Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không tăng giá điện, ưu tiên sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu

Hiền Lương| 02/06/2018 19:47

(HNMO) - Ngày 2-6, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 5, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội và một số nội dung quan trọng khác. 17h30 cùng ngày, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và lãnh đạo một số bộ tham gia họp báo thông tin về kết quả phiên họp.


Chỉ số giá tiêu dùng tăng cao nhất 6 năm qua

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, thảo luận tại phiên họp, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2018 tiếp tục chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Thống Nhất –TTXVN


Hầu hết các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đều có kết quả tăng so với cùng kỳ. Thu hoạch lúa đông xuân tại các tỉnh phía Nam đạt sản lượng khoảng 13,3 triệu tấn, tăng 1,04 triệu tấn; năng suất đạt 67,5 tạ/ha, tăng 5,2 tạ/ha. Tính chung 5 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,7% (cùng kỳ năm 2017 tăng 6,6%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 5 tháng đầu năm tăng 10,1% so với cùng kỳ, loại trừ yếu tố giá tăng 8,3% (cùng kỳ tăng 7,5%). Tổng lượng khách quốc tế đến nước ta 5 tháng đạt 6,71 triệu lượt, tăng 27,6%. Tổng kim ngạch xuất khẩu trong tháng 5 đạt khoảng 38 tỷ USD, tăng 9,4% so với tháng trước; luỹ kế 5 tháng đầu năm đạt khoảng 93,1 tỷ USD (tăng 15,8% so với cùng kỳ). Cả nước xuất siêu khoảng 3,4 tỷ USD, chiếm gần 3,6% kim ngạch xuất khẩu.

Trong tháng 5, có 11.027 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký trên 104.800 tỷ đồng, tính chung 5 tháng có trên 52.000 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký trên 516.000 tỷ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và 6,4% về số vốn so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đạt 6,75 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ. Góp vốn và mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 2,75 tỷ USD, tăng 53,5% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, mặc dù nền kinh tế nhìn chung có dấu hiệu khởi sắc nhưng một số ngành tiếp tục gặp khó khăn. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,55% so với tháng trước, mức tăng cao nhất trong 6 năm trở lại đây (chủ yếu do tăng giá giao thông 1,72%, dịch vụ ăn uống tăng 0,88%). 

Dùng mọi biện pháp kiểm soát lạm phát dưới 4%

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tuyệt đối không được chủ quan, thoả mãn; tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng, Chính phủ; quyết tâm hành động, nói đi đôi với làm, xem xét xử lý triệt để những vấn đề xã hội đặt ra, những kiến nghị, bức xúc của người dân; tiếp tục chủ động theo dõi, bám sát diễn biến tình hình trong nước, khu vực và quốc tế để có những phản ứng chính sách kịp thời.

Chỉ đạo cụ thể một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, trong điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định và tăng trưởng tích cực, cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy tăng năng suất lao động, cải cách thể chế, cơ cấu lại doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp tư nhân, khởi nghiệp, cơ cấu lại nợ công, kiểm soát tốt lạm phát... Các giải pháp điều hành phải tập trung thực hiện bằng được mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%.

Thủ tướng chỉ đạo, tinh thần là không tăng giá điện trong năm nay; ưu tiên dùng quỹ bình ổn giá xăng dầu; chỉ điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục, y tế nếu điều kiện cho phép, thời điểm phù hợp... Các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường thanh tra, kiểm tra, nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân gây chậm trễ trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công.

Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết của Trung ương về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; nhất là quản lý chặt chẽ các dịch vụ du lịch, ngăn chặn tình trạng tăng giá, chèo kéo, ép khách tại các điểm du lịch; đẩy mạnh công tác rà soát, chấn chỉnh chất lượng dịch vụ lưu trú trên toàn quốc. Thủ tướng cũng yêu cầu, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ thường xuyên đôn đốc, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, ngành, địa phương và báo cáo công khai tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ.

