Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài

Hiền Thu - Ảnh: Hữu Tiệp| 02/08/2018 15:22

(HNMO) - Chiều 2-8, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã làm việc với UBND thành phố Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016.

Quang cảnh hội nghị lãnh đạo TP làm việc với đoàn giám sát


Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung tiếp và làm việc với Đoàn giám sát. Dự buổi làm việc còn có Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản; Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Bùi Huyền Mai, cùng đại diện một số sở, ban, ngành thuộc thành phố.

Phát biểu mở đầu, đồng chí Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, Hà Nội là đơn vị cuối cùng đoàn giám sát, trước khi hoàn thiện báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tuần tới.

Đồng chí Nguyễn Đức Hải khẳng định các nguồn vốn nước ngoài đóng góp vai trò rất quan trọng trong việc hình thành các cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho Thủ đô. Nhiều công trình đã để lại ấn tượng không chỉ với nhân dân Thủ đô và cả nước, tiêu biểu như cầu Nhật Tân sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản.

Để nguồn vốn ODA của nước ngoài được sử dụng hiệu quả trong thời gian tới, tránh dàn trải, trước mắt cần phối hợp với các nguồn vốn trong nước, bảo đảm sự phát triển về kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng… TP Hà Nội hiện nay có nhiều dự án lớn cần được đánh giá thực trạng và những vấn đề phát sinh để tiếp tục hoàn thành trong thời gian tốt nhất, tránh kéo dài…

Báo cáo với đoàn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản cho biết, giai đoạn 2011-2016, UBND thành phố triển khai thực hiện 14 chương trình/dự án sử dụng vốn vay nước ngoài, với tổng số vốn vay (tất cả đều là vốn vay ODA) là gần 69.000 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn vay ODA đã ký hiệp định vay với các nhà tài trợ là gần 43.000 tỷ đồng. Số vốn vay ODA đã giải ngân là gần 11.600 tỷ đồng. Hầu hết các dự án sử dụng vốn vay ODA được đầu tư cho các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, ít có khả năng sinh lời trực tiếp, như: Hệ thống giao thông đô thị, môi trường, cấp nước, thoát nước… nhưng đã có đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, góp phần thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bên cạnh kết quả tích cực cũng còn một số hạn chế về tiến độ thực hiện, phát sinh chi phí, chính sách, quy trình thủ tục… cần sớm được quan tâm tháo gỡ.

Sau khi đại diện các ban quản lý dự án, các sở, ngành của thành phố trả lời các câu hỏi thành viên đoàn công tác đặt ra, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, tất cả dự án đầu tư công, chương trình vay đều được Thành ủy, HĐND thành phố xem xét thông qua. Đặc biệt, nhờ tiết kiệm chi, thành phố không phải phát hành 8.000 tỷ đồng trái phiếu. Nguồn vốn này được Hà Nội chủ động cho các dự án đường sắt đô thị. Tuy nhiên, với các dự án đường sắt đô thị, theo quy định hiện nay, việc giải ngân vốn ODA thực hiện theo hạn mức mỗi năm và các đơn vị chỉ thi công chưa đến nửa năm đã hết vốn làm chậm tiến độ... Do đó, Chủ tịch UBND thành phố kiến nghị đoàn công tác báo cáo Quốc hội, Chính phủ để giải ngân theo tiến độ dự án nhằm bảo đảm sớm đưa dự án vào khai thác, đáp ứng mong mỏi của nhân dân. Theo Chủ tịch UBND thành phố, dù đã chủ động tiết kiệm chi, kêu gọi đầu tư, xã hội hóa các dự án trọng điểm, nhưng Thủ đô vẫn rất cần nguồn vốn của Chính phủ để giải quyết các dự án lớn, như dự án làm sạch sông Tô Lịch, sông Nhuệ…

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cũng nhấn mạnh việc thành phố đã đề xuất với Quốc hội, Chính phủ giữ nguyên phần điều tiết 35% từ tổng thu ngân sách của thành phố trong thời gian tới để Hà Nội thực hiện đầu tư phát triển cũng như kiến nghị Trung ương cho phép thành phố dùng nguồn vốn cổ phần hóa các doanh nghiệp để đầu tư các dự án đường sắt đô thị…

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao cách làm của Hà Nội trong quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài, đặc biệt là tinh thần kiên quyết, chủ động trong quan hệ với các nhà tài trợ và việc sắp xếp lại bộ máy quản lý dự án theo hướng tinh gọn. Đồng chí Nguyễn Đức Hải đề nghị, trong việc sử dụng vốn vay ODA để xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, TP Hà Nội cần tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, triển khai dự án một cách đồng bộ, bảo đảm hài hòa với lợi ích của người dân.


Ghi nhận những kiến nghị của thành phố, Trưởng đoàn đề nghị TP Hà Nội sớm làm việc với các bộ, ngành liên quan để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đoàn cũng sẽ tham mưu với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các kiến nghị, đề xuất của thành phố để điều chỉnh, bổ sung những cơ chế, chính sách hợp lý, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả từng chương trình, dự án đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của nước ngoài trong thời gian tới.

Trước đó, Đoàn đã giám sát thực tế tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội và tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.