Theo dõi Báo Hànộimới trên

HĐND TP Hồ Chí Minh bàn thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội

Theo THU HOÀI (TTXVN/VIETNAM+)| 05/12/2018 19:55

Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 12 HĐND TP Hồ Chí Minh khóa IX, ngày 5-12, các đại biểu nêu nhiều trăn trở về các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, đồng thời đảm bảo an sinh xã hội.


Tập trung giải pháp phát triển kinh tế


Theo báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội năm 2018 do Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến trình bày, năm 2018 kinh tế thành phố tăng trưởng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 38,32 tỷ USD, tăng 7,8%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt đạt 47,3%, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 369.621 tỷ đồng, đạt 98% dự toán, tăng 7,14% so cùng kỳ.

Theo đánh giá của UBND thành phố, chất lượng tăng trưởng kinh tế dù đạt chỉ tiêu nhưng còn nhiều thách thức. Công tác thu ngân sách dù nhiều nỗ lực thực hiện và tăng so với cùng kỳ, nhưng khó đạt chỉ tiêu dự toán, nhất là nguồn thu khu vực nội địa, khu vực kinh tế.

Trong khi đó, nhu cầu chi ngân sách thành phố cho đầu tư phát triển, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh trật tự toàn xã hội là rất lớn. Đây là một khó khăn, thách thức đối với thành phố.

Quang cảnh kỳ họp thứ 12 HĐND TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN)


Đề cập đến việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê nhận định, tăng trưởng kinh tế thành phố năm 2018 đạt mức 8,3% là kết quả kỳ diệu. Tuy nhiên, sự ổn định vững bền trong những năm tiếp theo cần mổ xẻ kỹ để có giải pháp kiên quyết.

Nguồn thu ngân sách để lại cho thành phố chỉ 18%, trong khi đó thành phố đang thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội, với yêu cầu thực hiện tốt việc chăm lo nâng cao chất lượng sống người dân, bảo đảm an sinh xã hội. Đây là một thách thức không nhỏ với thành phố. Năm 2019, thành phố cần có giải pháp quyết liệt hơn để đạt được chỉ tiêu thu ngân sách, theo dự toán cao hơn năm nay 22.000 tỷ đồng.

Góp ý về giải pháp để tăng năng lực cạnh tranh, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Thúy cho rằng, cùng với việc ban hành danh mục sản phẩm chủ lực, thành phố cần xác định ngay một số thương hiệu chủ lực, từ đó xây dựng thương hiệu đủ sức cạnh tranh trên sân nhà, để TP Hồ Chí Minh không phải là nơi “ở trọ” của những thương hiệu nước ngoài. Song song với đó, thành phố phải xác định được những danh mục sản phẩm chủ lực và xây dựng thương hiệu để xuất khẩu.

Về vấn đề này, ông Phạm Thành Kiên - Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, vừa qua thành phố đã công bố 7 nhóm sản phẩm chủ lực, trên cơ sở đó tạo cơ chế chính sách để các sản phẩm này thực sự trở thành chủ lực. Trong 5 nhóm chính sách hỗ trợ cho 7 nhóm sản phẩm chủ lực đã bao gồm việc hỗ trợ xây dựng thương hiệu.

Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là tình trạng thất thoát nguồn thu ảnh hưởng đến thu ngân sách thành phố; nổi lên là thất thoát trong thu phí đậu ôtô dưới lòng đường ở các tuyến đường cho phép.

Ông Bùi Xuân Cường - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh cho rằng, đây là lần đầu tiên thành phố ứng dụng công nghệ, thu phí tự động. Mục tiêu thu phí tập trung kiểm soát, giảm nhu cầu lưu thông về khu vực trung tâm và có thêm nguồn để duy tu hệ thống công trình. Hiện nay, tại 23 tuyến đường thí điểm ở 3 quận đã lắp được 261 camera giám sát.

Tuy nhiên, việc giám sát việc người dân tự nguyện thanh toán còn khó khăn, số tiền thu được thực tế so với số lượng giám sát qua camera mới chỉ đạt 16%.

Khắc phục tồn tại của hệ thống giao thông công cộng

Nhiều đại biểu cho rằng mặc dù được tập trung đầu tư nhưng chất lượng vận tải hành khách công cộng những năm gần đây có chiều hướng giảm. Nhiều người dân đặt vấn đề, từ năm 2012 - khi thành phố khôi phục việc trợ giá cho xe buýt đến nay chất lượng dịch vụ và số lượng hành khách đạt được có tương xứng với kinh phí trợ giá đã bỏ ra hay chưa?

