Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Hiệu quả hơn, thực chất hơn

Hiền Chi| 11/06/2018 06:52

(HNM) - Dù đã đạt được những kết quả rất tích cực trong thời gian qua, song công tác thi đua, khen thưởng vẫn còn bộc lộ những hạn chế cần khắc phục, cả về cách tổ chức, triển khai đến ý chí, quyết tâm của người làm công tác thi đua, khen thưởng.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc trao Cờ thi đua của Chính phủ cho các đơn vị có thành tích xuất sắc năm 2017. Ảnh: Nhật Nam


Còn hình thức, thiếu chủ động

Trong quá trình phát triển, Thủ đô Hà Nội đang đối mặt với nhiều vấn đề mới, phức tạp, cần được quan tâm giải quyết như: Công tác quản lý đô thị, giải phóng mặt bằng, bảo đảm an sinh xã hội, cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, tội phạm và tệ nạn xã hội... Hơn bao giờ hết, các cấp, các ngành của thành phố và mỗi người dân Thủ đô cần thấu hiểu và vận dụng tư tưởng về thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thực tiễn hôm nay. Người từng dạy: “Thi đua phải thiết thực, hiệu quả, không chạy theo thành tích”. Trong khi đó, đây vẫn là điểm yếu trong việc thực hiện phong trào thi đua ở không ít đơn vị.

Qua báo cáo về mô hình thi đua của các đơn vị trong những năm gần đây cho thấy, có những đơn vị chưa nhận thức, chưa quan tâm, chú trọng vào những việc trọng tâm, khâu yếu, việc khó để xây dựng mô hình, chuyên đề thi đua. Cá biệt, có đơn vị còn lấy những trang trại, mô hình kinh doanh của người dân trên địa bàn đã có từ lâu làm “mô hình” đăng ký. Theo lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng thành phố, điều đó không phù hợp và không đáp ứng được yêu cầu đổi mới công tác thi đua, khen thưởng của thành phố.

Bên cạnh đó, việc xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến ở nhiều nơi vẫn còn hạn chế. Theo Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy: “Các phong trào thi đua của huyện được phát động thường xuyên, liên tục. Đặc biệt, phong trào “Người tốt, việc tốt” đã trở thành phong trào quần chúng rộng khắp. Tuy nhiên, ở một số đơn vị, cơ sở còn thiếu tính chủ động trong việc phát động, phong trào chưa bám sát nhiệm vụ trọng tâm nên chưa thu hút được nhiều người tham gia”.

Thực tế trên xuất phát từ việc một số cán bộ lãnh đạo ở địa phương, đơn vị chưa nhận thức sâu sắc về ý nghĩa và vai trò của công tác thi đua, khen thưởng nên việc phát động thi đua còn hình thức, chưa được thường xuyên; nhiều phong trào thi đua phát động thiếu tiêu chí cụ thể dẫn đến hiệu quả chưa cao; việc khen thưởng có nơi, có lúc không kịp thời…

Tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm, phức tạp


Chỉ thị số 34-CT/TƯ ngày 7-4-2014 của Bộ Chính trị "Về việc tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng” đã nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đối với kết quả thực hiện công tác thi đua của đơn vị. Do đó, giải pháp đầu tiên là tạo chuyển biến về nhận thức và cách làm của người đứng đầu ở mỗi cơ quan, đơn vị. Người đứng đầu cần căn cứ vào các nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá của thành phố, kết hợp với đặc điểm, nguồn lực của đơn vị mình để xây dựng những chuyên đề thi đua, đề ra các giải pháp thực hiện, tạo chuyển biến từ cơ sở.

Điều này đã được thực tế chứng minh, ở đâu lãnh đạo quan tâm thì công tác thi đua, khen thưởng ở đó đạt kết quả tốt. Chẳng hạn, UBND quận Long Biên đã xây dựng Đề án đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng quận Long Biên giai đoạn 2016-2020. Theo đề án, các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, đột xuất trong các phong trào thi đua do quận phát động sẽ được thưởng mức cao hơn quy định.

Cụ thể, mức thưởng thành tích đột xuất, sáng kiến, sáng tạo đối với tập thể tối đa gấp 5 lần mức lương cơ sở; đối với cá nhân tối đa là 1 lần mức lương cơ sở. Mức thưởng thành tích đặc biệt xuất sắc dành cho tập thể tối đa gấp100 lần mức lương cơ sở; đối với cá nhân tối đa là 10 lần mức lương cơ sở.

Chủ tịch UBND quận Long Biên Vũ Thu Hà cho biết: “Với sự đổi mới mạnh mẽ trong công tác thi đua, khuyến khích các sáng kiến, sáng tạo, khen thưởng theo cơ chế đặc thù là một trong những yếu tố tăng cường sự tận tụy, trách nhiệm của cán bộ, công chức đối với công việc”.

Chỉ đạo tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức các phong trào thi đua, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu: "Phong trào thi đua phải bám sát nhiệm vụ chính trị được giao và chủ đề công tác hằng năm; quan tâm phát động và triển khai hiệu quả thi đua theo chuyên đề, theo đợt, coi đó là giải pháp đột phá trong tổ chức các phong trào thi đua…".

Trong đó, các địa phương, đơn vị tập trung thi đua thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm, phức tạp như: Cải cách hành chính; an toàn thực phẩm; quản lý trật tự đô thị; phát triển hạ tầng; phát triển y tế, giáo dục; nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh PCI… Người đứng đầu UBND thành phố cũng yêu cầu các ngành, đơn vị lấy kết quả việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ là một trong các tiêu chí để đánh giá kết quả phong trào thi đua.

Với truyền thống và thế mạnh của mình, trong giai đoạn mới, cán bộ và nhân dân Hà Nội quyết tâm thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua, tiếp tục khơi mạch nguồn yêu nước để dựng xây Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng với niềm tin yêu, kỳ vọng của nhân dân cả nước và như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Hiệu quả hơn, thực chất hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.