thủ đô. Hoạt động phong trào nghệ thuật quần chúng có bước phát triển sâu rộng; chuyên môn của cán bộ quản lý và văn nghệ sĩ được nâng lên; công tác xã hội hóa các hoạt động nghệ thuật được đẩy mạnh. Thành phố đã quy hoạch mạng lưới và phát huy hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa từ thành phố tới cơ sở.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những thành tích và đóng góp tích cực của ngành Văn hóa, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, các nhà hát, đoàn nghệ thuật, văn nghệ sĩ và cấp ủy, chính quyền các cấp trong 10 năm qua. 

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại hội nghị.


Để thực hiện tốt Nghị quyết, phát triển văn học, nghệ thuật mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, các chương trình công tác của thành phố về văn hóa, văn học, nghệ thuật gắn với việc hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị; quan tâm phát triển mạnh mẽ phong trào văn học, nghệ thuật quần chúng; tìm kiếm, phát hiện, bồi dưỡng tài năng từ cơ sở. 

Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội cần tiếp tục phát huy tính sáng tạo, tâm huyết để cống hiến cho nền văn học, nghệ thuật của Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung những tác phẩm có chất lượng cao về tư tưởng và nghệ thuật, quyết tâm phấn đấu có những tác phẩm đỉnh cao, gắn với Cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và triển khai thực hiện tốt hai Quy tắc ứng xử của thành phố. 

Các sở, ngành chức năng cần tập trung thực hiện quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ công tác văn hóa, văn nghệ, văn nghệ sĩ và tài năng; tăng cường phổ biến pháp luật, hướng dẫn, khuyến khích quần chúng nhân dân sáng tạo, bảo tồn, truyền dạy và phát huy các giá trị văn hóa, văn học, nghệ thuật truyền thống của dân tộc; đẩy mạnh xã hội hoá nhằm huy động mọi nguồn lực cho phát triển văn hóa; quan tâm tạo cơ chế phối hợp và tăng cường ký hợp đồng đầu tư chiều sâu đối với công trình, tác phẩm lớn, phấn đấu có những tác phẩm đỉnh cao tầm khu vực và thế giới; mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế, quảng bá, giới thiệu văn hóa nghệ thuật Thủ đô; tích cực đấu tranh ngăn chặn sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại…

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng trao Bằng khen cho các tập thể đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TƯ của Bộ Chính trị.


Nhân dịp này, Thành ủy Hà Nội cũng khen thưởng 10 tập thể và 10 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TƯ, trong đó có tập thể Ban Văn hóa - Xã hội Báo Hànộimới.

Phấn đấu để Hà Nội thành trung tâm đông y của cả nước

Về Chỉ thị số 24-CT/TƯ, Thành ủy Hà Nội đánh giá, sau 10 năm, nhận thức về vai trò, trách nhiệm trong việc phát triển nền đông y và Hội Đông y trên địa bàn thành phố của cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị các cấp được nâng lên. Tổ chức Hội đã phát triển đến 30 quận, huyện, thị xã, thu hút 5.351 hội viên. Thành phố có 2 bệnh viện chuyên khoa y học cổ truyền, các bệnh viện đa khoa thành phố và tuyến huyện đều có khoa y học cổ truyền. Ngành Y tế và Hội Đông y các cấp đã tiến hành khám chữa bệnh bằng đông y cho hàng triệu lượt người, tỷ lệ đỡ và khỏi bệnh đạt 70-80%... 

Tuy nhiên, việc thực hiện Chỉ thị 24-CT/TƯ vẫn còn hạn chế. Một số cấp hội chưa thực hiện tốt vai trò tham mưu, chưa tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể trong việc tổ chức thực hiện. Đội ngũ cán bộ y học cổ truyền thiếu về số lượng, hạn chế về trình độ, thiếu sự nhiệt tình trong công tác hội. Công tác kế thừa, ứng dụng những bài thuốc quý chưa hiệu quả. Sự kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại còn nhiều hạn chế, công tác hiện đại hóa y học cổ truyền còn chậm. Việc nuôi trồng và phát triển dược liệu chủ yếu là tự phát. Công tác bảo tồn nguồn gen, quy hoạch vùng trồng dược liệu còn nhỏ lẻ, chủ yếu dựa vào khai thác tự nhiên và nhập khẩu. Quy trình bào chế, sản xuất thuốc thô sơ, chậm được cải tiến…

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh, thời gian tới, các cấp hội và ngành Y tế Thủ đô tiếp tục phát huy các thành tích đã đạt được, khắc phục những hạn chế để nền đông y chuyển biến tốt hơn, đóng góp cho việc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thành phố tiếp tục đẩy mạnh quán triệt, tuyên truyền Chỉ thị 24-CT/TƯ và các văn bản của trung ương, thành phố về công tác đông y; xây dựng và phấn đấu để Hà Nội thực sự trở thành trung tâm đông y lớn, góp phần thúc đẩy sự phát triển nền đông y và Hội Đông y Việt Nam. 

Ngành Y tế phối hợp với các cơ quan liên quan củng cố khoa y học cổ truyền trong các bệnh viện; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền và bằng phương pháp kết hợp giữa y học cổ truyền với y học hiện đại. Thành phố sẽ tiếp tục củng cố, kiện toàn mạng lưới tổ chức Hội Đông y các cấp; phối hợp với Trung ương Hội và các trường y học đào tạo lực lượng; đầu tư nghiên cứu những bài thuốc hay; sưu tầm, kế thừa kinh nghiệm các lương y uy tín ở địa phương, các phương pháp chữa bệnh có hiệu quả cao.

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong trao Bằng khen cho các tập thể xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TƯ của Ban Bí thư Trung ương.


Bên cạnh đó, thành phố sẽ tổ chức khai thác và tái sinh một cách hợp lý nguồn dược liệu tự nhiên quý hiếm, xây dựng tiêu chuẩn và quản lý chất lượng dược liệu, đẩy mạnh xã hội hóa và quảng bá y dược học cổ truyền ra thế giới.

Nhân dịp này, Thành ủy Hà Nội đã tặng Bằng khen cho 9 tập thể và 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 24-CT/TƯ 10 năm qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TƯ và Chỉ thị số 24-CT/TƯ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.