Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những nỗ lực và thành tựu lớn từ cuộc kiến tạo chiến lược

Võ Lâm| 25/06/2018 06:57

Ngày 29-5-2008, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 15/2008/QH12 “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh có liên quan”, có hiệu lực từ ngày 1-8-2008. Đây là quyết định mang ý nghĩa lịch sử, thể hiện tầm nhìn chiến lược, mở ra thời kỳ phát triển mới của Thủ đô Hà Nội - trái tim của cả nước.

Sau 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính, Thủ đô Hà Nội ngày càng phát triển khang trang. Ảnh: Hanoi's Panorama


Bài mở đầu: Khẳng định tính đúng đắn, ý nghĩa thực tiễn lâu dài

10 năm trước, đón nhận Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội, không ít người còn băn khoăn, lo lắng về tính hiệu quả và mức độ thành công của việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô. Đến nay, những thành quả đạt được trong chặng đường đã qua, đặc biệt là sự đổi thay, đi lên của Thủ đô đã ngày càng khẳng định tính đúng đắn, ý nghĩa thực tiễn lâu dài của chủ trương mở rộng địa giới hành chính đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển của TP Hà Nội.

Nâng lên một tầm vóc mới

Trước khi trình Quốc hội, các cơ quan chức năng của Chính phủ đã đề ra 6 yêu cầu và 9 tiêu chí tổng hợp làm cơ sở xây dựng và lựa chọn các phương án mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội. Trên cơ sở đó, 5 phương án mở rộng về các hướng khác nhau trên địa giới hành chính của các tỉnh xung quanh Hà Nội đã được đề xuất.

Theo yêu cầu và tiêu chí đặt ra, phương án 1 (TP Hà Nội hợp nhất với tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn - Hòa Bình) đã được lựa chọn với số điểm cao nhất. Đó là phương án giúp Thủ đô Hà Nội có một không gian đủ lớn, đủ quỹ đất thuận lợi để phát triển không chỉ trong thời gian 20-30 năm mà còn cả trong tương lai xa.

Phương án này cũng có điều kiện thuận lợi về quốc phòng, an ninh cho Thủ đô Hà Nội và còn có ưu điểm là không làm xáo trộn nhiều về địa giới hành chính đối với các tỉnh khác. Với phương án này, khi dân số nước ta đạt mức ổn định khoảng 120 triệu người thì Thủ đô có khoảng 10% dân số cả nước, mật độ dân cư từ 3.500 đến 4.000 người/km2, tương đương với mật độ dân số ở thủ đô của một số nước phát triển... Đó cũng chính là phương án đã được 100% đại biểu HĐND TP Hà Nội và các tỉnh Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hòa Bình biểu quyết thông qua trước khi Chính phủ trình Quốc hội.

Việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và các tỉnh có liên quan đã trải qua quá trình chuẩn bị khoa học, kỹ lưỡng, bảo đảm tính khả thi và giá trị bền vững. Và chiều 29-5-2008, 458 đại biểu Quốc hội (chiếm tỷ lệ 92,9%) đã bấm nút đồng ý thông qua Nghị quyết. Cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội đã ký ban hành Nghị quyết số 15/2008/QH12 “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh có liên quan” - một quyết định mang ý nghĩa lịch sử, mở ra một thời kỳ phát triển mới cho Thủ đô Hà Nội.

Phát biểu tại kỳ họp hợp nhất HĐND TP Hà Nội và HĐND tỉnh Hà Tây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - khi đó là Chủ tịch Quốc hội khóa XII - đã khẳng định: “Trong lịch sử phát triển của Thủ đô Thăng Long - Ðông Ðô - Hà Nội, đã có nhiều lần thay đổi, điều chỉnh địa giới hành chính, nhưng có lẽ đây là lần điều chỉnh mở rộng với quy mô lớn nhất từ trước tới nay do yêu cầu phát triển đi lên của đất nước. Không phải ngẫu nhiên mà Trung ương Ðảng, Chính phủ đã chỉ đạo việc nghiên cứu chuẩn bị một cách chặt chẽ, công phu trong nhiều năm để đi đến thống nhất chủ trương (có tính đến ý kiến đề xuất của Thành ủy Hà Nội khóa XIII); và Quốc hội tại kỳ họp thứ ba khóa XII đã xem xét, quyết định một cách nghiêm túc, cẩn trọng theo đúng chủ trương của Ðảng và đúng quy định của pháp luật”.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Ðây là một quyết định mang tính lịch sử, có ý nghĩa thiêng liêng, trọng đại, có tầm nhìn xa không chỉ đối với Thủ đô mà đối với sự phát triển của cả dân tộc...”.

