Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lãnh đạo Hà Nội giao ban trực tuyến quý II-2018 bàn 3 vấn đề "nóng"

Võ Lâm-Hương Ly - Ảnh: Viết Thành| 10/07/2018 08:39

(HNMO) - Sáng nay, 10-7, Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND TP Hà Nội tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến quý II-2018 với lãnh đạo quận, huyện, thị xã.



Chủ trì hội nghị ở điểm cầu chính đặt tại trụ sở Thành ủy Hà Nội (số 219, đường Trần Phú, quận Hà Đông) có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Hoàng Trung Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc.


Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung điều hành hội nghị.


Dự hội nghị có đại biểu một số cơ quan trung ương; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, trưởng các ban Đảng Thành ủy; các Phó Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố; trưởng các ban của HĐND thành phố; lãnh đạo Văn phòng Thành ủy, Văn phòng HĐND thành phố, Văn phòng UBND thành phố, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố; các Thành ủy viên, lãnh đạo các sở, ban, ngành. Tham gia hội nghị tại các điểm cầu địa phương có Bí thư, Chủ tịch UBND, lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn của các quận, huyện, thị xã.

Ba nội dung quan trọng được hội nghị thảo luận đều liên quan thiết thân đến đời sống dân sinh, gồm có: Tăng cường các biện pháp bảo đảm công tác phòng cháy và chữa cháy, ứng phó, khắc phục xử lý sự cố thiên tai và cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn thành phố; công tác cấp nước sạch; tình hình tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm của thành phố.

Nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ

Mở đầu hội nghị, báo cáo tình hình, kết quả tăng cường các biện pháp bảo đảm công tác phòng cháy và chữa cháy, ứng phó, khắc phục xử lý sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn thành phố, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội cho biết, 6 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn thành phố xảy ra 411 vụ cháy, 2 vụ nổ; trong đó có 2 vụ cháy lớn, 7 vụ cháy nghiêm trọng; thiệt hại ước tính hơn 263 tỷ đồng và 1,8ha rừng. Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy đã tổ chức cứu nạn, cứu hộ 53 vụ, cứu được 80 người.

Đáng chú ý, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã ban hành các văn bản tổ chức thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy và chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố. Trong đó, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Công văn số 868-CV/TU ngày 23-3-2018 về “Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố”; UBND thành phố ban hành Đề án “Nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy giai đoạn 2018-2020”...

Thực hiện chỉ đạo của thành phố, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã đã tích cực khắc phục hạn chế, yếu kém, tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động. Cơ chế quản lý nhà nước về phòng cháy và chữa cháy ngày càng được siết chặt. 6 tháng đầu năm, toàn thành phố đã kiểm tra gần 20.000 lượt cơ sở, xử lý vi phạm hành chính gần 1.500 trường hợp với tổng số tiền phạt gần 4 tỷ đồng, tạm đình chỉ 447 lượt cơ sở, đình chỉnh hoạt động 259 lượt cơ sở...

Công tác kiểm tra, xử lý, chấn chỉnh các sai phạm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về an toàn phòng cháy và chữa cháy được tăng cường. Số trường hợp bị xử phạt và số tiền phạt tăng. Thành phố đã chỉ đạo rà soát 1.109 cơ sở, công trình nhà cao tầng và siêu cao tầng, trong đó có 426 công trình vi phạm phòng cháy, chữa cháy. UBND thành phố cũng đã ban hành văn bản yêu cầu chủ đầu tư các công trình này khắc phục thiếu sót, tồn tại về phòng cháy, chữa cháy. 

Đối với 79 công trình đã đưa vào sử dụng, có vi phạm, chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy, đến nay, thành phố đã đôn đốc 52 công trình khắc phục xong; hiện đang đôn đốc 13 công trình có khả năng khắc phục, khẩn trương tổ chức thực hiện để nghiệm thu theo quy định. Còn 14 công trình khó có khả năng khắc phục, thành phố yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ, luận chứng báo cáo Bộ Công an, Bộ Xây dựng thẩm duyệt, thẩm định các giải pháp thay thế.

