Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ cấu lại để phát triển bền vững

Đức Anh| 03/10/2017 07:15

(HNM) - Cơ cấu ngân sách chưa hợp lý, nhu cầu chi ngân sách không ngừng tăng cao, nợ công và nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn... là những vấn đề


Áp lực với ngân sách quốc gia

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, những năm qua, nền tài chính công đã được đổi mới theo hướng minh bạch, hiệu quả, bền vững. Tuy nhiên, ngân sách nhà nước cũng đang chịu áp lực lớn do quy mô ngân sách so với GDP giảm nhanh và cơ cấu thu chưa hợp lý.

Nếu giai đoạn 2006-2010, thu ngân sách chiếm 26,3% GDP, trong đó số thu từ thuế, phí là 22,6% GDP thì giai đoạn 2011-2015, thu ngân sách chiếm 23,6% GDP, trong đó thu từ thuế, phí là 20,8% GDP. Trong khi, nhu cầu chi ngân sách không ngừng tăng, vượt quá khả năng cân đối nguồn lực, dẫn đến bội chi ngân sách tăng cao, tích lũy ngân sách cho đầu tư phát triển thấp. Đáng lưu ý, nợ công và nghĩa vụ trả nợ đang tăng nhanh, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, việc sử dụng ngân sách và vốn đầu tư công còn lãng phí, thất thoát, kém hiệu quả. Trong bối cảnh đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới cũng đòi hỏi phải có công cụ tài chính đủ mạnh để thực hiện vai trò định hướng, điều tiết, phân phối và hỗ trợ nền kinh tế…

Trước thực tế này, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TƯ ngày 18-11-2016 về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm phát triển nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Theo đó, đến năm 2020, hệ thống chính sách thuế sẽ được sửa đổi theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế, tăng tỷ trọng thu nội địa, bảo đảm tỷ trọng hợp lý giữa thuế gián thu và thuế trực thu, khai thác tốt thuế thu từ tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Đối với chi ngân sách nhà nước, sẽ từng bước cơ cấu lại theo hướng tăng hợp lý tỷ trọng chi đầu tư, giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên gắn với đổi mới mạnh mẽ khu vực sự nghiệp công lập theo hướng tăng cường tự chủ tài chính. Đồng thời cơ cấu lại nợ công, kiểm soát chặt chẽ quy mô nợ công, nợ nước ngoài và việc sử dụng hiệu quả vốn vay...

Nâng cao vai trò thuế gián thu

Theo ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế, tỷ lệ thu từ thuế trên GDP những năm qua có xu hướng giảm do điều chỉnh giảm một số sắc thuế. Vì vậy, để thực hiện chiến lược phát triển tài chính bền vững, phải bảo đảm bài toán cân bằng tổng thể giữa cơ cấu thuế gián thu và thuế trực thu, giữa người nộp thuế, người tiêu dùng ở các mức thu nhập khác nhau.

Tiến sĩ khoa học Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội phân tích, xu thế quốc tế hiện nay là giảm dần thuế trực thu, tăng dần vai trò thuế gián thu, như thuế giá trị gia tăng, thuế hàng hóa. Mục đích là để kích thích doanh nghiệp tăng trưởng, tạo đà cho kinh tế hồi phục. Tại các quốc gia Châu Âu, thuế gián thu chiếm 50 - 60% tổng thu ngân sách nhà nước; tại Trung Quốc, tỷ lệ này tăng gần gấp đôi, từ 33% (năm 2004) lên trên 60% (năm 2016). Vì vậy, Việt Nam cũng cần cân nhắc tăng tỷ lệ động viên từ các sắc thuế gián thu, thuế tiêu thụ để phát triển ngân sách theo hướng bền vững. Bên cạnh đó, cần sớm nghiên cứu áp dụng thuế tài sản (thuế bất động sản) để huy động thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.

Góp ý kiến về việc nâng cao hiệu quả đầu tư công, ông Aaron Batten, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho rằng, Việt Nam cần ưu tiên hỗ trợ khu vực tư nhân thực hiện các dự án đầu tư công trình hạ tầng kinh tế - xã hội. Vốn ngân sách chỉ là vốn “mồi” giúp khai thác tối đa nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác. Đây là giải pháp hữu hiệu để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, từ đó góp phần phát triển nền tài chính theo hướng bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ cấu lại để phát triển bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.