Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Siết” trật tự trên không gian mạng

Hương Ly| 30/05/2018 07:09

(HNM) - Các đại biểu Quốc hội đã bày tỏ sự lo lắng về việc xuất hiện ngày càng nhiều hoạt động vi phạm pháp luật trên không gian mạng, đồng thời đề xuất nhiều nội dung quan trọng nhằm


Lúng túng vì thiếu... luật

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Bùi Mậu Quân phát biểu góp ý về Dự án Luật An ninh mạng.Ảnh: Văn Điệp – TTXVN


Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật An ninh mạng do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt trình Quốc hội cho thấy, đa số ý kiến đều tán thành với sự cần thiết ban hành luật.

Nêu những diễn biến thực tế về tình trạng tội phạm trên mạng thời gian qua, Trung tướng Bùi Mậu Quân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an (đại biểu Đoàn Hải Dương) cho biết, những năm gần đây đã xuất hiện ngày càng nhiều vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Đó là tình trạng lợi dụng không gian mạng để xâm phạm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, như: Tuyên truyền chống nhà nước, kích động biểu tình, bạo loạn, gây rối an ninh trật tự, hoạt động gián điệp, đánh cắp bí mật nhà nước… Gần đây, còn nổi lên các hoạt động lừa đảo, trộm cắp, cờ bạc, cá độ, mại dâm qua mạng. Đây là thực trạng hết sức bức xúc, nhức nhối, nhưng việc xử lý còn bị động, lúng túng, kém hiệu quả vì hệ thống pháp luật của ta chưa có chế tài đủ mạnh. Nhất là chưa có hành lang pháp lý để ngăn chặn, đấu tranh hiệu quả với những hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trên không gian mạng.

Nêu dẫn chứng về vụ tin tặc tấn công chiếm quyền điều khiển hệ thống máy chủ của hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines), thay đổi nội dung và đưa ra các thông báo trên hệ thống màn hình hiển thị của Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất ngày 29-7-2016 làm chậm gần 100 chuyến bay, khiến hệ thống gần 100 máy chủ không thể truy cập…, đại biểu Bùi Mậu Quân đặt câu hỏi: Nếu hệ thống mạng máy chủ của các hãng hàng không quốc gia, hệ thống tài chính, ngân hàng... đều bị tấn công, chiếm quyền điều khiển hoặc bị phá hoại cùng lúc thì hậu quả sẽ như thế nào? Vì vậy, việc ban hành Luật An ninh mạng nhằm quy định các hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng là hết sức cần thiết, phù hợp với đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn”.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Đoàn Tiền Giang) cho rằng, cần coi an ninh mạng là một nội hàm trong an ninh quốc gia và quốc phòng. Bởi an ninh quốc gia có ý nghĩa rất lớn, bao trùm cả vấn đề quốc phòng và sự ổn định, phát triển bền vững của chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sự bất khả xâm phạm về độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn, lãnh thổ của Tổ quốc, bao gồm cả thực tế, thực địa và trên cả không gian mạng. Do đó, dự thảo luật cần làm nổi bật ý nghĩa đó thì mới có cơ sở để quy định và triển khai trong thực tế.

Bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng

Thông tin trên mạng có nhiều nội dung vi phạm pháp luật nhưng hiện rất khó kiểm soát. Ảnh: Thái Bình


Nêu ý kiến về việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, đại biểu Nguyễn Thành Công (Đoàn Ninh Bình) cho rằng, Dự án Luật nên bỏ quy định tại Điều 30 về nội dung này để tránh sự chồng lấn về thẩm quyền quản lý nhà nước giữa các bộ, ngành liên quan. Tuy nhiên, các đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định) và Tạ Văn Hạ (Đoàn Bạc Liêu) lại cho rằng, cần có quy định cụ thể trong Dự án Luật về việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.