Thành phố cũng đã củng cố 3 hồ sơ về 3 công trình vi phạm để chuyển cơ quan điều tra - Công an thành phố xem xét, xử lý theo quy định (CT4, CT5A-B, CT6 Văn Khê, quận Hà Đông). Riêng dạng nhà cao tầng, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố cũng đã phối hợp với Sở Xây dựng, Thanh tra thành phố kiểm tra hơn 5.500 lượt cơ sở; ban hành 504 công văn kiến nghị về công tác phòng cháy, chữa cháy; lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 244 lượt cơ sở với tổng số tiền trên 3,7 tỷ đồng...

Phát biểu tại hội nghị, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an thành phố nhận định, tình hình cháy nổ trên địa bàn Thủ đô vẫn ở mức nguy hiểm, nếu không triển khai chuẩn bị tốt để thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy theo phương án "4 tại chỗ" thì không thể ứng phó kịp thời khi xảy ra cháy. Vì hiện nay, lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên nghiệp còn nhiều khó khăn, trang bị còn bất cập... Giám đốc Công an thành phố cho rằng, một mặt cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền để người dân chủ động hơn về phòng cháy, chữa cháy, mặt khác cần xử lý các vi phạm về phòng cháy, chữa cháy một cách cứng rắn, dứt khoát.


Trung tướng Nguyễn Thế Kết, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô phát biểu tại hội nghị.


Trung tướng Nguyễn Thế Kết, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô cho biết, quân đội luôn xác định phòng chống thiên tai, cứu nạn, cứu hộ là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Đồng tình với ý kiến của Giám đốc Công an thành phố về ý nghĩa quan trọng của phương châm “4 tại chỗ” trong phòng cháy, chữa cháy, Trung tướng Nguyễn Thế Kết cho biết, đang tập huấn các lực lượng dân quân, tự vệ, cũng như phối hợp cùng các địa phương tập huấn, hướng dẫn người dân, đặc biệt là người dân ở các khu chung cư, nâng cao khả năng chủ động phòng cháy, chữa cháy. Bộ Tư lệnh Thủ đô cũng đã chỉ huy các đơn vị đóng quân phối hợp với các lực lượng trên địa bàn xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ bảo đảm tính chủ động theo tinh thần “4 tại chỗ”. 

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ, tại những địa bàn có hoạt động du lịch, địa phương cần chú ý tuyên truyền để không xảy ra việc du khách sử dụng lửa gây cháy rừng. Đáng chú ý, ông Chu Phú Mỹ cho biết, hiện nay, lực lượng tham gia công tác phòng, chống cháy rừng rất đông nhưng trang bị yếu, hạ tầng phòng, chống cháy rừng cũng hạn chế, nhất là khó khăn về đường giao thông để đưa phương tiện chữa cháy vào rừng.

Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư xây dựng các công trình văn hoá - xã hội thành phố Nguyễn Trường Sơn cho hay, đơn vị đã lập xong dự án đầu tư trang thiết bị cho Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, được Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, nên sẽ sớm trình UBND thành phố để triển khai thực hiện.

Theo Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Nguyễn Hoài Nam, tình hình cháy nổ diễn biến rất phức tạp do sự phát triển khách quan của thành phố. Đồng tình với báo cáo của Ban cán sự Đảng UBND thành phố, nhất là những chuyển biến về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhà nước; chuyển biến về nhận thức từ người dân đến doanh nghiệp; nhưng ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng, ở nhiều nơi, chính quyền chưa thật sự quyết tâm, chưa thể hiện đẩy đủ trách nhiệm trong phòng cháy, chữa cháy. Công an một số nơi chưa làm hết trách nhiệm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xử lý nghiêm vi phạm để ngăn chặn cháy, nổ. Sự phối hợp giữa Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy và chính quyền địa phương chưa thậ sự tốt, đơn cử, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy lập hơn 800 biên bản xử phạt hành chính nhưng lại chưa bàn giao cho chính quyền để tăng cường quản lý... Ngoài ra, kỹ năng, nghiệp vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy chưa tốt, chủ yếu là chống cháy lan.


Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Nguyễn Hoài Nam phát biểu tại hội nghị.


Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn chia sẻ, để tăng cường hiệu quả phòng cháy, chữa cháy, quận đã xây dựng quy chế phối hợp giữa cảnh sát phòng cháy và chữa cháy với công an quận, ban chỉ huy quân sự quận. Tuy nhiên, nguy cơ cháy nổ trên địa bàn vẫn rất phức tạp, còn nhiều bất cập cần được khắc phục ngay. Nổi bật là trên địa bàn quận có 350 ngõ, ngách rất nhỏ hẹp, không sử dụng được các phương tiện chữa cháy. Ngoài ra, tại khu vực phường Chương Dương ngoài đê sông Hồng còn 8 nhà gỗ có nguy cơ cháy rất cao. Ông Dương Đức Tuấn kiến nghị Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố hỗ trợ quận về tập huấn phương án chữa cháy trong ngõ sâu, đề nghị thành phố cho phép mở thêm cửa khẩu ra khu vực ngoài đê, bố trí một số téc nước để phục vụ chữa cháy trên các tuyến phố.


Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Vương Văn Bút cho biết, trên địa bàn có nhiều cơ sở có nguy cơ xảy ra cháy, trong đó có các chợ cấp 2 được xây dựng từ trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy có hiệu lực. Vừa qua, trên địa bàn đã xảy ra cháy chợ Sóc Sơn gây thiệt hại khoảng 50 tỷ đồng. Nguyên nhân ban đầu là do chập điện tại hộ kinh doanh dày dép, gây cháy lan. Theo ông Vương Văn Bút, người dân vẫn còn rất chủ quan trong phòng cháy, chữa cháy. Đồng tình với ý kiến cần phải mạnh tay xử lý các vi phạm về phòng cháy, chữa cháy, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn đề nghị Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy kiên quyết thu hồi giấy phép kinh doanh của các cơ sở kinh doanh có điều kiện khi để xảy ra vi phạm về phòng cháy, chữa cháy.


Tỷ lệ người dân đô thị trên địa bàn Hà Nội được cấp nước sạch đạt gần 100%

Trình bày báo cáo về công tác cấp nước sạch trên địa bàn thành phố tại hội nghị, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết, khu vực đô thị gồm 12 quận nội thành và thị xã Sơn Tây có quy mô dân số hơn 3,2 triệu người. Hiện nay, tổng công suất các nguồn cấp nước tập trung khoảng 950.000 đến 1 triệu m3/ngày/đêm. Tỷ lệ người dân đô thị được cấp nước đạt gần 100%. Tuy nhiên, còn một số hộ dân vẫn sử dụng nguồn cấp nước cục bộ và chưa đấu nối với hệ thống cấp nước tập trung của thành phố. 

Khu vực nông thôn có 416 đơn vị hành chính cấp xã thuộc 17 huyện và thị xã Sơn Tây với tổng dân số khoảng hơn 4,3 triệu người. Tính đến hết tháng 5-2018, thành phố đã chỉ đạo các nhà đầu tư thực hiện xây dựng mạng lưới cấp nước, bảo đảm khả năng đấu nối cấp nước đạt gần 52%. Số dân nông thôn tiếp cận nguồn nước sạch hiện đạt hơn 2,2 triệu người. Trong năm 2018, thành phố đã đầu tư mạng lưới cấp nước và đấu nối bổ sung cho khoảng 19.445 hộ với hơn 77.800 người. Dự kiến trong năm nay, các dự án phát triển mạng lưới cấp nước sẽ hoàn thành, đấu nối cấp nước bổ sung cho khoảng 61.000 hộ với 244.000 người, nâng tỷ lệ cấp nước nông thôn lên trên 55%.

Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục trình bày báo cáo về công tác cấp nước sạch trên địa bàn thành phố.

