Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sớm đưa các nghị quyết vào cuộc sống

Hiền Lương| 30/06/2018 06:24

(HNM) - Ngày 29-6, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt, triển khai các nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII).

Quang cảnh điểm cầu Trung ương hội nghị cán bộ toàn quốc học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết Trung ương 7, khóa XII của Đảng. Ảnh: Phương Hoa


Dự hội nghị ở điểm cầu Trung ương đặt tại phòng họp Diên hồng, tòa nhà Quốc hội (số 1 đường Độc Lập, quận Ba Đình, Hà Nội) có đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư cùng các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Phó Thủ tướng Chính phủ; Phó Chủ tịch Quốc hội; Ủy viên Trung ương Đảng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương; các ban Cán sự đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc Trung ương...

Dự tại điểm cầu chính của TP Hà Nội (trụ sở Thành ủy) có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Hoàng Trung Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc; Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn. Cùng dự còn có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố; các Thành ủy viên; trưởng, phó các ban, ngành, đoàn thể của thành phố; Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Thành ủy; Bí thư, Phó Bí thư, Trưởng ban Tuyên giáo, Trưởng ban Tổ chức các đảng ủy trực thuộc Thành ủy; các báo cáo viên trung ương và thành phố...

TP Hà Nội còn truyền trực tuyến hội nghị đến 32 điểm cầu gồm: 30 điểm cầu các quận, huyện, thị xã và điểm cầu Bộ Tư lệnh Thủ đô, điểm cầu Cục Hải quan Hà Nội. Riêng tại quận Ba Đình còn có 14 điểm cầu của 14 phường.

Chủ động tự nghiên cứu nghị quyết


Khai mạc hội nghị, đồng chí Trần Quốc Vượng nêu rõ, các nghị quyết được thông qua tại Hội nghị Trung ương 7 là sự cụ thể hóa các nhiệm vụ trọng tâm đề ra trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; đề cập đến những vấn đề lớn, hệ trọng, vừa cấp bách trước mắt, vừa cơ bản lâu dài, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước; tác động to lớn, sâu sắc đến đời sống tâm tư của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân.

Đồng chí Thường trực Ban Bí thư yêu cầu, các đại biểu dự hội nghị đề cao tinh thần trách nhiệm, chú ý lắng nghe các báo cáo viên trình bày để nắm vững nội dung cơ bản của các nghị quyết, nhất là những vấn đề mới, kết hợp với nghiên cứu tài liệu, trao đổi thảo luận, liên hệ thực tiễn địa phương, đơn vị để nhận thức đầy đủ nội dung của các nghị quyết.

Sau hội nghị, các cấp ủy, tổ chức Đảng, đoàn thể phải nhanh chóng xây dựng kế hoạch, tổ chức tốt việc triển khai học tập, quán triệt và tuyên truyền, giới thiệu 3 nghị quyết cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ở đơn vị và địa phương.

Đồng chí Trần Quốc Vượng lưu ý: “Quá trình tổ chức học tập, tuyên truyền nghị quyết phải coi trọng tính thuyết phục, hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng; kiên quyết khắc phục “bệnh” lười học nghị quyết, học tập hình thức, đối phó và tiếp tục đổi mới học tập nghị quyết trên cơ sở quan trọng là cá nhân chủ động tự nghiên cứu, trao đổi và thảo luận”.

Đáng chú ý, đồng chí Trần Quốc Vượng chỉ đạo, trong quá trình tổ chức học tập, quán triệt các nghị quyết Hội nghị Trung ương 7, cấp ủy các cấp dành thời gian quan tâm, đánh giá, tổng hợp những đề xuất, kiến nghị, kể cả những ý kiến khác trong nhận thức và tổ chức thực hiện nghị quyết để có hình thức giải đáp kịp thời, báo cáo với Bộ Chính trị, Ban Bí thư; kiên quyết đấu tranh với những ý kiến không mang tính xây dựng, những quan điểm sai trái, thù địch, cản trở việc nghiên cứu, học tập, tuyên truyền và tổ chức thực hiện các nghị quyết.

2 trọng tâm, 5 đột phá về xây dựng đội ngũ cán bộ


Giới thiệu, quán triệt Nghị quyết số 26-NQ/TƯ về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho biết, nghị quyết được xây dựng trên quan điểm đổi mới, coi phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, đổi mới kinh tế đồng bộ với đổi mới hệ thống chính trị.

