Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tập trung phát triển nguồn lực con người - Bài 2: Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân

Thu Trang| 13/07/2018 06:30

(HNM) - Sau khi Hà Nội điều chỉnh địa giới hành chính, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ đã đặt ra cho ngành Y tế Thủ đô nhiều khó khăn, thách thức trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.


Xóa dần khoảng cách giữa các tuyến

Đề cập đến những khó khăn của những ngày đầu khi Thủ đô điều chỉnh địa giới hành chính, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đánh giá, đó là sự chênh lệch giữa các tuyến y tế. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, trình độ chuyên môn của y, bác sĩ, nhất là ở tuyến huyện và xã còn thiếu, yếu nên chưa thu hút được người bệnh đến khám, dẫn đến tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến trên. Thời điểm đó, bài toán đặt ra là phải “khỏa lấp” khoảng cách này. Và nhờ đề án cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới, diện mạo y tế cơ sở của Hà Nội dần được cải thiện.

Khám, kiểm tra sức khỏe cho người bệnh tại Bệnh viện Tim Hà Nội. Ảnh: Nhật Nam


Thời điểm trước tháng 7-2014, Khoa Sản của Bệnh viện Đa khoa huyện Phúc Thọ chỉ có một bác sĩ, một y sĩ và 6 nữ hộ sinh. Là bệnh viện tuyến huyện, nhưng do không có bác sĩ gây mê, Khoa Sản không thể thực hiện các ca mổ đẻ, mổ phụ khoa. Trung bình mỗi tháng, toàn khoa chỉ đỡ đẻ từ 5 đến 7 ca. Kể từ ngày 1-7-2014 đến nay, theo chỉ đạo của Sở Y tế Hà Nội, các bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội lần lượt thay nhau về Bệnh viện Đa khoa huyện Phúc Thọ làm việc, thực hiện chương trình hỗ trợ chuyên môn tại đây. Nhờ đó, trong 4 năm qua, Khoa Sản của Bệnh viện Đa khoa huyện Phúc Thọ đã thay đổi. Số ca đẻ tại đây tăng lên 150-180 ca/tháng, đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu sinh đẻ toàn huyện và nhân dân một số xã của các huyện lân cận. Phẫu thuật nội soi - một kỹ thuật trước đây bệnh viện không dám nghĩ tới, thì nay đã được áp dụng thường quy cho các trường hợp chửa ngoài tử cung, thủng dạ dày, viêm ruột thừa, thoát vị bẹn...

Theo Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, không chỉ tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ngành Y tế Hà Nội còn đầu tư trang thiết bị, phát triển các kỹ thuật cao ở hệ thống bệnh viện tuyến huyện. Hiện tại, 100% bệnh viện tuyến huyện đã triển khai phẫu thuật nội soi cắt túi mật, cắt u nang buồng trứng, viêm ruột thừa, u xơ tiền liệt tuyến… Một số bệnh viện có thể cấp cứu kịp thời cho những ca nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao. Điển hình là Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất đã cứu sống người bệnh bị đâm thủng tim, cứu sống mẹ con sản phụ bị vỡ tử cung đột ngột. Các bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì, Quốc Oai, Đan Phượng đã triển khai kỹ thuật chạy thận nhân tạo. Nhiều bệnh viện tuyến huyện phát triển được các kỹ thuật của bệnh viện hạng I trong các lĩnh vực ngoại khoa, sản khoa, tim mạch… Nhờ đó, chất lượng chuyên môn ở một số bệnh viện tuyến huyện đã có thay đổi lớn, thu hút được nhiều người dân địa phương đến khám, chữa bệnh, góp phần giảm tải cho tuyến trên.

Tạo niềm tin yêu hơn nữa nơi người dân Thủ đô

Dù nguồn nhân lực được nâng lên, song ngành Y tế Hà Nội lại đang thiếu nhiều dịch vụ chăm sóc sức khỏe kỹ thuật cao cũng như các cơ sở khám, chữa bệnh tiêu chuẩn quốc tế. Hơn nữa, địa bàn Thủ đô là nơi tập trung các bệnh viện đầu ngành tuyến trung ương. Vì vậy, muốn khẳng định vị thế, ngoài việc tập trung phát triển chuyên môn, kỹ thuật mới, hiện đại…, ngành Y tế tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thay đổi phong cách, thái độ phục vụ người bệnh của nhân viên y tế.

Phòng ốc khang trang, sạch sẽ, nhân viên y tế niềm nở, thủ tục rút gọn, chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên... là những thay đổi dễ nhận thấy của ngành Y tế Thủ đô thời gian qua. Ngay tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang - đơn vị y tế đầu tiên của Hà Nội áp dụng thẻ từ thông minh, thay vì phải xếp hàng lấy số thứ tự, giờ đây chỉ mất 3 giây để quẹt thẻ, người bệnh đã được nhân viên hướng dẫn lên phòng khám gặp bác sĩ. Ngoài ra, bệnh viện còn sơn vạch chỉ đường cho người bệnh trên sàn nhà theo dấu hiệu: Màu đỏ là lối đi đến khu vực xét nghiệm máu, màu vàng chỉ lối đến khu chụp X-quang, màu xanh chỉ lối đến phòng thăm dò chức năng. Quy trình khám, chữa bệnh theo 5 bước được công khai ngay từ khu vực tiếp đón nên bệnh nhân đều được phục vụ theo tiêu chí “nhanh gọn, chính xác, thân thiện”. Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang Nguyễn Văn Thường cho biết, thẻ từ không chỉ giúp người bệnh giảm thời gian chờ đợi, hạn chế thủ tục phiền hà, mà còn tích hợp, có thể lưu trữ toàn bộ thông tin và hồ sơ bệnh án của người bệnh, giúp họ chủ động tra cứu thông tin về sức khỏe trên hệ thống…

Không chỉ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, tại nhiều bệnh viện tuyến huyện và tuyến thành phố như: Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức…, công tác cải cách hành chính đang được đẩy mạnh. Các bệnh viện chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế, nhằm rút ngắn thời gian chờ đợi của bệnh nhân. Bệnh nhân mắc bệnh mạn tính đã được quản lý trên mạng với mã số riêng và bệnh nhân đến khám có thể đặt lịch hẹn qua điện thoại, qua website…

Trong năm 2017, Hà Nội đã có 5 bệnh viện tự chủ tài chính và trong năm 2018, Hà Nội tiếp tục có thêm 13 bệnh viện thực hiện tự chủ về thu - chi. Thực tế cho thấy, muốn có nguồn thu, bệnh viện phải thu hút được người bệnh. Điều này đặt ra những nhiệm vụ mới cho ngành Y tế Thủ đô trong thời gian tới. Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền cho biết, những đổi thay về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực tại hệ thống cơ sở y tế trên địa bàn Thủ đô thời gian qua là rất cần nhưng chưa đủ, quan trọng là y đức người thầy thuốc. Người thầy thuốc không chỉ khám bệnh bằng trình độ, năng lực chuyên môn mà phải bằng cả tấm lòng, trách nhiệm với người bệnh, góp phần tạo niềm tin yêu hơn nữa nơi người dân Thủ đô đối với ngành Y tế Hà Nội.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung phát triển nguồn lực con người - Bài 2: Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.