Giám đốc Sở Xây dựng cũng cho biết, từ tháng 6-2016 đến nay, UBND thành phố đã tích cực kêu gọi xã hội hóa đầu tư phát triển nguồn, phát triển mạng lưới đường ống cấp nước. UBND thành phố cũng chỉ đạo các sở, ngành tiếp tục thực hiện cải cách hành chính để đẩy nhanh các thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khởi công xây dựng các nhà máy nước, phát triển mạng lưới cấp nước, kiểm tra, rà soát các công trình cấp nước nông thôn được đầu tư từ nguồn ngân sách trước đây để bàn giao cho các doanh nghiệp có đủ kinh nghiệm quản lý, vận hành, bảo đảm hoạt động hiệu quả, dừng đầu tư các trạm cấp nước không hiệu quả… Đến nay, TP Hà Nội đã chấp thuận cho 23 nhà đầu tư triển khai 34 dự án với phạm vi cấp nước cho 267 xã, khoảng 614.347 hộ, với gần 2,5 triệu người. Các dự án hoàn thành sẽ nâng tỷ lệ cấp nước khu vực nông thôn lên khoảng 94%. 

Cũng theo ông Lê Văn Dục, để xây dựng hệ thống cấp nước cho khu vực đô thị và nông thôn với cùng một tiêu chuẩn cấp nước là nước sạch ăn uống, UBND thành phố đã đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hiện nay, UBND TP Hà Nội đã giao Sở Xây dựng triển khai lập điều chỉnh Quy hoạch cấp Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hiện các đơn vị tư vấn đang hoàn thiện đồ án để tổ chức hội thảo lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học, đơn vị quản lý. 

Tham luận tại hội nghị, đề cập tới vấn đề chất lượng nước sạch, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, huyện có 28 xã, thị trấn, với nhu cầu sử dụng nước sạch rất cao. Hiện nay, hơn 20% nguồn cấp nước được cung cấp bởi Công ty nước sạch Hà Đông. Tuy nhiên, nguồn nước này chất lượng không bảo đảm. Qua tiếp xúc cử tri, người dân mong muốn nguồn cấp nước sẽ được đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng nhằm bảo đảm sức khỏe cho nhân dân. Đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn cũng đề nghị thành phố quan tâm giúp đỡ để huyện có thể sớm đấu nối nguồn cấp nước với Công ty nước sạch Hà Nam, phấn đấu tới năm 2020, 100% các xã của huyện Phú Xuyên được sử dụng nước sạch. 

Liên quan đến chất lượng nước sạch, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Hà Đông Vũ Ngọc Phụng nhấn mạnh vai trò của đơn vị cung cấp nước sạch. 

“Giám đốc Công ty nước sạch Hà Đông đã khẳng định với cử tri quận rằng nếu nguồn nước do công ty cung cấp có hàm lượng asen vượt ngưỡng cho phép thì giám đốc sẵn sàng xin từ chức” - đồng chí Vũ Ngọc Phụng cho biết.

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Bạch Công Tiến phản ánh những khó khăn về hạ tầng khi triển khai cấp nước sạch tại các xã: Khánh Thượng, Minh Quang, Minh Châu của huyện. Do nằm ở địa hình núi cao, thuộc vùng sâu, vùng xa,  việc triển khai cấp nước sạch tại các xã này gặp nhiều khó khăn, phải sử dụng bơm tăng áp. Huyện mong muốn thành phố quan tâm, có phương án hỗ trợ các xã này khi triển khai mạng lưới cấp nước sạch.

21 công trình trọng điểm chậm tiến độ

Cũng tại hội nghị, báo cáo về tiến độ triển khai các công trình trọng điểm của thành phố giai đoạn 2016-2020, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, hiện tổng số công trình trọng điểm của Hà Nội là 55 dự án với tổng mức đầu tư là 487.276 triệu đồng. Trong đó, có 26 dự án ngân sách và ODA; 27 dự án đầu tư theo hình thức PPP và 2 dự án xã hội hóa.

