Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để giải quyết kịp thời kiến nghị của cử tri...

Bài, ảnh: Việt Tuấn| 14/08/2018 06:48

(HNM) - Các ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc lĩnh vực kinh tế - ngân sách, đô thị luôn chiếm tỷ trọng lớn tại các cuộc tiếp xúc với đại biểu HĐND các cấp thuộc TP Hà Nội...


Kiến nghị nhiều, giải quyết bao nhiêu?

Trưởng ban Đô thị HĐND TP Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân cho biết, tại các cuộc tiếp xúc cử tri, đa số các ý kiến, kiến nghị đều liên quan đến lĩnh vực kinh tế - ngân sách, đô thị. Chỉ riêng kỳ họp thứ sáu (HĐND thành phố khóa XV) đã có 165/227 kiến nghị của cử tri liên quan đến hai nội dung trên (chiếm 72,7%).

Hội nghị chuyên đề về kinh nghiệm, kỹ năng tổng hợp giải quyết các kiến nghị của cử tri thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu HĐND các cấp.


Không chỉ ở cấp thành phố, tại các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND quận, huyện, thị xã, những ý kiến, kiến nghị về các vấn đề liên quan đến kinh tế - ngân sách, đô thị cũng chiếm đa số. Ở các quận, huyện: Đống Đa, Hà Đông, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Ba Vì, Phú Xuyên… mỗi đợt tiếp xúc cử tri có đến 70% ý kiến liên quan đến lĩnh vực đô thị, đất đai, cơ chế chính sách.

Sau mỗi cuộc tiếp xúc, các tổ đại biểu HĐND từ thành phố đến quận, huyện, thị xã đều tiếp thu, tổng hợp, đề nghị các cơ quan hữu quan trả lời với tỷ lệ đạt hơn 90%. Song, kết quả giải quyết các kiến nghị chưa như mong muốn. Trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện Ba Vì Nguyễn Hoàng Cường chia sẻ, các ý kiến, kiến nghị của cử tri trong huyện đều được các cơ quan chức năng tiếp thu, trả lời, nhưng tỷ lệ giải quyết xong chỉ đạt 10%. Lý do là nhiều kiến nghị vượt thẩm quyền giải quyết của địa phương phải chuyển lên cấp thành phố, trung ương. Đơn cử như kiến nghị của cử tri về Dự án xây dựng khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên chậm triển khai 10 năm, gây bức xúc trong dư luận. Dự án trên vượt thẩm quyền giải quyết, nên huyện Ba Vì cũng chỉ tiếp thu, chuyển thành phố và đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Theo phản ánh của HĐND các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Sóc Sơn, Mê Linh…, ngoài khó khăn trong giải quyết các kiến nghị của cử tri liên quan đến các dự án chậm triển khai, những kiến nghị về công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án cũng gặp nhiều khó khăn, không giải quyết được ngay. Nguyên nhân là chính sách liên quan đến công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho nhân dân có đất bị thu hồi còn thiếu đồng bộ; việc tuyên truyền để nhân dân hiểu, tạo sự đồng thuận còn hạn chế. Ngoài ra, tình trạng cử tri kiến nghị trùng lắp vấn đề cũng rất phổ biến.

Tích cực đôn đốc, giám sát

Để giải quyết tốt các kiến nghị của cử tri, nhiều đại biểu HĐND thành phố và các quận, huyện, thị xã cho rằng, cần làm tốt việc tổng hợp, đôn đốc, theo dõi, giám sát việc trả lời của các cơ quan hữu quan.

Trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện Sóc Sơn Dương Văn Thay cho biết: Khi tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri nên phân loại theo từng lĩnh vực, đồng thời xác định rõ thẩm quyền giải quyết thuộc cấp, ngành nào để chuyển tới đúng địa chỉ; tổng hợp phải mang tính khái quát, khách quan, chính xác. Đặc biệt, kiến nghị của cử tri phải được chuyển đến thủ trưởng các đơn vị có thẩm quyền giải quyết, tránh việc chuyển cho đối tượng không đúng thẩm quyền. Trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND quận Hai Bà Trưng Trần Quyết Thắng cho rằng, ngay từ khâu thu thập các ý kiến, thư ký hội nghị tiếp xúc cử tri cần ghi chép trung thực, đầy đủ, khách quan. Cử tri trình bày chưa rõ thì chủ tọa hội nghị cần đề nghị cử tri diễn đạt rõ hơn, để việc phân loại từ đầu bảo đảm chính xác.

Theo Phó Trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện Mê Linh Trần Đăng Khoa, khó nhất là việc giải quyết các nội dung kiến nghị của cử tri nên cấp ủy, chính quyền cần coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, quy rõ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Từ thực tế của một quận mới thành lập, có tốc độ đô thị hóa cao như Bắc Từ Liêm, Chủ tịch HĐND quận Nguyễn Hữu Tuyên cho rằng, cần chú trọng thực hiện các biện pháp để nâng cao chất lượng công tác tổng hợp, theo dõi kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri. Việc bố trí cán bộ có năng lực, kinh nghiệm, nắm vững tình hình để tổng hợp, theo dõi, đôn đốc vấn đề cử tri kiến nghị cần được đặc biệt coi trọng. Đồng thời, các cơ quan của HĐND cần chủ động trao đổi, thống nhất nội dung, hình thức và cơ chế phối hợp giải quyết những vấn đề cử tri đã nhiều lần nêu, các kiến nghị chưa được giải quyết.

Theo Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Phạm Thị Thanh Mai, để giải quyết tốt các kiến nghị của cử tri, cần có quy định rõ về quy trình, trách nhiệm trong việc đôn đốc giải quyết trên thực tế, chứ không chỉ đơn thuần tổng hợp văn bản trả lời cử tri là xong. Bên cạnh việc các cấp ủy Đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên công tác này, UBND các cấp cần tăng cường phân cấp, ủy quyền cho các cơ quan, để trả lời, giải quyết kịp thời các kiến nghị của cử tri, nhất là trong lĩnh vực kinh tế - ngân sách, đô thị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để giải quyết kịp thời kiến nghị của cử tri...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.