Theo dõi Báo Hànộimới trên

Băn khoăn cả hai phương án xử lý tài sản tăng thêm không rõ nguồn gốc

Quốc Bình| 11/09/2018 15:37

(HNMO) - Chiều 11-9, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tổ chức lấy ý kiến vào dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Chủ trì hội nghị, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Bùi Huyền Mai cho biết, bản dự thảo mới nhất lấy ý kiến các đại biểu gồm 11 chương, 96 điều. Đây là dự án luật đặc biệt quan trọng, được cử tri và đại biểu Quốc hội rất quan tâm, đã được xem xét, cho ý kiến qua 2 kỳ họp, dự kiến được thông qua tại kỳ họp thứ sáu sắp tới.


Các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến về một số nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau. Trong đó, bàn về các phương án xử lý tài sản thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc (Điều 57), các đại biểu đều nghiêng về phương án xử lý tại toà án.

Luật sư Đỗ Minh Sơn (Đoàn Luật sư Hà Nội) băn khoăn cả về hai phương án xử lý tại toà và thu thuế. Vì nếu xử lý tại toà thì đây là loại tố tụng chưa được làm rõ. Còn nếu chọn phương án đánh thuế, vô tình đã công nhận tài sản bất minh là hợp pháp. Ông Sơn đề nghị nên tịch thu hết tài sản tăng thêm không giải thích hợp lý về nguồn gốc. Tuy nhiên, luật sự Đỗ Minh Sơn cho rằng, nếu phải chọn một trong 2 phương án thì ông sẽ chọn xử lý tại toà án.

Chánh án Toà án nhân dân thành phố Nguyễn Hữu Chính cho rằng, xử lý tài sản tăng thêm không giải thích được hợp lý về nguồn gốc, tốt nhất là thông qua toà án. Vì chỉ có toà án mới đưa ra những phán quyết là tài sản hợp pháp nhưng trốn thuế để thu thuế hay tài sản bất hợp pháp phải bị tịch thu. Ông Chính cho rằng, để thực hiện được phương án này thì phải có cơ quan hướng dẫn về thủ tục tố tụng. Bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng, nên áp dụng phương án 2, là thu thuế.

Các đại biểu cũng góp ý vào nhiều nội dung khác. Đáng chú ý, TS Vũ Văn Tính, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia cho rằng, dự thảo luật có thể sẽ sớm lạc hậu vì có nhiều công cụ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mà trong tương lai gần sẽ phổ biến và giúp ích hiệu quả cho phòng, chống tham nhũng, như dữ liệu lớn (Big data), chuỗi khối (Blockchain)... chưa được đề cập đến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Băn khoăn cả hai phương án xử lý tài sản tăng thêm không rõ nguồn gốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.