Tính đến hết tháng 6-2018, trong tổng số 55 dự án, có 4 dự án đầu tư công hoàn thành, 17 dự án chuyển tiếp đang được đẩy nhanh tiến độ thi công và 34 dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư. So với kế hoạch đề ra, tiến độ một số công trình còn chậm. Dự kiến đến hết năm 2020, 34/55 dự án đáp ứng đúng tiến độ đã được phê duyệt và 21 dự án chậm tiến độ.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, nguyên nhân chậm tiến độ là do công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều vướng mắc, một số dự án phải điều chỉnh thiết kế, thủ tục đầu tư, nhiều dự án phải xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành…

Giám đốc Sở Tài chính Hà Minh Hải phát biểu tại hội nghị.


Từ thực tế triển khai các dự án trọng điểm, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Vương Văn Bút cho biết, dự án khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn hiện đang vướng một số vấn đề liên quan tới công tác giải phóng mặt bằng. Huyện rất mong thành phố hỗ trợ các chính sách giải phóng mặt bằng nhằm tránh gây bức xúc trong nhân dân. 

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Bạch Công Tiến cũng nêu một số khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng dự án đầu tư tiếp nước, cải tạo, khôi phục sông Tích. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng tại dự án này đã đi tới giai đoạn tổ chức đền bù. Do nguồn gốc đất đai của người dân tại khu vực này khá phức tạp, UBND huyện đã trình Sở Tài nguyên và Môi trường phương án tái định cư bằng tiền để chi trả cho các hộ dân. Huyện cũng kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành liên quan sớm xây dựng hoàn trả các công trình phải giải tỏa để thực hiện giải phóng mặt bằng, như nghĩa trang nhân dân của một số xã, nhằm sớm ổn định đời sống người dân.

Tham luận tại hội nghị, Giám Sở Giao thông - Vận tải Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Tài chính Hà Minh Hải khẳng định sẽ tuân thủ nghiêm các quy định, tạo điều kiện tối đa để đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình trọng điểm của thành phố giai đoạn 2016-2020. Theo đồng chí Vũ Văn Viện, một trong những nhiệm vụ quan trọng thời gian tới là tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ mục tiêu vì sao phải kêu gọi nhiều hơn nguồn huy động từ xã hội hóa để đầu tư các công trình trọng điểm, bởi nguồn ngân sách hiện nay rất eo hẹp. Nếu chỉ trông chờ vào vốn ngân sách, sẽ khó lòng đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm - đòi hỏi một lượng vốn rất lớn. 

Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Phạm Thị Thanh Mai và Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Nguyễn Nguyên Quân cũng nêu những vướng mắc, bất cập dẫn tới tình trạng triển khai các dự án trọng điểm của thành phố giai đoạn 2016-2020 chậm tiến độ. Theo đề xuất của các ban, bên cạnh việc quy trách nhiệm cá nhân khi để dự án chậm tiến độ, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã có liên quan phải tổ chức giao ban hằng tháng, kịp thời tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.


Thành phố sẽ cho làm sạch các đường ống cũ đã sử dụng nhiều năm

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu kết thúc phần thảo luận tại hội nghị.


Sau 17 ý kiến thảo luận về 3 nội dung “nóng”, phát biểu kết thúc thảo luận, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, Ban Cán sự đảng UBND thành phố đã đưa ra yêu cầu rất chặt chẽ là đối với các chủ đầu tư có công trình vi phạm về phòng cháy, chữa cháy mà chưa khắc phục thì không cấp chủ trương đầu tư dự án mới. Bằng cách này, thời gian qua, tiến độ khắc phục các vi phạm về phòng cháy, chữa cháy đã được đẩy lên. Để tăng cường năng lực phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo các quận, huyện, thị xã rà soát, kiểm tra lại toàn bộ vật tư, trang bị liên quan cũng như các phương án, kế hoạch để khi có phân công công việc, các đơn vị triển khai bảo đảm kịp thời, hiệu quả.