Đi sâu phân tích 5 quan điểm chỉ đạo, các mục tiêu và 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của nghị quyết, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã làm rõ những nội dung mới, thể hiện quyết tâm tạo bước đột phá của Trung ương Đảng trong xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược.

Đáng chú ý, trong 9 nhóm giải pháp cụ thể nhằm “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ”, Trung ương xác định đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng: Xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí cụ thể, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Trung ương sẽ chỉ đạo xây dựng chương trình quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và học tập ngoại ngữ; xây dựng chiến lược quốc gia về thu hút và trọng dụng nhân tài theo hướng không phân biệt đảng viên hay người ngoài Đảng, người Việt Nam ở trong nước hay ở nước ngoài...

Đặc biệt, Trung ương sẽ chỉ đạo xây dựng quy định để việc nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm trở thành nếp văn hóa ứng xử của cán bộ; hoàn thiện các quy định về cách chức, bãi nhiệm, miễn nhiệm để việc “có lên, có xuống”, “có vào, có ra” trở thành bình thường trong công tác cán bộ.

Thực hiện 8 nhiệm vụ, giải pháp, Trung ương xác định 2 trọng tâm và 5 đột phá. Trong đó, Trung ương quyết tâm kiểm soát chặt chẽ quyền lực, sàng lọc kỹ càng, thay thế kịp thời, chấm dứt tình trạng "chạy chức, chạy quyền"; thực hiện nhất quán chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương ở những nơi đủ điều kiện; cải cách chính sách tiền lương và nhà ở để tạo động lực cho cán bộ phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc...

Bảo đảm sự thống nhất về nhận thức và hành động

Tiếp theo, hội nghị đã nghe Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giới thiệu, quán triệt Nghị quyết số 28-NQ/TƯ về “Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội”. Phân tích 5 quan điểm chỉ đạo của Trung ương, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: “Thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và của mỗi người dân”.

Phân tích 11 nội dung cải cách, 5 nhiệm vụ, giải pháp và 4 nội dung tổ chức thực hiện nghị quyết, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Chính phủ đã giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng dự thảo chương trình hành động thực hiện nghị quyết. Trong tháng 8, Bộ sẽ hoàn thành nhiệm vụ này.

Quán triệt Nghị quyết số 27-NQ/TƯ về “Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp”, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân khẳng định, quan điểm chỉ đạo cải cách tiền lương của Trung ương là tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương. Trả lương phải đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội...

Làm rõ mục tiêu, các nội dung cải cách, 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp và 6 nội dung tổ chức thực hiện, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, hằng năm, sẽ dành khoảng 50% tăng thu dự toán và 70% tăng thu thực hiện của ngân sách địa phương, khoảng 40% tăng thu ngân sách trung ương cho cải cách chính sách tiền lương.

Phát biểu bế mạc hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị, các cấp ủy tiếp tục phát huy tinh thần, hiệu quả tại hội nghị lần này, thực hiện tốt theo Hướng dẫn số 65-HD/BTGTƯ ngày 28-5-2018; phát huy vai trò của báo chí; chủ động, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới việc học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng bảo đảm thực chất, hiệu quả, lan tỏa mạnh trong đời sống xã hội.

Đồng thời, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương và các tổ chức Đảng căn cứ Kế hoạch số 10-KH/TƯ, ngày 6-6-2018 của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7, Ban chấp hành Trung ương khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ và căn cứ tình hình của Đảng bộ xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện, phân công trách nhiệm rõ ràng để sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng đề nghị, cấp ủy các cấp thực hiện tốt chỉ đạo của đồng chí Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng trong phát biểu khai mạc, trước hết là kiên quyết khắc phục “bệnh” lười học nghị quyết. Vì đây là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị được nêu rõ trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và lười học nghị quyết còn là nguyên nhân dẫn đến một biểu hiện suy thoái khác là “Nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.

Đồng chí Võ Văn Thưởng cũng lưu ý, việc thực hiện các nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 phải gắn với thực hiện các nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, Hội nghị Trung ương 5 và Hội nghị Trung ương 6 khóa XII; bảo đảm sự thống nhất về nhận thức và hành động, phát huy vai trò, trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sớm đưa các nghị quyết vào cuộc sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.