Theo dõi Báo Hànộimới trên

Còn 43 luật, pháp lệnh cần ban hành từ nay đến năm 2020

TTXVN| 19/07/2018 06:57

Sáng 18-7, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật năm 2018.

Hội nghị chuyên đề công tác xây dựng pháp luật năm 2018. Ảnh: VGP/Lê Sơn


Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cùng đại diện lãnh đạo Quốc hội, các ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành liên quan...

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chỉ rõ, thời gian tới, khối lượng công việc phải thực hiện rất nhiều, bên cạnh các dự án đã được đưa vào chương trình còn nhiều dự án phải bổ sung theo yêu cầu của Nghị quyết Trung ương để bảo đảm hoàn thành trong năm 2019, chưa kể một số dự án cần ban hành để tiếp tục thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp, thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đáp ứng yêu cầu thực tiễn cuộc sống…

Do vậy, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải nâng cao trách nhiệm, chủ động cân đối công việc trong từng giai đoạn cụ thể, có kế hoạch chi tiết, quyết liệt triển khai và tập trung nguồn lực để thực hiện, hoàn thành đầy đủ, kịp thời nhiệm vụ xây dựng pháp luật được giao.

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, giai đoạn từ nay đến năm 2020 còn một lượng lớn các luật, pháp lệnh (43 luật, pháp lệnh) cần phải được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới, chưa kể các dự án luật, pháp lệnh khác để thể chế hóa Nghị quyết Trung ương lần thứ bảy (khóa XII) đang được tiếp tục rà soát để đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành. Trong đó, có nhiều dự án phải hoàn thành trong năm 2018, năm 2019 như Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức, Luật Nhà ở...

Trong số này, có 13 dự án luật đã được đưa vào Chương trình năm 2018 và năm 2019; 9 dự án luật đang được nghiên cứu, lập đề nghị, dự kiến đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2018 và năm 2019; 21 dự án luật, pháp lệnh còn lại đang được các bộ, cơ quan ngang bộ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất trong đó có nhiều dự án phải xác định lại sự cần thiết ban hành, phạm vi điều chỉnh. Như vậy, Chương trình cuối năm 2018 và năm 2019 sẽ rất nặng; số lượng dự án luật phối hợp chỉnh lý và trình tại kỳ họp thứ sáu sẽ tăng lên 18 dự án; năm 2019 sẽ tăng lên là 23 dự án.

Bộ trưởng Lê Thành Long cũng thẳng thắn thừa nhận, chất lượng một số dự án luật, pháp lệnh còn hạn chế; tài liệu, hồ sơ của một số dự án luật chưa bảo đảm yêu cầu về nội dung, hình thức dẫn đến việc phải rút ra khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh...

Cơ bản đồng tình với báo cáo, các đại biểu nhấn mạnh, những tồn tại, hạn chế nêu trên không phải là vấn đề mới, vì thế phải có biện pháp quyết liệt để khắc phục. Các đại biểu đề nghị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các bộ, bảo đảm chất lượng, đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, trình, ban hành văn bản, khắc phục tình trạng xin rút, xin lùi thời hạn trình các dự án luật, pháp lệnh.

Bên cạnh đó, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp phụ trách và chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật; coi việc hoàn thành Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được giao là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Còn 43 luật, pháp lệnh cần ban hành từ nay đến năm 2020

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.