Trao đổi vấn đề này, ông Bùi Xuân Cường - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh cho rằng, chất lượng vận tải công cộng đã có những chuyển biến, trong khi đó tỷ lệ trợ giá ngày càng giảm. Cụ thể, thời gian đầu tỷ lệ này là 70%, nay giảm xuống còn 40%. Đây là tỷ lệ thấp so với các địa phương lân cận.

Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện có 16.000 chuyến xe buýt/ngày, mỗi năm có khoảng 6 triệu chuyến xe buýt phục vụ người dân. Năm 2018, lần đầu tiên thành phố ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý vận hành xe buýt thông qua trung tâm điều hành với 4.000 camera giám sát. Qua hệ thống này cho thấy, số trường hợp vi phạm trong vận hành xe buýt đã giảm 39% so với năm trước.

Với những giải pháp đang được quyết liệt triển khai, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường khẳng định, trong năm 2019 sẽ có nhiều thay đổi, cải thiện trong hệ thống vận hành xe buýt, tối ưu hóa kế hoạch vận hành và sắp xếp lại đường tuyến cho hợp lý.

Riêng hệ thống buýt đường thủy, ông Bùi Xuân Cường cũng thừa nhận trong 6 tuyến được triển khai, đến nay thành phố mới tập trung khai thác được 1 chuyến; việc kết nối với hệ thống giao thông công cộng chưa đồng bộ nên việc phục vụ nhu cầu đi lại hạn chế, lượng khách đi buýt đường thủy chủ yếu là du lịch. Thời gian tới sẽ tập trung các giải pháp để phát triển đồng bộ hơn hệ thống buýt đường thủy.

Tăng cường đấu tranh với hoạt động tín dụng “đen”


Nói về hoạt động tín dụng “đen” mà dư luận xã hội đang rất quan tâm và bức xúc, Thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh cho rằng, dưới góc độ pháp luật thì đây là vi phạm về hoạt động tín dụng không có chứng nhận của Ngân hàng Nhà nước và vi phạm về quy định lãi suất. Qua kiểm tra, Công an thành phố phát hiện một số đối tượng ở phía Bắc vào thuê nhà và hoạt động tín dụng trái phép ở thành phố.

Theo thống kê về vụ việc liên quan đến hoạt động cho vay, năm 2014 bình quân xảy ra một vụ/tháng nhưng hiện nay là 4 vụ/tháng. Những hoạt động này làm phát sinh nhiều vấn đề như xâm phạm về chỗ ở, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản, nặng nhất là giết người. Năm 2018, thành phố ghi nhận 3 vụ giết người mà nguyên nhân là mâu thuẫn cho vay trái pháp luật mà thu hồi nợ không được.

Thiếu tướng Phan Anh Minh cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 873 đối tượng hoạt động cho vay trái pháp luật và có vi phạm về lãi suất; hơn 2/3 trong số đó không phải là người cư trú địa bàn thành phố, có không ít đối tượng đang bị điều tra, truy nã. Năm 2018, tất cả các đơn vị Công an thành phố đã kiểm tra, phát hiện và lập biên bản 60 nhóm, hơn 230 đối tượng vi phạm về hoạt động tín dụng trái pháp luật.

Tuy nhiên, hầu hết chỉ bị xử lý vi phạm hành chính, phổ biến là vi phạm như không đăng ký tạm trú, gây mất trật tự công cộng… Một số vụ gây ra án hình sự cũng bị khởi tố như khởi tội tàng trữ trái phép vũ khí.

Theo Thiếu tướng Phan Anh Minh, hiện nay chưa xử lý được nhiều vụ hoạt động tín dụng “đen” là do quy định pháp luật còn nhiều sơ hở. Hiện một số Nghị định đang được lấy ý kiến sửa đổi để phù hợp với thực tế và có cơ sở pháp lý để xử lý các vi phạm này một cách căn cơ.

Ở góc độ địa phương, trong kế hoạch cao điểm phòng chống tội phạm của Công an thành phố có nội dung đấu tranh với tín dụng "đen"; Công an thành phố cũng có đề án tăng cường chất lượng hoạt động của công an phường xã, trong đó quản lý chặt chẽ nhân khẩu, sớm phát hiện ra các đối tượng có vấn đề trên địa bàn.

Khi xảy ra tranh chấp, người dân bức xúc trước tình trạng chọi đá, tạt sơn, tạt chất bẩn vào nhà thân nhân của các "con nợ", gây hậu quả... Từ thực tế này, Thiếu tướng Phan Anh Minh đề nghị Hội đồng định giá trong các hoạt động tố tụng hỗ trợ định giá thiệt hại khi phải sơn sửa lại nhà, có thể định thêm tội hủy hoại tài sản để xử lý ở mức cao hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
HĐND TP Hồ Chí Minh bàn thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.