Về cung cấp nước sạch, đồng chí Nguyễn Đức Chung cho hay,  thành phố đã và đang tổ chức thí điểm nhiều mô hình cung cấp nước sạch, kêu gọi được 23 chủ đầu tư và bao phủ được 94% diện tích cấp nước sạch của vùng nông thôn. Thực tiễn xây dựng hệ thống cung cấp nuớc tại các huyện: Quốc Oai, Thạch Thất, Phú Xuyên cho thấy, cần phải chọn chủ đầu tư có năng lực; công tác triển khai phải được cập nhật tiến độ; lãnh đạo địa phương cần tuyên truyền cho người dân tham gia sử dụng nước, lắp đặt công tơ. Các địa phương cũng cần quan tâm tháo gỡ vướng mắc cho chủ đầu tư để đẩy nhanh tiến độ.

Sắp tới, thành phố sẽ chỉ đạo làm sạch đường ống cũ đã sử dụng nhiều năm, đồng thời kiến nghị Bộ Y tế cấp tiêu chuẩn nước sạch của thành phố theo tiêu chuẩn Châu Âu, uống nước tại vòi, làm căn cứ triển khai thực hiện.

Về tiến độ triển khai các công trình trọng điểm, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, thành phố tổ chức giao ban hằng tháng đối với các chủ đầu tư, lãnh đạo quận, huyện, thị xã; đồng hành với chủ đầu tư tháo gỡ vướng mắc khó khăn.


Kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đánh giá cao 17 ý kiến đã thể hiện tâm huyết, trách nhiệm; nắm chắc tình hình, nội dung kiến nghị thiết thực.


Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu kết luận hội nghị.


Trao đổi, chỉ đạo các nội dung liên quan tại hội nghị, trước hết là về công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, trong ba năm gần đây, mỗi năm còn xảy ra trên 800 vụ cháy mà chưa có chiều hướng giảm là rất đáng lo ngại. Chỉ rõ hàng loạt những hạn chế, yếu kém, đồng chí nhấn mạnh, cấp ủy, chính quyền các cấp thành phố phải coi khắc phục bất cập, tăng cường phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ là nhiệm vụ quan trọng nhất, vì liên quan đến tính mạng người dân. Phân tích, chỉ rõ từng giải pháp trọng tâm, trọng điểm, Bí thư Thành ủy chỉ đạo các cơ quan chức năng thành phố tăng cường xử lý vi phạm về phòng cháy, chữa cháy; áp dụng các biện pháp cưỡng chế nghiêm minh.


Về công tác cấp nước sạch, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, thành phố đặt ra chỉ tiêu cao đến năm 2020, 100% người dân thành phố được sử dụng nước sạch sinh hoạt, vì đây là điều kiện quan trọng nhằm bảo đảm sức khoẻ người dân. Đồng chí Hoàng Trung Hải chỉ đạo, các cấp, các ngành phải rà soát từng dự án, giao ban thường xuyên để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy tiến độ. Các cấp ủy, chính quyền phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư và người dân để cùng chung sức, đồng lòng tham gia có trách nhiệm cao vào công việc này. Đối với các dự án trọng điểm, đồng chí Hoàng Trung Hải lưu ý, các ngành, các cấp chú trọng làm tốt công tác truyền thông, tạo đồng thuận trong xã hội để thực hiện các dự án được thuận lợi...


Bí thư Thành ủy Hà Nội tin tưởng, với quyết tâm của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, sự vào cuộc trách nhiệm của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự ủng hộ của người dân, 3 nội dung quan trọng được đưa ra thảo luận tại hội nghị giao ban quý II-2018 sẽ có những chuyển biến tích cực trong thời gian tới. (Xem chi tiết phát biểu kết luận hội nghị của Bí thư Thành ủy tại đây).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lãnh đạo Hà Nội giao ban trực tuyến quý II-2018 bàn 3 vấn đề "nóng"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.