Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Thành ủy Hà Nội giao ban 6 tháng đầu năm

Hương Ly - Ảnh: Bá Hoạt| 22/06/2018 09:11

(HNMO) - Sáng 22-6, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng chủ trì hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Thành ủy 6 tháng đầu năm 2018.

Quang cảnh cuộc họp.


Báo cáo của Ban Chỉ đạo do Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Huy trình bày tại hội nghị cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2018, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Thành ủy, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp quận, huyện, thị ủy và các đơn vị trong thành phố đã sâu sát, kịp thời, thường xuyên, phát huy hiệu quả, thiết thực. Các cấp, các ngành đã tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ cải cách tư pháp năm 2018, đạt kết quả toàn diện trên các mặt công tác.

Nổi bật là công tác tham gia góp ý xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật được bảo đảm thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, chất lượng. Trong đó, Công an thành phố đã tổ chức nghiên cứu, tham gia ý kiến vào 53 dự thảo văn bản hướng dẫn các bộ luật, luật về tố tụng mới được thông qua có liên quan đến công tác tư pháp. Ban Chỉ đạo cũng xây dựng và ban hành 6 quy trình, quy chế hoạt động của lực lượng cảnh sát điều tra Công an thành phố, Toà án nhân dân thành phố...

Hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ có nhiều đổi mới. Chất lượng công tác giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, điều tra, truy tố, xét xử được nâng lên. Công tác phối hợp giữa các lực lượng điều tra, bổ trợ tư pháp của Công an thành phố cũng như việc phối hợp giữa công an, toà án, viện kiểm sát được thực hiện chặt chẽ, thường xuyên, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của mỗi đơn vị.

Toà án nhân dân hai cấp thành phố đã thụ lý 19.700 vụ án, giải quyết 12.729 vụ, đạt tỷ lệ 64,62%. So với cùng kỳ năm 2017, số vụ án thụ lý đã tăng 1.690 vụ (8,5%), số giải quyết tăng 782 vụ (6,15%). Về chất lượng xét xử, án huỷ là 46 vụ (giảm 11 vụ so với cùng kỳ). Án hình sự đã thụ lý 4.242 vụ/7.827 bị cáo, tăng cả về số vụ và số đã giải quyết so với cùng kỳ... Toà án nhân dân hai cấp thành phố cũng đã ra 3.616 quyết định thi hành án hình sự đối với người bị kết án mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật...

Công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp cũng đã được Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp quan tâm, thực hiện tốt. Công tác cán bộ được thực hiện nghiêm túc trong việc luân chuyển, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, qua đó nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác tư pháp. Việc hỗ trợ các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp cũng tiếp tục được quan tâm thực hiện...

Kết quả cải cách tư pháp 6 tháng đầu năm 2018 đã góp phần tích cực trong việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho công dân.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá: Kết quả cải cách tư pháp 6 tháng đầu năm 2018 đã góp phần tích cực trong việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, môi trường bình yên, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho công dân. Thay mặt Thường trực Thành ủy, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, đặc biệt là các cơ quan tư pháp trong 6 tháng qua.


Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu kết luận hội nghị.


Tuy nhiên, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Thành ủy cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế. Đó là công tác nắm bắt, dự báo, kiểm soát tình hình ở một số đơn vị cấp cơ sở chưa chủ động, còn để gia tăng số vụ phạm pháp hình sự; một số đơn vị chưa quyết liệt trong công tác xác minh, giải quyết tin báo tố giác tội phạm; công tác tự kiểm tra, đôn đốc của một số đơn vị chất lượng chưa cao, một số vụ giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo còn kéo dài.

Bên cạnh đó, công tác thi hành án dân sự còn khó khăn, kết quả đạt thấp so với yêu cầu; việc thực hiện chế định thừa phát lại còn hạn chế, dẫn đến việc giao văn bản, tống đạt các quyết định chậm; việc chuyển đổi phòng công chứng thành văn phòng công chứng còn vướng mắc; hoạt động giám định pháp y, nhất là pháp y tâm thần cũng còn nhiều khó khăn; hoạt động luật sư, công chứng còn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp, có nơi phát sinh tiêu cực…

Về nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị các cấp, các ngành tăng cường, làm tốt hơn công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt là thực hiện Chương trình về “Phối hợp thông tin, tuyên truyền, phổ biến về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp giai đoạn 2015-2020”. 

“Nâng cao hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử, công tác thi hành án; tập trung điều tra, truy tố, xét xử án điểm, án kinh tế, tham nhũng, trọng án; khắc phục tình trạng án quá hạn, án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của hội đồng xét xử, gắn với thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU và Chỉ thị 15-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy” - đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu các cơ quan tư pháp.


Cùng với đó, các cấp, các ngành, các quận, huyện, thị ủy tập trung thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 19-CT/TU ngày 5-12-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy “về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành án dân sự, hành chính”, thu hồi tài sản cho ngân sách Nhà nước, nhất là các vụ án liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng, phấn đấu hoàn thành mục tiêu thi hành xong trên 72% về việc và trên 32% về tiền.

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng cũng lưu ý phải tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động bổ trợ tư pháp, trong đó tập trung thực hiện xã hội hóa công tác này. Muốn vậy, các cơ quan liên quan phải nghiên cứu, đề xuất ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích cá nhân, tổ chức tham gia xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp; đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động này.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị các cơ quan tư pháp thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị và triển khai việc đánh giá cán bộ, công chức hằng tháng theo Quyết định 3814-QĐ/TU ngày 16-5-2018 của Thành ủy. Về triển khai Đề án quy hoạch xây dựng trụ sở làm việc các cơ quan tư pháp thành phố, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng giao trách nhiệm cụ thể cho Ban Quản lý dự án dân dụng và công nghiệp thành phố phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát, Tòa án nhân dân thành phố và các đơn vị liên quan khẩn trương chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện phương án kiến trúc, các thủ tục liên quan để sớm khởi công các dự án theo quy hoạch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Thành ủy Hà Nội giao ban 6 tháng đầu năm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.