Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở TP Hà Nội giao ban quý III-2018

Hương Ly - Ảnh: Bá Hoạt| 28/09/2018 16:52

(HNMO) - Chiều 28-9, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở TP Hà Nội đã chủ trì hội nghị giao ban quý III, triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý IV-2018 của Ban Chỉ đạo.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu kết luận hội nghị Ban chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. 


Báo cáo do Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Đào Ngọc Triệu trình bày cho thấy, trong quý III-2018, Ban Chỉ đạo thành phố đã thành lập 4 đoàn kiểm tra việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở 40 xã, phường, thị trấn thuộc 20 quận, huyện.

Một số đơn vị làm tốt như quận Hoàng Mai gắn thực hiện quy chế dân chủ với triển khai công tác giải phóng mặt bằng, quận Long Biên tích cực xây dựng, triển khai quy chế dân chủ trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và bảo vệ môi trường. Việc xây dựng, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại các xã, phường, thị trấn và các loại hình khác tiếp tục được triển khai nghiêm túc, khoa học, bài bản, gắn với các chỉ thị, nghị quyết của Đảng.

Bên cạnh đó, việc thực hiện Quyết định số 2200-QĐ/TU của Thành ủy về việc ban hành Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn thành phố đã đi vào nền nếp.

Đến nay, 14/30 quận, huyện, thị xã đã tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại năm 2018. Đa số các cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp tập trung vào những vấn đề được nhân dân trên địa bàn đang quan tâm như: Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; công tác bảo đảm an ninh trật tự; công tác quy hoạch, quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh... Qua đó góp phần tăng cường và củng cố mối quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, chính quyền trong tình hình mới.

Tuy nhiên, trong thực tế vẫn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục như việc tuyên truyền, thực hiện quy chế dân chủ ở một số lúc, một số nơi chưa được sâu rộng; công tác bổ sung các quy chế, quy ước dân chủ cho phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị còn thụ động…

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá cao những kết quả Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã thực hiện trong 9 tháng của năm 2018.

Kết quả đạt được cho thấy, việc vận dụng quy chế dân chủ đã được các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị vận dụng rất tốt, đi sâu vào những việc thiết thực, đem lại hiệu quả cao và được nhân dân đồng tình, ghi nhận.

Nhấn mạnh 5 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện trong quý IV-2018, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo tập trung tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TƯ của Bộ Chính trị về “Xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở” trong tháng 10, đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức về kết quả mà TP Hà Nội đạt được trong 20 năm qua, kịp thời biểu dương, khen thưởng những đơn vị làm tốt để nhân rộng trên toàn thành phố.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng yêu cầu, các địa phương, đơn vị tăng cường đối thoại, trực tiếp giải quyết, tháo gỡ khó khăn ngay từ cơ sở, qua đó góp phần tích cực trong việc giữ vững ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.

Trong đó, việc thực hiện quy chế dân chủ cần gắn với nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương, đơn vị, gắn với triển khai Năm dân vận chính quyền 2018 và các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở TP Hà Nội giao ban quý III-2018

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.