Thực hiện nghiêm kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Nhiều vấn đề đang được dư luận quan tâm đã được lãnh đạo các bộ, ngành giải đáp tại buổi họp báo. Một số vấn đề liên quan đến Thông báo kết luận kỳ họp thứ 26 (từ ngày 28 đến 30-5) của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã được phóng viên nêu với đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước. Báo chí đề cập, khi Thanh tra Chính phủ có kết luận vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG, Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản khẳng định, vụ việc không gây thất thoát tài sản của Nhà nước. Tuy nhiên, trong kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa thông báo chỉ rõ làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước.

Trả lời câu hỏi quan điểm của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc này, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo cho rằng, về nguyên tắc khi có kết luận thanh tra, cơ quan, đối tượng thanh tra có quyền gửi văn bản kiến nghị, giải trình. Khi đó, Bộ Thông tin và Truyền thông có quan điểm, AVG và Mobifone có thỏa thuận với nhau là AVG sẽ hoàn trả toàn bộ số tiền trước đây Mobifone đã bỏ ra mua các cổ phần chuyển nhượng, đồng thời có cam kết tính cả lãi theo quy định.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ: "Bộ quan điểm như thế nên cho rằng không thất thoát. Tuy nhiên, kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương như thế thì quan điểm của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ là tuân thủ, sẽ thực hiện nghiêm kết luận của Thanh tra và của Ủy ban Kiểm tra Trung ương”.

Trước thắc mắc Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về trách nhiệm liên quan đến những sai phạm nghiêm trọng của ông Trần Bắc Hà tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện nghiêm túc kết luận này.

Phó Thống đốc nêu rõ: “Chắc chắn kết luận này sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước, BIDV và hệ thống ngân hàng cả nước rút kinh nghiệm, rà soát và siết chặt mọi hoạt động”.

Từ nay, đất công, tài sản công phải đấu giá công khai

Nêu quan điểm của Chính phủ trước tình hình nhiều dự án đất công được bán với giá rẻ, gây thất thoát tài sản nhà nước, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, đây là vấn đề được Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng trung ương rất quan tâm và đã có chỉ đạo xử lý. Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao cho cơ quan thanh tra xem xét, làm rõ.

“Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là kiên quyết làm rõ những vi phạm và công bố công khai. Từ nay trở đi, dứt khoát đất công, tài sản công phải được đấu giá, công khai minh bạch, để người dân giám sát, thu về cho Nhà nước lợi ích cao nhất”- Bộ trưởng nêu rõ.

Thời gian gần đây, một số tổ chức cho vay tiêu dùng có hành vi đòi nợ gây bức xúc trong dư luận. Trao đổi về việc này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã làm việc với các tổ chức tín dụng có liên quan và yêu cầu chấm dứt ngay những hành động đòi nợ phản cảm. Ngày 15-5, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấn chỉnh việc này, trong đó yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, giám sát để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh.

Đáng chú ý, trao đổi về việc liệu có thanh tra để làm rõ việc tăng vốn của dự án kênh Sào Khê ở Ninh Bình tăng 36 lần vốn đầu tư, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh cho biết, đây là dự án kéo dài rất lâu và có điều chỉnh về quy mô, trong quá trình thực hiện nhiều đoàn thanh tra như của Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước đã làm việc. Hiện nay, Bộ đang đợi báo cáo chi tiết của UBND tỉnh Ninh Bình trước khi quyết định có thanh tra hay kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền làm rõ hay không.

Lý giải về lý do có đề nghị rút Nhà máy Thép Việt Trung ra khỏi 12 đại dự án thua lỗ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong năm 2017, nhà máy này đã lãi 411 tỷ đồng, 5 tháng đầu năm nay tiếp tục lãi gần 500 tỷ đồng. Ngoài ra, nếu được ra khỏi danh sách các dự án thua lỗ thì Nhà máy sẽ được các bạn hàng và ngân hàng nhìn nhận như các doanh nghiệp bình thường, sẽ thuận lợi hơn trong sản xuất kinh doanh. Đây là mong muốn chính đáng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không tăng giá điện, ưu tiên sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.