Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thương tiếc nhà lãnh đạo trọn đời vì nước, vì dân

Nhóm phóng viên| 07/10/2018 06:31

(HNM) - Hôm qua, Lễ viếng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã được tổ chức trọng thể tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội; tại Hội trường Thống Nhất TP Hồ Chí Minh và quê hương ông (xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội).


Lễ viếng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười chính thức bắt đầu từ 7h, nhưng từ sáng sớm, đông đảo các tầng lớp nhân dân đã có mặt tại khu vực Nhà tang lễ quốc gia với mong muốn được tiễn biệt người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo có những đóng góp to lớn, đưa đất nước vượt qua những giai đoạn đầy cam go, thử thách.

Hòa trong dòng người vào viếng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, ông Nguyễn Tiến Hà, Nhà giáo ưu tú, 91 tuổi đời, 71 năm tuổi Đảng, Trưởng ban Liên lạc các chiến sĩ yêu nước và cách mạng bị địch bắt tù đày tại nhà tù Hỏa Lò (1930-1954) chia sẻ: "Tôi đến viếng đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư, cũng là người đồng chí, bạn tù thời xưa. Dù đã ở nhiều cương vị khác nhau, nhưng ý chí trung kiên, bất khuất của các chiến sĩ nhà tù Hỏa Lò đã luôn được đồng chí Đỗ Mười phát huy trong công tác cũng như trong cuộc sống. Đồng chí mất đi, chúng tôi cảm thấy vô cùng đau xót, tiếc thương".

Còn ông Nguyễn Kim Bảng, 68 tuổi, nguyên là cán bộ của Bộ Giao thông - Vận tải, ở phố Đội Cấn, quận Ba Đình xúc động: "Chúng tôi được biết, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười khi giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã góp phần to lớn trong việc đưa đất nước từng bước thoát khỏi tình trạng lạm phát lên tới 774% vào năm 1986, xuống còn 34% vào năm 1989 và đến năm 1992 chỉ còn 14%. Đồng chí cũng là người đề nghị Bộ Chính trị và Trung ương đồng ý chủ trương xóa bỏ bao cấp, xóa bỏ ngăn sông cấm chợ, đưa hai giá về một giá. Những đóng góp của đồng chí đã giúp kinh tế nước ta bước sang một giai đoạn phát triển mới mà đến nay chúng ta vẫn đang được hưởng thành quả".

Ông Nguyễn Quý Chất, 70 tuổi, cán bộ hưu trí phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm lại nhớ đến nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười với hai đề xuất mang tính lịch sử về việc triển khai xây dựng "Quy chế dân chủ ở cơ sở" và “Phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”. “Nếu tìm hiểu kỹ những tư liệu về nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, có thể thấy những đề xuất của đồng chí đều xuất phát từ thực tế tiếp xúc với đồng bào, đồng chí, với tấm lòng vì nước, vì dân. Những sáng kiến, đề xuất của đồng chí đến ngày nay vẫn vẹn nguyên ý nghĩa, được nhân dân mãi mãi ghi nhớ” - ông Nguyễn Quý Chất nói.

Tại Hội trường Thống Nhất, TP Hồ Chí Minh, đông đảo các tầng lớp nhân dân đã tới dự Lễ viếng và bày tỏ niềm tiếc thương đối với sự ra đi của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười. Bà Tạ Thị Chung, 87 tuổi, Anh hùng Lao động, Thầy thuốc nhân dân, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ chia sẻ niềm vinh dự nhiều lần được gặp nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười. “Dù là lãnh đạo cấp cao, nhưng bác Đỗ Mười có phong cách rất giản dị, mực thước, gần gũi với nhân dân” - bà Tạ Thị Chung bày tỏ.

Tại quê nhà nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười - xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội, đông đảo bà con họ hàng, nhân dân địa phương và các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương đã đến đặt vòng hoa, viếng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười tại khu Ma Vang - nơi sẽ đón đồng chí trở về với đất mẹ vào hôm nay (7-10). Ông Trần Văn Thắng, 67 tuổi xúc động: “Đối với quê hương, nguyên Tổng Bí thư dù bận trăm công nghìn việc nhưng vẫn thường xuyên quan tâm đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giữ trọn vẹn nghĩa tình với họ hàng, lối xóm. Bác luôn nêu gương sáng về đức tính cần, kiệm, liêm, chính. Đây là điều chúng tôi khâm phục nhất khi nói về nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười".

Thực hiện lời căn dặn của đồng chí Đỗ Mười, hiện nay, đời sống nhân dân trong xã ngày càng được nâng cao. Đông Mỹ đã được công nhận xã nông thôn mới từ năm 2013 và ngày càng phát triển khang trang, hiện đại. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thương tiếc nhà lãnh đạo trọn đời vì nước, vì dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.