Phân tích của các chuyên gia từ nhiều góc độ cũng như nhận định của nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao giàu kinh nghiệm cho thấy, Hà Nội (mở rộng) chẳng những vẫn giữ được cái thế "rồng cuộn, hổ ngồi", "tiện hướng nhìn sông, tựa núi" như cha ông xưa định hướng mà còn nâng cái thế ấy lên một tầm vóc mới, cao hơn, bề thế hơn, vững chãi hơn dưới ánh sáng của thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh.

Tầm nhìn trăm năm

Khu đô thị Văn Quán, quận Hà Đông.Ảnh: Bá Hoạt


5 năm trước, đánh giá bước đầu về kết quả thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội, đồng chí Nguyễn Sinh Hùng khi đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội khóa XIII đã nêu rõ: “Thủ đô Hà Nội hôm nay đã có thế và lực mới, với sức mạnh được nhân lên không chỉ từ quy mô, tiềm năng, thế mạnh sẵn có; từ những thành tựu đáng tự hào đạt được trong suốt quá trình phấn đấu bền bỉ những năm qua; từ sự giàu có của các giá trị lịch sử, văn hóa; mà cả từ truyền thống đoàn kết, thống nhất, bản lĩnh, trí tuệ của đội ngũ cán bộ các cấp, và sự đồng thuận to lớn của nhân dân”.

Quả vậy, sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội đã có bước phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, từ kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, thu hút đầu tư, cải cách hành chính, an sinh xã hội... Hà Nội tiếp tục duy trì là một trong 2 đầu tàu kinh tế của cả nước, với mức tăng trưởng kinh tế luôn bằng 1,5 lần trở lên so với mức tăng trưởng chung của cả nước.

Quy mô tổng sản phẩm nội địa (GRDP) năm 2017 đạt khoảng 660 nghìn tỷ đồng (tương đương 30 tỷ USD), bình quân thu nhập đầu người khoảng 86 triệu đồng/năm, tăng 2,3 lần so với năm 2008. Thu ngân sách, từ hơn 57.000 tỷ đồng của cả Hà Nội và Hà Tây năm 2007, đến năm 2012, thu ngân sách cả thành phố tăng lên đạt 146.331 tỷ đồng, chiếm hơn 20% cả nước; đến năm 2017, con số này đạt hơn 200.000 tỷ đồng.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam dẫn chứng, thị xã Hà Đông trước đây, nay là quận Hà Đông giờ còn lớn mạnh hơn nhiều so với một số quận của Hà Nội; nếu không hợp nhất với Thủ đô, Hà Đông không thể được thành tựu như ngày nay. Ông chia sẻ: “Đi xa về mới thấy Hà Nội thay đổi từng ngày”.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát đánh giá, trong 10 năm qua, TP Hà Nội đã giải quyết một khối lượng công việc khổng lồ “như nước sông Hồng” và đã thực hiện được đầy đủ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, quyết định mở rộng địa giới hành chính Thủ đô là công việc cho hàng trăm năm chứ không phải chỉ cho vài ba năm hay vài chục năm.

Đây cũng là quan điểm của Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng: “Phải đặt tầm nhìn là 50 năm, 100 năm mới đánh giá hết được sự cần thiết của việc mở rộng địa giới hành chính”. Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nói: “Khi lên đỉnh tòa cao ốc Lotte ngắm nhìn Hà Nội, chúng ta thấy một diện mạo khác biệt, Thủ đô đã thay đổi trông thấy”.

Khi thảo luận tại tổ về “việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh có liên quan” cách đây 10 năm, đại biểu Quốc hội Trần Bá Thiều (Đoàn TP Hải Phòng) nhận định: “Việc mở rộng Hà Nội lúc này là cần thiết, cơ bản hợp lòng dân. Đây là thời điểm Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa”.

10 năm sau, là một trong những đại biểu Quốc hội đã bấm nút thông qua Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội như đại biểu Trần Bá Thiều, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng quả quyết: “Với những gì thành phố đạt được như hiện nay, tôi chắc chắn rằng các đại biểu tán thành Nghị quyết 15/2008/QH12 như tôi sẽ rất hài lòng với quyết định của bản thân”.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những nỗ lực và thành tựu lớn từ cuộc kiến tạo chiến lược

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.