Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lấy phiếu tín nhiệm dựa trên hiệu quả phục vụ nhân dân

Nguyên Anh| 23/10/2018 06:46

(HNM) - Một trong những nội dung quan trọng tại kỳ họp thứ sáu là Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 22-10, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đỗ Văn Sinh (đại biểu tỉnh Quảng Trị) cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ dựa trên thước đo là hiệu quả phục vụ nhân dân.

- Việc bỏ phiếu tín nhiệm sẽ dựa trên căn cứ nào để bảo đảm sự công tâm, vô tư khi thực hiện và tránh tình trạng vận động để được ưu ái, thưa ông?

- Để bảo đảm khách quan, các đại biểu sẽ dựa vào hiệu quả hoạt động của những vị được lấy phiếu đã mang lại tiến bộ gì so với giai đoạn trước, hoặc còn những hạn chế gì chưa giải quyết được. Đó chính là cơ sở quan trọng để các đại biểu Quốc hội đánh giá.

Còn việc tổ chức lobby (vận động hành lang để được ưu ái) thì không mang ý nghĩa gì và theo tôi cũng không nên làm thế vì cử tri, nhân dân sẽ nhìn vào, đặt câu hỏi: Tại sao ông này được phiếu cao? Phải chăng là do ông chịu khó đi mời mọc, lobby nhiều? Điều mà các đại biểu sẽ đánh giá tín nhiệm là dựa trên cơ sở kết quả hoạt động của người được lấy phiếu.

- Trước khi kỳ họp thứ sáu chính thức khai mạc, một số người từng được lấy phiếu tín nhiệm ở nhiệm kỳ trước bày tỏ rằng, kết quả đối với họ không thực sự chính xác, một phần do thông tin đến với đại biểu chưa đầy đủ. Vậy tại kỳ họp lần này, các đại biểu được cung cấp thông tin thế nào?

- Rút kinh nghiệm những lần lấy phiếu tín nhiệm trước đây, các cơ quan của Quốc hội đã rất thận trọng. Cách đây khoảng 2 tuần, các cơ quan đã gửi đến các đại biểu Quốc hội báo cáo về hoạt động của những chức danh sẽ được lấy phiếu tín nhiệm kỳ này. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là một kênh thông tin, còn yếu tố khác rất quan trọng là quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao của người được lấy phiếu tín nhiệm trong hơn 2 năm vừa qua đã mang lại những hiệu quả cụ thể gì cho nhân dân.

- Báo cáo giải quyết kiến nghị của cử tri là một trong những nguồn thông tin được cung cấp đến đại biểu Quốc hội. Ông đánh giá nguồn thông tin này thế nào khi xem xét bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh?


- Tôi cho rằng, thông tin từ giải quyết kiến nghị của cử tri là một trong những kênh rất quan trọng vì những hoạt động của người được Quốc hội bầu sẽ được phản ánh trên thực tế cuộc sống của nhân dân cả nước... Nếu họ giải quyết được những bức xúc của cử tri một cách nhanh chóng thì đó là cơ sở quan trọng để đánh giá tín nhiệm.

- Vậy với những thông tin hiện có, cá nhân ông có thể đưa ra những đánh giá tín nhiệm chính xác trong lần lấy phiếu này?

- Quá trình hoạt động vừa qua tôi thấy, bản thân có đầy đủ thông tin để đưa ra đánh giá một cách công tâm về tín nhiệm của những người được lấy phiếu. Tôi cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm là trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội và trách nhiệm này là ngang nhau với mỗi đại biểu, thể hiện bằng một lá phiếu.

Để hoạt động này diễn ra công tâm, khách quan, cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội. Khi mỗi đại biểu đều nỗ lực nhận thức, nắm bắt toàn bộ hoạt động thuộc mọi lĩnh vực của đất nước, trong đó có lĩnh vực của những người được lấy phiếu tín nhiệm thì kết quả sẽ toàn diện, khách quan và chính xác.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lấy phiếu tín nhiệm dựa trên hiệu quả phục vụ nhân dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.