Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười luôn quan tâm đến sự phát triển toàn diện của Thủ đô

Hiền Lương| 07/10/2018 06:29

(HNM) - Gắn bó với Hà Nội, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười luôn quan tâm và mong muốn Thủ đô phát triển toàn diện, xứng đáng là đầu tàu cả nước, cùng cả nước sớm thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.


Phong cách gần gũi, thuyết phục

Là người con của Hà Nội nên ngoài sự quan tâm chung dành cho cả nước, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười luôn dành cho Thủ đô sự quan tâm sâu sắc. Mỗi khi lãnh đạo thành phố xin ý kiến, đồng chí đều đưa ra những chỉ đạo, định hướng thể hiện sự nhìn xa, trông rộng. Chúng tôi luôn có ý thức tranh thủ xin ý kiến đồng chí khi triển khai những việc quan trọng. Đó là lợi thế của cấp ủy, chính quyền Hà Nội. Khi đồng chí cho ý kiến, thành phố rất vững tin thực hiện, nhất là trước những vấn đề khó khăn, phức tạp.

Nhiều việc khó khăn, cấp bách xảy ra, đồng chí đã trực tiếp tham gia cùng lãnh đạo thành phố giải quyết, không nề hà, không quan cách, rất gần gũi và nhiệt tình. Tôi còn nhớ, đầu những năm 1990, Hà Nội triển khai dự án di dời Nhà tù Hỏa Lò, dành một phần diện tích để làm di tích lịch sử, phần còn lại liên doanh với nước ngoài để xây dựng tổ hợp văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại. Trước một số ý kiến chưa đồng thuận, đồng chí Đỗ Mười - một cựu tù chính trị ở đây đã đứng ra giải thích, nhờ đó tạo được sự đồng thuận cao trong triển khai và Nhà tù Hỏa Lò đã trở thành di tích nổi bật, thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước.

Được gần gũi, tiếp xúc thường xuyên với đồng chí Đỗ Mười, chúng tôi học hỏi được từ đồng chí rất nhiều điều, từ tư duy đến hành động; từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, sử dụng cán bộ đến tầm nhìn, định hướng phát triển Thủ đô. Tôi vẫn mãi ấn tượng về những điều đồng chí nhắc nhở. Có lần đồng chí nói với tôi: “Anh làm quản lý thành phố hãy thử đi, nhìn và cảm nhận xem Hà Nội vận động thế nào để có giải pháp quản lý phù hợp. Thời bao cấp khác, bây giờ đổi mới rồi, tư duy quản lý phải khác đi. Các anh đi học thì phải chuyển kiến thức của người ta thành của mình, áp dụng vào để chăm lo cho đầy đủ người dân từ lúc sinh ra đến khi từ biệt cõi đời”.

Điều tôi cảm phục ở đồng chí Đỗ Mười là, ở vị trí lãnh đạo cao nhất của Đảng, nhưng đối với cán bộ quản lý bình thường, với người dân, đồng chí không hề có khoảng cách; phong cách luôn gần gũi, thuyết phục. Là bậc tiền bối, trí tuệ uyên thâm, giàu kinh nghiệm, nhưng đồng chí lúc nào cũng khiêm tốn, giản dị. Cần tìm hiểu việc gì, đồng chí đều hỏi trực tiếp chúng tôi, không nề hà sớm tối. Khi chỉ đạo hay phê bình, đồng chí vẫn rất nhẹ nhàng, nghiêm khắc nhưng rất nhân văn.

Nhiều định hướng quý báu về xây dựng đô thị Hà Nội

Đồng chí Đỗ Mười rất quan tâm, chăm lo cho sự nghiệp phát triển về kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội, nhất là sự phát triển về đô thị. Chúng tôi vẫn ghi nhớ, đồng chí từng căn dặn, Hà Nội là Thủ đô của cả nước, có sức hút rất lớn, dân số tăng nhanh, nên khi lập quy hoạch, hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô giai đoạn tới, thành phố phải tính toán thật kỹ lưỡng để đáp ứng nhu cầu của người dân, bảo đảm an sinh xã hội. Đồng chí đã nghe và cho ý kiến rất nhiều lần về Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020. Định hướng của thành phố khi đó là, đưa sông Hồng vào giữa lòng Hà Nội, mở rộng khu vực nội thành; thành lập thêm các quận mới như: Tây Hồ, Cầu Giấy, Thanh Xuân, sau đó là Hoàng Mai, Long Biên... được đồng chí Đỗ Mười ủng hộ, khuyến khích làm. Đến nay, những ý tưởng đã thành hiện thực, góp phần tạo nên diện mạo to, đẹp của Hà Nội ngày nay.

Định hướng về việc xây dựng nhà ở cho người dân, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười nói với lãnh đạo thành phố rằng, nếu chỉ dùng tiền ngân sách để xây dựng thì rất hạn chế, kinh phí hạn hẹp nên nhà ở cũng không được như mong muốn. Nhưng nếu huy động được doanh nghiệp cùng làm, thành phố sẽ có thêm nguồn lực để mở mang, để xây dựng lớn hơn, đẹp hơn. Đồng chí yêu cầu phải sớm tính toán để tổ chức các khu đô thị. Chính Khu đô thị Linh Đàm - khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên của Hà Nội được đồng chí Đỗ Mười quan tâm chỉ đạo rất sát sao. Có lần xuống thăm công trình, đồng chí kiểm tra từng căn hộ, từng cửa sổ. Khi thấy chất lượng chưa tốt, đồng chí nói: “Nếu các anh làm thế này thì chả khác gì cái cửa sổ nhà bao cấp. Mình đã bước sang thời kỳ mới thì làm phải khác đi”. Những hạn chế sau đó được khắc phục. Đồng chí xuống kiểm tra lại rất hài lòng.

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười là người rất quan tâm đến vấn đề môi trường đô thị, cấp thoát nước. Có lần, trao đổi với lãnh đạo thành phố, đồng chí nói: “Nhà mình ở xã Đông Mỹ (huyện Thanh Trì), cuối nguồn của thành phố. Nếu các cậu ở phía trên cứ xả nước thải vô tư xuống sông, xuống cống mà không xử lý thì cuối nguồn sẽ ô nhiễm nặng”. Lời nhắc nhở đó đã làm chúng tôi phải nghĩ ngay về những giải pháp quản lý và phát triển đô thị, phải quan tâm đến việc xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường. Từ đó, lãnh đạo thành phố xây dựng kế hoạch, kêu gọi các nước hỗ trợ vốn ODA để thực hiện các dự án như: Kè sông, làm các hồ điều hòa...

Đối với tôi, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười là người lãnh đạo cấp cao đáng kính, cả về đạo đức, lối sống đến tư duy, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo. Một nhà lãnh đạo chiến lược, nhưng lại rất hiểu những nhu cầu cụ thể, thiết thân của người dân để quan tâm, chỉ đạo đúng lúc, hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười luôn quan tâm đến sự phát triển toàn diện của Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.