Theo đại biểu Tạ Văn Hạ, cần nêu rõ trách nhiệm của gia đình, người chăm sóc tham gia bảo vệ trẻ em; trách nhiệm của nhà trường, cơ sở giáo dục, cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ về an ninh mạng trên mạng; tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên mạng, cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan bảo vệ an ninh mạng... Đồng thời, Dự án Luật cũng cần quy định về bổn phận của trẻ em khi tham gia trên không gian mạng.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho rằng, việc để trẻ em tự do tham gia môi trường mạng, trao đổi thông tin với các đối tượng mà các em không biết, vào các trang web “đen”, trò chơi trực tuyến với nội dung không phù hợp lứa tuổi, không có sự giám sát của gia đình, thầy cô, sẽ ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ, hành động của các em. “Không kiểm soát được sự tham gia môi trường mạng của trẻ em sẽ không khác gì để các em có một cuộc sống ảo, lệch lạc, dẫn đến một bộ phận trẻ em có lối sống trái với truyền thống đạo đức, văn hóa của dân tộc” - đại biểu Nguyễn Văn Cảnh phân tích.

Liên quan đến việc giáo dục, bồi dưỡng kiến thức về an ninh mạng, đại biểu Trần Thị Dung (Đoàn Điện Biên) cho rằng, quy định ''giáo dục an ninh mạng được đưa vào môn học chính khóa về giáo dục quốc phòng, an ninh trong nhà trường; bồi dưỡng kiến thức về an ninh mạng được đưa vào chương trình khung bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Giáo dục quốc phòng, an ninh'' là chưa phù hợp, cần cân nhắc. Không nên quy định "cứng" giáo dục an ninh mạng trong môn học chính khóa của nhà trường, vì có thể gây khó khăn cho chủ trương giảm tải chương trình trong trường học phổ thông hiện nay.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Hồng Vân (Đoàn Phú Yên) lại khẳng định: Giáo dục an ninh mạng là hết sức cần thiết, bởi xu hướng phát triển của xã hội ngày càng mạnh, công nghệ thông tin ngày càng ưu việt, trẻ em sử dụng điện thoại thông minh, ti vi thông minh... rất phổ biến. Vì vậy, giáo dục kiến thức an ninh mạng để cảnh giác là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, Ban soạn thảo cần quy định rõ về liều lượng, phương pháp phù hợp với từng đối tượng. Ngoài ra, cần có chương trình cập nhật kiến thức cho các đối tượng là cán bộ, công chức để nâng cao cảnh giác về bảo đảm an ninh mạng...

Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ khẳng định, Dự án Luật An ninh mạng có nội dung khó, phức tạp, thu hút nhiều sự quan tâm của các đại biểu, trong đó, một số vấn đề còn có ý kiến tranh luận và quan điểm khác nhau. Tất cả ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã được Ban thư ký ghi chép, tổng hợp đầy đủ để hoàn chỉnh dự thảo luật trình Quốc hội xem xét thông qua theo quy trình.

Chiều 29-5, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam và Dự án Luật Đặc xá (sửa đổi). Nhìn chung, các đại biểu khẳng định sự cần thiết ban hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam và sự cần thiết của việc sửa đổi, bổ sung Luật Đặc xá năm 2007. 

Đại biểu Nguyễn Doãn Anh (Đoàn Hà Nội) đề nghị trong luật này cần quy định những chính sách đầu tư mạnh mẽ hơn, để thực hiện mục tiêu hiện đại, trang bị cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam trong giai đoạn trước mắt cũng như những năm tiếp theo... không chỉ đủ sức quản lý an ninh mà còn bảo đảm việc duy trì, chấp hành pháp luật trên biển, đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên biển cũng như làm chỗ dựa cho ngư dân, bảo đảm khả năng cứu hộ, cứu nạn trên biển...

Đại biểu Đào Thanh Hải (Đoàn Hà Nội) nêu rõ, cần quy định trong luật chỉ xét đặc xá nhân dịp Quốc khánh 2-9, hoặc không dưới 3 năm một đợt hay 5 năm một đợt. Theo đại biểu, nếu quy định hằng năm xét đặc xá sẽ trùng với việc tha tù trước thời hạn và như vậy việc đặc xá sẽ không còn ý nghĩa. 

Trước đó, Quốc hội đã nghe Tờ trình, báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

Hiền Thu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Siết” trật tự trên không gian mạng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.