Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều điểm sáng khẳng định sức vươn của Hà Nội

Nhóm phóng viên| 01/08/2018 05:24

(HNM) - Sau 10 năm thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính, Thủ đô Hà Nội đã có sự phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, nhiều ngành đã trở thành điểm sáng của cả nước, thể hiện sức vươn mạnh mẽ của Thủ đô trong thời gian tới. Đó là nhận xét của lãnh đạo các cơ quan, bộ, ngành trung ương, Báo Hànộimới xin giới thiệu một số ý kiến với bạn đọc.

Hà Nội dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới. Trong ảnh: Xã Hoa Sơn (huyện Ứng Hòa) xanh, sạch, đẹp. Ảnh: Bá Hoạt



Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường:
Hà Nội là điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới



Tròn 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô, Hà Nội tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ, xứng đáng là Thủ đô, "đầu tàu" kinh tế của cả nước. Trong số những thành tựu này, xây dựng nông thôn mới của Hà Nội đang là điểm sáng của cả nước. Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình 02-CTr/TU về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân" giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2016-2020. Hà Nội có vùng nông thôn rộng lớn với 18 huyện, thị xã, do vậy, sự quan tâm của Thành ủy đối với Chương trình là rất “trúng”. Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU đã triển khai thực hiện rất bài bản, đặc biệt là việc thành lập Ban Chỉ đạo từ cấp thành phố xuống cấp xã. Quá trình thực hiện, đã xây dựng được hệ thống cơ chế, chính sách rất cụ thể và có nhiều đề án dành nguồn lực tập trung cho thiết chế hạ tầng, hỗ trợ sản xuất cho các địa phương.

Trong những năm qua, Hà Nội đã chọn việc khó nhất nhưng căn bản nhất làm khâu đột phá trong thực hiện Chương trình 02-CTr/TU, đó là dồn điền, đổi thửa và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc làm này cần nhiều công sức và cách làm sáng tạo mà không phải nơi nào cũng làm được. Đây là cơ sở để tích tụ ruộng đất, đầu tư khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hiện nay, nông nghiệp của Hà Nội đang có sự chuyển dịch đúng hướng, phản ánh đúng lợi thế của nền nông nghiệp ven đô. Đặc biệt, thu nhập bình quân khu vực nông thôn của Thủ đô hiện đạt 43 triệu đồng/người/năm, cao hơn bình quân chung cả nước (34 triệu đồng/người/năm). Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả cao, được nhân dân ủng hộ. Đến nay, Hà Nội đã có 294 xã, chiếm hơn 76% tổng số xã và 4 huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Đây là thành công lớn của Hà Nội.

Tôi mong thời gian tới, Hà Nội tiếp tục khai thác lợi thế ven đô theo hướng nông nghiệp đặc sản và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các tỉnh, thành phố khác. Hà Nội nên là trung tâm đầu mối, chế biến, xuất khẩu của cả nước; nông nghiệp ven đô cần phát triển được du lịch sinh thái, đặc sản, cảnh quan, môi trường, ngành nghề. Ngoài ra, Hà Nội cần thu hút doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp hạt nhân theo phân khúc; có thể phát triển nông trại, gia trại; đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút nguồn lực xây dựng nông thôn mới; tiếp tục có đột phá trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn mới.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh:
Phát huy tâm huyết, sáng kiến của mỗi người dân



Trong 10 năm qua, TP Hà Nội đã chuyển mình mạnh mẽ, diện mạo Thủ đô thay đổi từng ngày. Thành quả đó thể hiện sự nỗ lực và quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân.

Lịch sử đã chứng minh, “chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”, ở đâu nhân dân được phát huy quyền làm chủ, ở đó đời sống kinh tế - xã hội phát triển. Trong 10 năm qua, TP Hà Nội đã rất chú trọng triển khai các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, điển hình như cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, nay là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; đã hướng mạnh về cơ sở, phát huy tinh thần sáng tạo từ mỗi cộng đồng dân cư, tạo nên xung lực mới xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại. An sinh xã hội ngày càng được cải thiện, chất lượng cuộc sống người dân được nâng cao.

Để tiếp tục đưa Thủ đô Hà Nội phát triển trong thời gian tới, theo tôi, thành phố cần tiếp tục phát huy hơn nữa sức mạnh của các tầng lớp nhân dân, triển khai sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động đến cơ sở; phát huy tâm huyết, sáng kiến và sự đóng góp của mỗi người dân. Cùng với đó, thành phố tăng cường vai trò làm chủ của nhân dân thông qua các hoạt động giám sát và phản biện xã hội, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố chủ động hơn trong nắm tình hình các tầng lớp nhân dân, tham mưu, đề xuất với cấp ủy, phối hợp với chính quyền giải quyết thấu đáo những vấn đề bức xúc; kịp thời định hướng dư luận xã hội, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà:
Hà Nội đã đóng góp quan trọng vào số thu ngân sách của cả nước



Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, số thu ngân sách của TP Hà Nội giai đoạn 2008-2017 liên tục đạt và vượt dự toán đề ra, tăng trung bình 12,69%/năm. Tính riêng năm 2017, thu ngân sách thành phố đạt 212.276 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với năm 2008. Chi ngân sách địa phương tăng bình quân 15,28%/năm, năm 2017 gấp 3,6 lần so với năm 2008. Thực tế cho thấy, số thu trên địa bàn TP Hà Nội chiếm 20,7% tổng thu ngân sách nhà nước. Kết quả thu ngân sách mà ngành Tài chính Thủ đô đạt được đã góp phần rất quan trọng vào số thu chung, có ý nghĩa lớn đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành Tài chính, cũng như nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Cùng với việc hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước, ngành Tài chính Thủ đô cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người nộp thuế, qua đó đã góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Cục Thuế Hà Nội cũng là một trong những đơn vị đi đầu của ngành Thuế về việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế, có tới 98% doanh nghiệp kê khai qua mạng, 95% doanh nghiệp nộp thuế điện tử. Công tác thanh tra, kiểm tra thuế, đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra, kiểm toán, đẩy mạnh công tác quản lý, đôn đốc và cưỡng chế thu hồi nợ thuế cũng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tính đến ngày 30-6-2018, số nợ đọng thuế của đơn vị đã giảm 4,36% so với cuối năm 2017. Cục Thuế Hà Nội cũng đã tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc đôn đốc đối với các khoản thu từ đất, giải quyết khó khăn, vướng mắc đối với các dự án còn nợ tiền sử dụng đất, tiền thuế đất. Chúng tôi mong muốn thời gian tới, ngành Tài chính Thủ đô sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh, phấn đấu tăng cường quản lý, chống thất thu ngân sách, góp phần cùng cả nước hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu ngân sách được giao.

Tiến sĩ Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê:
Những con số khẳng định sức vươn của Hà Nội




10 năm qua, kinh tế Thủ đô duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân hằng năm giai đoạn 2008-2017 đạt 7,41%. Quy mô kinh tế được mở rộng, GRDP năm 2017 theo giá hiện hành đạt 658,6 nghìn tỷ đồng, gấp 2,8 lần năm 2008. Nếu tính theo giá so sánh, GRDP năm 2017 cao gấp 1,9 lần năm 2008. Do đạt mức tăng trưởng cao nên GRDP bình quân đầu người của Hà Nội tăng nhanh trong giai đoạn vừa qua.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ, công nghiệp - xây dựng và giảm dần tỷ trọng ngành Nông nghiệp. Tỷ trọng giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ trong GRDP tăng từ 56,6% năm 2008 lên 57,6% năm 2017; khu vực công nghiệp và xây dựng từ 28,7% lên 29,7%... Hà Nội cũng là địa phương đạt kết quả đáng ghi nhận trong thu hút đầu tư. Đơn cử, lực lượng doanh nghiệp dân doanh tăng nhanh, với 231.922 doanh nghiệp đăng ký ở thời điểm cuối năm 2017. Môi trường đầu tư, kinh doanh của Hà Nội từng bước được cải thiện. Đặc biệt, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng liên tục 6 năm liền kể từ năm 2012. Năm 2017, Hà Nội xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố - cao nhất từ trước tới nay. Những con số trên đã minh chứng cho sức vươn của Hà Nội.

Tuy nhiên, đến nay, Hà Nội vẫn chưa phát huy hết thế mạnh và tiềm năng, thể hiện trên một số vấn đề như chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp; kinh tế tri thức, hàm lượng chất xám có giá trị gia tăng cao của các ngành kinh tế chủ lực chưa rõ nét; sự quá tải của hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ thiết yếu; vấn đề ô nhiễm và bảo vệ môi trường còn phức tạp...

Để thu hút thêm nhiều vốn đầu tư, Hà Nội cần tích cực đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phấn đấu nâng cao các chỉ số thành phần của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); tập trung cải cách thủ tục hành chính trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, dịch vụ công; đẩy mạnh tái cơ cấu các ngành kinh tế. Khuyến khích, phát triển mạnh các loại hình dịch vụ có trình độ và chất lượng cao, nâng cao hiệu quả hoạt động xuất - nhập khẩu; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; đẩy mạnh việc bảo vệ môi trường; xây dựng thành phố văn minh, hiện đại để thu hút hơn nữa khách du lịch trong nước và quốc tế...

Tiến sĩ Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo:
Quy hoạch mạng lưới trường lớp theo định hướng giáo dục thông minh



Trong 10 năm qua, chất lượng giáo dục - đào tạo của Hà Nội có sự chuyển biến mạnh mẽ về cả lượng và chất. Các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy, học trong các nhà trường được cải thiện rõ rệt theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ, hiện đại; công tác kiên cố hóa trường lớp, xóa phòng học tạm, phòng học nhờ, phòng học xuống cấp… được đặc biệt quan tâm. 

Hà Nội cũng đã chú trọng việc chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện tốt đổi mới nội dung, phương pháp dạy học; đổi mới đánh giá người học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất; tăng cường tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học. Chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn của Hà Nội ngày một nâng cao, nằm trong tốp các địa phương dẫn đầu. Khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các nhà trường ở các quận, thị xã và các huyện ngày càng được rút ngắn. Tại thời điểm vừa điều chỉnh địa giới hành chính, ngành Giáo dục - Đào tạo Hà Nội gặp không ít khó khăn, tỷ lệ cán bộ quản lý và giáo viên có trình độ trên chuẩn còn thấp, chất lượng chưa đồng đều giữa các trường khu vực nội thành và ngoại thành, cơ cấu còn chưa hợp lý, còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ... Suốt 10 năm qua, TP Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả nhằm đáp ứng có chất lượng yêu cầu, nhiệm vụ giai đoạn mới và là một trong những đơn vị dẫn đầu cả nước về chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên.

Những năm tới, Hà Nội cần tiếp tục quan tâm thực hiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp học theo định hướng giáo dục thông minh, chất lượng, hiệu quả; tập trung đầu tư xây dựng trường học theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa và đạt chuẩn quốc gia; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên nhằm thực hiện có hiệu quả đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông và các chủ trương, chính sách mới về giáo dục - đào tạo...

Hà Nội là địa phương nằm trong tốp đầu cả nước về chất lượng giáo dục toàn diện. Ảnh: Bá Hoạt

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều điểm sáng khẳng định sức vươn của Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.